Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thắng lợi từ vụ Đông Xuân 2022-2023, nông dân trên địa bàn tỉnh bắt đầu bước vào vụ Hè Thu với tâm trạng phấn khởi. Cùng với giá vật tư nông nghiệp giảm, nông dân hy vọng sẽ có một vụ mùa bội thu.
Nông dân trao đổi kinh nghiệm chăm sóc để cây lúa sinh trưởng đạt năng suất.
Qua ghi nhận thực tế tại nhiều cánh đồng trên địa bàn tỉnh, nông dân đã và đang xuống giống, những yếu tố tích cực về năng suất, giá bán và lợi nhuận có được từ vụ lúa Đông Xuân tạo động lực cho nông dân gieo sạ vụ lúa Hè Thu.
Ông Nguyễn Văn Lượng- ấp Hoà Hợp, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành cho biết: “Vụ Hè Thu tôi gieo sạ 3 ha lúa, áp dụng phương pháp sạ thưa, với 16kg/công. Thu hoạch xong vụ Đông Xuân, tôi bắt đầu làm đất, bỏ ải để xuống giống vụ tiếp theo. Sau hơn 1 tháng gieo sạ, lúa phát triển tốt, nhưng vài cơn mưa đầu mùa xuất hiện ốc bươu vàng cắn phá lúa, nhờ phát hiện và xử lý sớm nên tỷ lệ thiệt hại không đáng kể”.
“Vụ Đông Xuân vừa rồi, lúa đạt năng suất cao, gần 8 tấn/ha. Phấn khởi hơn, lúa được thương lái mua với giá 6.200 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lời khoảng 4 triệu đồng/công. Vụ Hè Thu này, tôi chọn giống lúa OM5451 để canh tác.
Giống lúa này có nhiều ưu điểm như: năng suất cao, phẩm chất gạo đạt tiêu chuẩn, chống chịu khá đối với rầy nâu và đạo ôn, đẻ nhánh mạnh… nên tôi khá yên tâm”- bà Nguyễn Thị Kiều- ngụ cùng địa phương nói.
Để vụ Hè Thu bội thu, nông dân trên địa bàn xã Hoà Thạnh sử dụng các biện pháp “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”… giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận.
Theo nhiều nông dân, vụ Hè Thu thường tất bật, vất vả hơn. Bởi, thu hoạch lúa Đông Xuân xong lại triển khai làm đất để kịp xuống giống vụ mới. Đó là chưa kể mưa, giông dầu mùa diễn ra thất thường; sâu hại, dịch bệnh ... Nếu nông dân không chuẩn bị tốt sẽ ảnh hưởng đến năng suất, thu nhập.
Theo ông Hoàng Phú Hậu- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành, vụ lúa Đông Xuân nông dân được mùa trúng giá, nên vụ Hè Thu năm 2023, bà con nông dân tận dụng cả diện tích ruộng bỏ hoang trước đó để gieo sạ lúa lên đến 200 ha, giống lúa được nông dân chọn để canh tác phần lớn là giống OM5451.
“Vụ lúa Đông Xuân vừa qua, nhờ giá phân bón giảm cộng thêm giá lúa duy trì ổn định ở mức cao, thành viên HTX và nông dân được một vụ trúng mùa, được giá, năng suất bình quân từ 7,6-8 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 30-35 triệu đồng/ha.
Bước vào sản xuất lúa vụ Hè Thu năm 2023, thành viên HTX rất phấn khởi khi giá phân bón có chiều hướng giảm nhiều hơn vụ Đông Xuân, giúp hạ giá thành sản xuất, tiết kiệm chi phí, nâng cao lợi nhuận”- ông Hậu chia sẻ.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vụ Hè Thu năm 2023, toàn tỉnh dự kiến xuống giống khoảng 45.000 ha lúa. Đợt 1 từ ngày 26.4.2023 - 2.5.2023 (ngày 7.3 - 13.3 âm lịch); Đợt 2 từ ngày 11.5.2023 - 17.5.2023 (ngày 22.3 - 28.3 âm lịch).
Các diện tích xuống giống muộn kết thúc trước ngày 15.6.2023 nhằm tránh ảnh hưởng tiến độ xuống giống vụ tiếp theo. Các giống khuyến cáo nông dân sử dụng là OM5451, OM18, OM4900, OM576, Jasmine 85, IR 50404, Đài Thơm 8.
Để sản xuất vụ lúa Hè Thu thắng lợi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành trên địa bàn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời các dịch hại phát sinh trên diện rộng; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất: giống lúa cấp xác nhận trở lên, 1 phải 5 giảm, cơ giới hoá trong sản xuất và thu hoạch.
Đồng thời, khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống tương đối đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng; giảm lượng giống gieo sạ, bón phân cân đối NPK, tránh bón thừa phân đạm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng và tăng lợi nhuận.
Hỗ trợ, kêu gọi hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất của tỉnh với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm nhằm giải quyết tốt cho vấn đề đầu ra; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thực hiện cánh đồng lớn.
Để cây lúa đạt năng suất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo nông dân phòng ngừa các loại sâu bệnh gây hại. Mặc dù rầy nâu gây hại giai đoạn đầu vụ thấp nhưng các địa phương không được chủ quan, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình rầy nâu di trú trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ốc bươu vàng xuất hiện gây hại trong suốt vụ lúa nhất là tại những cánh đồng không thoát nước được; để xử lý ốc bươu vàng, cần thực hiện các biện pháp ngay trước khi gieo sạ như: đánh rãnh quanh ruộng, cắm cọc ven bờ khoảng cách 3-4m nơi có nước chảy và chỗ rãnh sâu để thu bắt ốc, diệt trứng ốc…
Nông dân lưu ý bệnh đạo ôn xuất hiện gây hại vào giai đoạn phát triển xung yếu (đẻ nhánh - đòng - trổ) của cây lúa- nhất là trên những trà lúa sạ dày, bón thừa phân đạm.
Chuột xuất hiện gây hại trên tất cả các giai đoạn sinh trưởng cây lúa, gây thiệt hại nặng trong giai đoạn làm đòng - trổ, do vậy, cần diệt chuột thường xuyên, thực hiện ngay từ đầu vụ bằng nhiều biện pháp mang tính cộng đồng. Ngoài ra, nông dân cần lưu ý sự xuất hiện gây hại của các đối tượng như sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié, các bệnh do vi khuẩn gây ra.
Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo nông dân thực hiện cày ải, phơi đất; vệ sinh đồng ruộng để hạn chế mầm bệnh trong đất; san bằng mặt ruộng để quản lý cỏ dại và hạn chế đọng nước giai đoạn đầu vụ gây chết mầm lúa (nắng nóng).
Nông dân chú ý lựa chọn giống lúa phù hợp, tập trung sản xuất các giống lúa cho chất lượng cao, tạo thuận lợi về đầu ra, tăng cường công tác kết nối, liên kết với doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ ngay từ đầu vụ để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Nhi Trần