Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhiều diện tích sản xuất lúa vụ Ðông Xuân niên vụ 2020-2021 khu vực phía Nam của tỉnh đang vào vụ thu hoạch sớm. Nhìn chung, lúa năng suất ổn định, giá bán tăng, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thăm đồng và hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc lúa hiệu quả.
Giá lúa tăng cao
Trong khi các mặt hàng nông sản khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì lúa Ðông Xuân thu hoạch sớm của nông dân được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá cao, nông dân phấn khởi, không khí thu hoạch lúa trên các cánh đồng nhộn nhịp.
Ðang chờ thương lái đến thu mua hơn 130 bao lúa trên tuyến đường liên xã Lợi Thuận - An Thạnh (đường Cầu Phao), ông Lâm Văn Bền, nông dân tại ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi nên vụ lúa Ðông Xuân của gia đình ông trúng mùa, năng suất thu hoạch ước gần 7,5 tấn/ha. Với giá thu mua tại ruộng là 6.400 đồng/kg, ông nhẩm tính có lãi hơn 25 triệu đồng/ha.
Một nông dân sản xuất gần 4 ha lúa tại ấp Gò Ngãi, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng vừa thu hoạch hơn 1,3 ha lúa giống OM5451, năng suất khoảng 7 tấn/ha. Sau thu hoạch, lúa được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá khoảng 6.100 đồng/kg; còn gần 2,7 ha chưa thu hoạch, dù thương lái nài nỉ đặt cọc trước với giá 6.000 đồng/kg nhưng nông dân này không đồng ý bán.
Theo ông Tiến, ngụ ấp Phước Chỉ, xã Phước Bình, vụ lúa Ðông Xuân năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi, cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh nên chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tương đối ít hơn vụ trước, năng suất có phần nhỉnh hơn cùng kỳ. Bên cạnh đó, từ sau tết nguyên đán, thời tiết nắng nóng liên tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu hoạch và vận chuyển lúa.
“Lúa thu hoạch vừa được mùa, được giá, thương lái đến tận ruộng thu mua, không phải vất vả vì mưa gió, nông dân chúng tôi rất vui”- một nông dân ngụ ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng chia sẻ.
Một thương lái thu mua lúa tại ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ cho biết, giá lúa vụ Ðông Xuân niên vụ 2020-2021 tăng trung bình từ 900 đồng đến gần 1.500 đồng/kg so với vụ trước, tuỳ theo giống lúa. Các giống phổ biến đang được thu hoạch rộ là OM 5451, IR 50404, OM 18 có giá từ 6.200 đồng đến gần 7.000 đồng/kg, riêng giống OM 1352 có giá khá cao, trên 7.000 đồng/kg nhưng chỉ mới thu hoạch lác đác. Ðây là mức giá lúa thương phẩm cao nhất từ trước đến nay, bảo đảm nông dân có lãi trên 20 triệu đồng/ha.
Vừa mừng vừa lo
Giá lúa tăng cao, nông dân vui mừng, nhưng thông tin giá phân bón tăng khiến nhà nông lo lắng. Theo một đại lý phân bón tại ấp Gò Ngãi, xã Phước Bình, từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng phân bón như ure, DAP, NPK tăng mạnh, tính đến thời điểm này, giá phân bón đã tăng từ 40.000 - 100.000 đồng/bao (50kg).
Ông Ð, chủ một đại lý vật tư nông nghiệp tại xã Long Thuận, huyện Bến Cầu cho biết, các công ty đã tăng giá phân bón hơn 20% so với trước đó, cụ thể các loại phân đạm (ure) Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình và phân bón nhập khẩu có giá khoảng 460.000 đồng/bao (trước đó chỉ 380.000 đồng/bao), DAP 600.000 đồng/bao thì nay tăng trên 700.000 đồng/bao.
Theo ông Tuấn, nông dân ngụ ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ, việc phân bón tăng giá vào đầu mỗi vụ lúa là điều không mới đối với người nông dân. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn mà giá mặt hàng này tăng “chóng mặt” như hiện nay khiến những nông dân như ông lo lắng khi chuẩn bị bước vào sản xuất vụ Hè Thu sắp tới.
Một nông dân tại ấp Long Phi, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu than thở, thời gian gần đây, việc tiêu thụ các sản phẩm rau, củ, quả rất chậm, thậm chí một số loại chỉ còn vài trăm đồng một ký, khiến người nông dân lỗ nặng, nay giá phân bón tiếp tục tăng, đời sống nông dân càng khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Văn Hồng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, vụ Ðông Xuân năm 2020-2021, trên địa bàn tỉnh xuống giống khoảng 45.817 ha lúa, nhiều diện tích đang bước vào vụ thu hoạch sớm, chủ yếu tập trung tại các huyện Gò Dầu, Bến Cầu và các xã phía Tây của thị xã Trảng Bàng.
Theo ông Hồng, phân bón là một trong những loại vật tư nông nghiệp quan trọng, chiếm khoảng 1/3 giá thành trong sản xuất lúa, nên việc giá phân bón tăng chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và lợi nhuận của nông dân trong vụ lúa Hè Thu tới.
Bên cạnh nỗi lo về giá, nông dân còn lo lắng về chất lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, khi thời gian qua, trên thị trường đã xuất hiện một số loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, ảnh hưởng xấu đến năng suất và môi trường.
Rất mong các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường sản xuất và kinh doanh các mặt hàng này, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh thiệt hại cho người nông dân.
Nguyên An