Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông dân nỗ lực vượt khó để tái sản xuất 

Cập nhật ngày: 09/09/2021 - 23:54

BTN - Theo nông dân, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn nên nhà nông chần chừ xuống giống cho vụ mới do lo ngại tình hình tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.

Nông dân làm đất chuẩn bị xuống giống cho vụ lúa mới (ảnh minh hoạ)

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, tính đến ngày 8.9, vụ Mùa năm 2021, cả tỉnh xuống giống lúa được 26.796 ha, đậu phộng 302 ha, bắp 571 ha, rau các loại 3.644 ha, khoai các loại 33 ha, mì thương mại 2.484,5 ha…

Theo nông dân, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn nên nhà nông chần chừ xuống giống cho vụ mới do lo ngại tình hình tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện cho người nông dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản.

Phải nhìn nhận là, dù rất nỗ lực nhưng các sở, ngành và địa phương cũng không thể hỗ trợ tiêu thụ hoàn toàn nông sản, dẫn đến nông dân gặp khó khăn. Do đó, nông dân lo ngại, không mạnh dạn tái sản xuất cho vụ Mùa là điều dễ hiểu.

Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT kiến nghị các ngân hàng hỗ trợ khoanh nợ, giảm lãi suất vay, để nông dân có điều kiện tái sản xuất. Khi tình hình dịch bệnh được khống chế, khả năng nông sản, lương thực, thực phẩm sẽ tăng giá do sản xuất nông nghiệp trước đó bị đình trệ. Vì vậy, không chỉ ngành nông nghiệp mà các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương nỗ lực động viên người dân vượt qua khó khăn, tái sản xuất.

Ông Nguyễn Ðình Xuân cho rằng, nếu xảy ra tình trạng nông dân không tái sản xuất, sẽ dẫn đến khủng hoảng lương thực, thực phẩm, không bảo đảm cung cấp cho người dân, nhất là khi các đô thị, khu công nghiệp hoạt động trở lại.

Do đó, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động và có nhiều chính sách hỗ trợ để nông dân xuống giống tái sản xuất trong vụ Mùa.

Thời gian qua, các ngành chức năng có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, nhưng vấn đề cần quan tâm là duy trì chuỗi hoạt động sản xuất, tạo điều kiện để nông dân thuê được lao động làm việc mà vẫn thực hiện đúng các quy định về công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ thiết thực từ ngân hàng, trong đó có vấn đề khoanh nợ, giãn nợ để nông dân yên tâm tái sản xuất trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tấn Hưng