Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Mừng Đảng - Mừng Xuân
Tư tưởng Hồ Chí Minh Mừng Đảng - Mừng Xuân
Nông dân phấn khởi ra đồng sau tết
Thứ sáu: 14:51 ngày 07/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau những ngày vui xuân, đón tết, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào lao động, sản xuất vụ Đông Xuân 2024-2025. Trên những cánh đồng, không khí lao động hăng say, tiếng nói rôm rả xen lẫn tiếng máy cày, máy xới, mang theo niềm tin một năm mưa thuận gió hoà, vụ mùa tốt tươi.

Ước mong trúng giá, được mùa

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích gieo trồng lúa vụ Đông Xuân 2024-2025 toàn tỉnh là 45.847ha, hiện nay chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh (20.338ha), đến làm đòng (18.036ha), một số diện tích gieo sạ sớm ở giai đoạn trổ (7.212 ha), cục bộ có khoảng 261ha ở giai đoạn mạ.

Xã Hoà Hội, huyện Châu Thành là địa phương có diện tích trồng trọt khoảng 1.112ha, trong đó diện tích trồng lúa chiếm tỷ lệ cao nhất. Theo ông Lưu Anh Tuấn- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Hội, địa phương đã tích cực chủ động tuyên truyền đến nông dân chăm sóc lúa vụ Đông Xuân. Đến hiện tại, sâu rầy chưa phát triển nhiều, cây lúa phát triển ổn định, nông dân thăm đồng thường xuyên để chủ động phòng ngừa sâu bệnh hại.

Ông Lưu Anh Tuấn- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Hội (bìa trái) cùng nông dân xã Hoà Hội thăm đồng sau tết.

“Hệ thống kênh vượt sông Vàm Cỏ Đông được đưa vào khai thác, phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành, đặc biệt là 6 xã cánh Tây của huyện, trong đó có xã Hoà Hội, đã giúp nông dân chủ động được nguồn nước tưới.

Địa phương có khoảng 160ha trồng khoai mì, vừa qua có vài trận sương muối nên xuất hiện tình trạng khảm lá mì. Để khắc phục, nông dân đã phun thuốc diệt mầm bệnh trên cây mì. Hội Nông dân xã tập trung tuyên truyền, chuyển giao khoa học công nghệ, trên địa bàn có khoảng 5 máy bay phun thuốc trừ sâu, tạo điều kiện cho nông dân tiết kiệm thời gian và công sức để đạt hiệu quả sản xuất cao nhất”- ông Lưu Anh Tuấn thông tin thêm.

Nông dân phun thuốc cây khoai mì.

Gia đình ông Nguyễn Văn Quế (xã Hoà Hội) trồng lúa với 4ha, hiện ruộng lúa được 50 ngày tuổi. Theo ông Quế, khoảng 27-28 tháng Chạp, ông đã phun thuốc trừ sâu bệnh hại, qua tháng Giêng sẽ tiếp tục phun thuốc, bón phân cho cây lúa.

Năm nay tình hình sâu rầy ít, lúa phát triển tốt, tuy nhiên, vụ sạ dài ngày nên tốn nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hiện tại, giá lúa rẻ, khoảng 5.000 đồng/kg, nông dân không có lời, mọi năm khoảng 6.000-7.000 đồng/kg. Ông Quế kiến nghị các cơ quan chức năng, quan tâm kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với mặt hàng vật tư nông nghiệp, để nông dân an tâm kinh doanh, sản xuất, hy vọng một vụ mới trúng giá, được mùa.

Ông Lưu Anh Tuấn- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Hội (bìa trái) cùng ông Nguyễn Văn Quế trên cánh đồng lúa được 50 ngày tuổi.

Bám sát ruộng đồng, đề phòng sâu bệnh hại

Bà Lê Thị Kiều Trang- Cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, Chi cục khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, tập trung chăm sóc, làm cỏ, tỉa dặm, bón phân... Tùy tình trạng sinh trưởng, phát triển cây lúa, có thể khuyến cáo bổ sung phân bón lá trung, vi lượng và phân bón có chứa các nguyên tố magie, silic cao giúp cho lúa cứng cây, chống đổ ngã.

“Một số sâu bệnh hại có khả năng phát sinh gây hại cây rau các loại như sâu vẽ bùa, bọ nhảy, bệnh thối nhũn, thối gốc... gây hại trên nhóm rau cải; bọ trĩ, nhện đỏ, sâu xanh, ruồi đục quả, bệnh đốm lá, đốm vàng, thán thư, phấn trắng... gây hại nhóm cây khổ qua, dưa leo, bầu, bí, mướp; nhóm nhện, bọ trĩ, bệnh thán thư, héo xanh, héo vàng gây hại cây ớt; dòi đục lá, sâu xanh da láng, bệnh thán thư gây hại cây hành lá...

Hệ thống kênh vượt sông Vàm Cỏ Đông (đoạn qua địa phận xã Hoà Hội) bảo đảm cung cấp nước tưới cho sản xuất.

Đối với cây khoai mì, lưu ý một số đối tượng phát sinh gây hại như nhện đỏ, bệnh lỡ cổ rễ, xì mủ thân phát sinh gây hại. Đối với cây ăn trái, một số sâu bệnh hại có khả năng phát sinh gây hại như sâu đục trái, ruồi đục trái, rệp sáp, bọ trĩ, thán thư, nấm hồng (trên cây mãng cầu ta); bọ trĩ, nhện đỏ, rệp sáp, sâu vẽ bùa, xì mủ thân, vàng lá thối rễ (trên cây cây có múi); bệnh chổi rồng( cây nhãn); bệnh thán thư, nứt thân xì mủ (cây sầu riêng)”– bà Lê Thị Kiều Trang thông tin.

Nông dân cần điều tiết nước khoa học, hợp lý, tiết kiệm ngay từ đầu vụ, bảo đảm đủ nước theo nhu cầu phát triển của cây lúa, nhất là giai đoạn làm đòng và trổ bông; khuyến cáo nông dân tận dụng tối đa nguồn nước còn trên các sông, rạch để cung cấp cho cây trồng và sử dụng tiết kiệm nguồn nước trong hồ chứa phục vụ cho sản xuất.

Nông dân chăm sóc cây khoai mì.

Khi có mưa trái mùa gây ngập úng cục bộ, cần chú ý khẩn trương huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, hạn chế để ruộng lúa bị ngâm nước nhiều ngày làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển lúa; chú ý các nấm gây bệnh như đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, khô vằn phát sinh gây hại nặng ảnh hưởng đến năng suất. Sau khi nước rút, cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng... cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo, cần xới xáo phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK.

Các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang từng ngày nỗ lực sản xuất, học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nâng cao giá trị sản phẩm. Năm mới với khí thế mới, cùng sự quyết tâm cao của ngành Nông nghiệp và nông dân, tin rằng sản xuất nông nghiệp năm 2025 của tỉnh sẽ đạt năng suất, sản lượng vượt kế hoạch đề ra.

Kế hoạch sản xuất năm 2025 của tỉnh đối với rau các loại là 20.040ha, đậu các loại 2.800ha, đậu phộng 2.900ha, bắp 5.100 ha, khoai mì 62.020ha, mía 7.500ha.

Riêng vụ Đông Xuân 2024–2025, rau các loại 7.340ha, đậu các loại 1.300ha, đậu phộng 2.340ha, bắp 2.800ha, khoai mì 41.520ha. Tùy thuộc vào điều kiện đất đai, mùa vụ, hệ thống tưới tiêu, đối tượng cây trồng để xác định biện pháp kỹ thuật thâm canh hợp lý để có hiệu quả kinh tế cao.

Kế hoạch diện tích trồng cây ăn trái năm 2025 là 24.820ha, một số cây ăn trái chính như: mãng cầu 6.000ha, sầu riêng 3.900ha, chuối 1.950ha, xoài 2.540ha, nhãn 4.100ha, bưởi 1.250ha.

Hoàng Yến – Nhi Trần

data:
Dịch vụ chứng minh tài chính Khoa lê
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục