BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông dân rầu vì đậu phộng chết

Cập nhật ngày: 08/01/2012 - 03:10

Vụ đông xuân hằng năm là thời vụ thích hợp nhất cho việc trồng đậu phộng. Do vậy, ngay từ đầu vụ, nhiều bà con đã đẩy nhanh tiến độ xuống giống, mong sẽ có một mùa vụ bội thu cả về năng suất lẫn giá cả như vụ lúa vừa rồi. Tuy nhiên, đến nay, nhiều bà con không khỏi lo lắng vì tình trạng đậu phộng bị chết cây hàng loạt, có nơi lên đến 25% diện tích đất được trồng.

Nhìn hơn 1 ha đậu phộng mới trồng gần 20 ngày bị xoắn cây, chậm phát triển, ông Thời, một nông dân ở ấp Ninh Bình, xã Bàu Năng (DMC) buồn rầu nói: Làm nhiều năm rồi đâu có bị hiện tượng này, chắc là do sương muối làm cây “đẻn” lại, không chỉ đậu non mà cả đậu lớn cũng bị như vậy, ảnh hưởng đến năng suất không nhỏ. Chi phí tiền thuốc xịt rất nhiều, mỗi cử xịt mất hết 1 triệu đồng, đến nay đã xịt 3 cử rồi cũng chưa ăn thua gì.

Còn nhiều nơi khác thì không rõ do giống bị thoái hoá, do thời tiết, hay do đất trồng mà đậu phộng bị chết cây trong quá trình sinh trưởng rất nhiều làm ảnh hưởng lớn đến năng suất. Xã Truông Mít (DMC) là một trong những địa phương chuyên canh đậu phộng đã lâu, với nhiều kinh nghiệm, nhưng hiện tượng đậu phộng chết như vụ này thì nông dân vẫn không biết đâu mà lần. Không giấu được nỗi lo lắng, vì hơn 1 ha đậu nhà mình cũng như nhiều nhà khác bị chết non, anh Nguyễn Tấn Vinh ở ấp Thuận Hoà, xã Truông Mít cho biết: cây đậu phộng chết nhiều lắm, chết đa số, cây bị “rùng” đọt, thối cổ rễ, có thể là do sương muối… không chỉ đậu phộng mà đậu xanh cũng bị chết cây.

Ông Ngô Văn Nguyên chỉ cho chúng tôi đám đậu phộng đang chết dần

Theo nhiều nông dân, chi phí đầu tư trồng đậu phộng rất cao, đậu chết người dân hết sức xót ruột. Để cứu chữa cho cây đậu, người dân đã tìm đến nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp mua nhiều loại thuốc phun xịt nhưng chuyện cứu chữa xem chừng vẫn chẳng khả quan gì.

Một số nơi khác người trồng đậu phộng cũng mất ăn mất ngủ vì phải bỏ bạc triệu ra để đầu tư cho vài công đậu mà giờ nó cứ chết dần, ngày nào cũng phun thuốc, mà cũng cứ chết. Ông Ngô Văn Nguyên, ấp Ninh Tân, xã Ninh Sơn (Thị xã), một nông dân có tiếng về nắm vững kỹ thuật trong việc sản xuất của vùng này, cũng vô phương cách cứu chữa. Ông Nguyên bộc bạch: mấy năm nay không có trường hợp như vậy, lúc đầu thấy nó bị đốm lá rồi xoắn đầu, thối rễ. Phun thuốc vẫn không hiệu nghiệm. Nông dân toàn cánh đồng này ai cũng bị, lo lắng lắm, đi tham khảo nhiều nơi cũng thấy xảy ra tình hình như vậy, không hiểu nó bị làm sao (?!). Hiện tại mấy đám đậu của tui đã chết đến 25% rồi. Nếu chết lai rai như thế này chắc phải thu hoạch sớm, nông dân lỗ rất đậm.

Không chỉ cây đậu phộng, một số người trồng hoa màu cũng bị hư do ảnh hưởng của thời tiết. Những ngày qua thời tiết lạnh và nhiều gió gây không ít trở ngại cho người trồng hoa màu. Ông Đoàn Văn Rồi, ấp Bình Linh, xã Chà Là (DMC), chuyên trồng đồ hàng bông, rầu rĩ nói về đám khổ qua, dưa leo của mình mới bắt đầu vào thu hoạch mà bị “vót” đọt, không phát triển được. Bệnh này thì vô phương chữa. Giờ có được bao nhiêu, ăn bấy nhiêu, kiểu này lỗ chắc. Không chỉ có ông Rồi, nhiều người trồng xung quanh ở đây cũng bị tương tự.

Theo tìm hiểu ở một số tài liệu cho thấy: Đậu phộng sau khi mọc thường bị mất nhiều cây con do một số bệnh: cổ rễ bị hư thối và đứt ngang, làm giảm năng suất trầm trọng. Việc phun thuốc ngoài đồng để phòng trị các loại bệnh trên thường ít cho hiệu quả do một phần hạt giống đã bị nhiễm bệnh từ trước, khi phát hiện thì quá trễ, một phần thời tiết, đất đai đầu vụ đông xuân ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại nấm trên tấn công gây hại. Biện pháp tốt nhất để phòng và trị các loại bệnh trên là xử lý hạt giống để bảo vệ cây con trong 15 ngày đầu, vừa đỡ tốn kém vừa cho hiệu quả cao.

Để cho đậu phộng, một trong những loại cây trồng được xem là thế mạnh của Tây Ninh tiếp tục được duy trì và phát triển, mong rằng các ngành chức năng cần sớm hướng dẫn biện pháp giúp người dân hạn chế tình trạng đậu phộng chết cây. Về lâu dài cũng cần quan tâm quy hoạch vùng sản xuất, cải tiến về giống, hướng kỹ thuật canh tác và đầu ra cho loại nông sản này.

HẢI NAM