Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực đóng góp xây dựng quê hương
Thứ tư: 09:39 ngày 31/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo ông Phan Thiện Khâm, nông dân Nguyễn Văn Sáu không những là hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương, mà còn là một công dân gương mẫu của Phước Bình, tích cực đóng góp vật chất và tinh thần cho chính quyền địa phương.

Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh triển khai thực hiện có hiệu quả, qua đó xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Hộ ông Nguyễn Văn Sáu, ấp Bình Hoà, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng là một trong những người luôn đi đầu trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh, tích cực đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Phát triển kinh tế vùng biên

Khu vực giáp biên giới của xã Phước Bình từ xưa đến nay là vùng đất trũng phèn, rất khó canh tác. Trước đây, người dân thường bỏ hoang hoặc trồng cây tràm nước, một số nơi, người dân cố gắng tháo chua, rửa phèn nhưng chỉ canh tác được một vụ lúa, năng suất không cao. Với quyết tâm, ông Nguyễn Văn Sáu đã từng bước phục hoá, để đất phèn sinh sôi quả ngọt.

Chỉ tay về phía ruộng khóm rộng mênh mông trước mặt, ông Sáu cho biết, ngày xưa khu này toàn tràm nước với cây lác, chỉ một vài “lõm” nhỏ trồng lúa, nhiều người có ruộng trồng lúa một vụ/năm năng suất thấp vì đất nhiễm phèn nặng, quanh năm ngập nước nên nhiều người không trụ được, bán rẻ đất để đi nơi khác. Cũng như nhiều nông dân gắn bó với vùng đất trũng phèn khu vực biên giới, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông Sáu đã trải qua không ít khó khăn, vất vả.

Cha mẹ để lại cho ông một ít đất. Sau đó, thấy nhiều người bán đất rẻ, ông bàn với vợ, tích góp tiền mua 10 ha đất canh tác 2 vụ lúa/năm. Tuy nhiên, do đất bị nhiễm phèn, cây lúa phát triển chậm, năng suất thấp, lợi nhuận không nhiều.

Ông Nguyễn Văn Sáu trên cánh đồng trồng Dứa Queen.

Trăn trở tìm hướng sản xuất mới, nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông thị xã Trảng Bàng, năm 2017, ông Sáu mạnh dạn chuyển đổi 10 ha đất trồng lúa sang trồng cây “dứa Queen” kết hợp nuôi cá trong ruộng dứa.

Thời gian đầu, do chưa có đê bao, mùa nước nổi, nước ngập tràn đồng khiến cây dứa chết nhiều, cộng thêm kỹ thuật chăm sóc chưa thành thạo khiến ông gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thấy triển vọng trong hướng phát triển sản xuất của ông, các cấp chính quyền, Hội Nông dân, ngành NN&PTNT tạo điều kiện để ông Sáu đi tham quan các mô hình, học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ ông làm đê bao chống lũ. Nhờ vậy, cây dứa của gia đình ông sinh trưởng tốt, cho trái ngọt. Ngay trong năm đầu, thu nhập từ bán trái dứa trên 100 triệu đồng/ha.

Ông Sáu chia sẻ, ban đầu do ông chưa có kinh nghiệm, khu vực này chưa có hệ thống đê bao, nên khi mưa lớn, hơn 3 ha dứa sắp cho trái bị ngập chết. Lúc đó ông chán nản, định bỏ cuộc nhưng nhờ sự động viên của gia đình, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp tỉnh đã tạo điều kiện để ông đi tham quan các mô hình, học hỏi kinh nghiệm. Ông bắt tay vào làm đê bao chống ngập, mương thoát nước, đường dây điện và lắp đặt hệ thống tưới tự động, làm đường giao thông nội bộ. Sau nhiều lần cải tạo, cùng bao nhiêu mồ hôi công sức, những tuyến đê bao và cây cầu bắc ngang tuyến kênh tiêu Gò Ngải - Bình Phú (do ông tự đầu tư) trở thành đường dẫn vào nội đồng, không chỉ phục vụ riêng cho việc vận chuyển nông sản của gia đình mà còn là tuyến đường giúp nhiều nông dân trên địa bàn đi lại, vận chuyển vật tư nông nghiệp được thuận tiện.

Năm 2019, ông Sáu tiếp tục mua 20 ha đất và thuê thêm 30 ha của các hộ xung quanh để trồng dứa theo mô hình chuyên canh. Ông tận dụng diện tích mặt nước giữa các liếp dứa dẫn dụ cá tự nhiên vào nuôi, tạo thành mô hình nuôi - trồng khép kín để tăng thu nhập. Với hơn 60 ha trồng giống dứa Queen kết hợp nuôi cá, hiện gia đình ông Sáu thu lãi mỗi năm hơn 3,7 tỷ đồng.

Ông Sáu kể, trước kia, khi ông gom tiền mua đất ở khu vực này, ai cũng nói ông liều vì nhiều loại cây trồng ở đây đều thất bại. Nhưng kết quả thực tế cho thấy cây dứa thích nghi tốt trên đất này, cây ít bị sâu bệnh, dễ chăm sóc. Tuy nhiên, muốn trồng dứa đạt hiệu quả, đòi hỏi nông dân phải bỏ ra số vốn tương đối lớn để đầu tư đào mương, lên liếp; cải tạo đồng bộ trên diện tích lớn, nên nhiều người còn e ngại.

Tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương

Ông Nguyễn Văn Sáu cho biết, để cung ứng sản phẩm bảo đảm chất lượng ra thị trường, ông luôn chủ động áp dụng các biện pháp canh tác khoa học, đúng theo hướng dẫn của cán bộ ngành Nông nghiệp, sản xuất dứa theo hướng VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) bảo đảm các yếu tố bảo vệ môi trường, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng.

Không chỉ thành công nhờ mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả, biến vùng đất biên giới trũng, ứ phèn, quanh năm ngập nước của xã Phước Bình trở nên trù phú, thu về bạc tỷ mỗi năm, ông Nguyễn Văn Sáu còn là một công dân gương mẫu với nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Hiện nay, ngoài việc phát triển mô hình trồng dứa kết hợp nuôi cá, ông Nguyễn Văn Sáu còn đầu tư xây dựng nhà nuôi yến, trồng lúa nếp và cây dược liệu. Việc này không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 39 người và nhiều lao động thời vụ ở địa phương với mức thu nhập bình quân trên 6,3 triệu đồng/người/tháng, góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm tại địa phương.

Theo ông Sáu, trước đây, việc sản xuất nông nghiệp của địa phương rất khó khăn do không có đường giao thông, việc vận chuyển vật tư nông nghiệp, nông sản của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, thương lái ép giá, khiến lợi nhuận sản xuất ít hơn. Chính vì vậy, khi được chính quyền địa phương triển khai chủ trương làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng đáp ứng bộ tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, ông hết sức vui mừng và tích cực góp công, góp của để thực hiện.

Ông Phan Thiện Khâm- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Bình cho biết, ông Nguyễn Văn Sáu là nông dân đi đầu trong thực hiện chuyển đổi cây trồng của địa phương. Với mô hình trồng khóm trên đất phèn mang lại hiệu quả kinh tế cao của ông Sáu đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân khu vực biên giới. Ngoài việc chủ động làm đường giao thông, bắc cầu qua kênh tạo thuận tiện cho viêc đi lại, ông Sáu còn kéo điện thắp sáng cả một vùng rộng lớn. Bên cạnh đó, ông Sáu là hội viên nông dân tích cực đóng góp trong các phong trào của Hội, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các hộ nông dân cùng phát triển.

Theo ông Phan Thiện Khâm, nông dân Nguyễn Văn Sáu không những là hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương, mà còn là một công dân gương mẫu của Phước Bình, tích cực đóng góp vật chất và tinh thần cho chính quyền địa phương.

Ông Bùi Văn Riêng- Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Phước Bình cho biết, thực hiện phong trào Toàn dân xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, ông Nguyễn Văn Sáu, ngoài việc đầu tư đường giao thông nội đồng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất của bà con nông dân, hằng năm, ông và gia đình còn ủng hộ trên 150 triệu đồng cùng chính quyền địa phương xây tặng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương và đóng góp các khoản phúc lợi xã hội do địa phương vận động, ủng hộ các loại quỹ: An ninh quốc phòng, Vì người nghèo, Đền ơn đáp nghĩa, Hỗ trợ nông dân….

Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 năm 2021, ngoài việc ủng hộ nông sản cho các khu phong toả, cách ly y tế, ông Sáu còn phối hợp với xã thuê xe chuyên chở đội ngũ tình nguyện viên tham gia chống dịch, góp phần cùng địa phương phòng, chống dịch hiệu quả.

Từ năm 2017-2022, ông Sáu đã ủng hộ trên 1,3 tỷ đồng để xây dựng 2 cổng chào xã nông thôn mới, tu sửa 70 km đường giao thông nông thôn, hạ thế 2 bình biến áp và 6 km đường dây tải điện để 20 hộ dân vùng biên giới có điện thắp sáng và sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời ông hỗ trợ đất và nhà ở cho 11 hộ không có đất sản xuất (42 nhân khẩu), trị giá 505 triệu đồng.

Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Bùi Văn Riêng khẳng định, những việc làm của ông Nguyễn Văn Sáu không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, mà còn góp phần cùng địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới.  Những việc làm đó của ông có sức lan toả để người dân trên địa bàn xã học tập, thi đua phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội xã Phước Bình ngày càng phát triển.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục