Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nông dân sốt ruột chờ nước rút
Thứ hai: 00:03 ngày 12/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng sớm, ông Đỗ Ngọc Vinh, ngụ ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, nhìn mực nước trên đồng rồi thở dài. Năm ngoái, thời điểm này, ruộng lúa của ông đã lên xanh. Năm nay, nước vẫn còn ngập trắng đồng.

Hiện nay, nhiều cánh đồng ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành vẫn còn ngập nước.

Ông Vinh cho biết, bao năm nay, gia đình ông kiếm sống nhờ vào việc trồng lúa trên 7 công đất ruộng. Những năm trước, đầu tháng 11 là nước bắt đầu rút, đến giữa tháng 11 cạn nước, nông dân chỉ cần bừa đất, xuống giống cho vụ lúa mới. Năm nay, đến thời điểm này, nước vẫn còn lênh láng trên đồng. Ruộng của ông cũng như của nhiều người khác trong khu vực này không có đê bao nên không thể bơm nước ra được. Vì vậy, chỉ có thể chờ nước rút tự nhiên, nhưng không biết đến bao giờ. “Nếu một tuần nữa mà nước trên đồng không cạn thì kể như nông dân hoàn toàn trễ mùa vụ và sẽ bị thiệt hại nặng nề trong mùa vụ năm sau”- ông Vinh tâm sự. Theo nông dân này, những ruộng xuống giống trước sẽ thu hoạch sớm, khi đó các loài chim, chuột, sâu rầy sẽ tập trung tấn công những ruộng lúa xuống giống sau và năng suất sẽ bị giảm đáng kể. Trong khi chờ nước rút, ông Vinh mua vài trăm con vịt nuôi để lấy trứng bán kiếm tiền sinh sống qua ngày.

Sốt ruột không thể chờ nước rút được nữa, ông Đặng Văn Dững và một số nông dân khác có ruộng ở ấp Thanh Trung rủ nhau gia cố đê bao và đồng loạt bơm nước ra để xuống giống lúa. Sáng ngày 7.12, chúng tôi đến thăm, thấy trên những đám ruộng này, lúa vừa sạ xong. Trên các khoảnh ruộng, 8 chiếc máy bơm đang chờ chắt nước trên đồng cho thật cạn. Nông dân này chia sẻ: “Năm nay mưa nhiều, kéo dài bất thường, chúng tôi đoán trước tình hình nước sẽ rút chậm nên nửa tháng trước, rủ nhau thuê xe kobe gia cố lại đê bao và đồng loạt bơm nước ra khỏi ruộng để xuống giống. Nếu xuống giống trễ hơn nữa, lúc lúa chuẩn bị trổ bông gặp cao điểm nắng nóng, lúa sẽ không đủ sức ra hạt, dẫn đến năng suất thấp”. Để sạ được lúa, ông Dững phải bơm nước suốt một tuần lễ, tốn 700 ngàn đồng tiền xăng, làm tăng giá thành sản xuất lúa hơn những năm trước.

Không chỉ riêng ở huyện Châu Thành, nhiều cánh đồng khác ở các huyện Bến Cầu, Gò Dầu cũng gặp tình trạng khó khăn tương tự. Những đám ruộng gần kênh, mương có thể dùng máy bơm tháo nước ra sạ lúa thì còn kịp thời vụ. Những nơi khác, chỉ còn biết trông chờ vào nước rút tự nhiên. Ông Nguyễn Tiến Hoá, người dân tại xã Long Chữ, huyện Bến Cầu cho hay: thời điểm này của những năm trước, nhà nông đã xuống giống lúa, trồng mì xong hết. Năm nay nước vẫn còn ngập sâu và chưa biết đến khi nào mới cạn. “Tình hình này kéo dài, nhiều khả năng nông dân sẽ bỏ vụ lúa Đông Xuân sắp tới, chứ biết phải làm sao”- ông Hoá băn khoăn.

Ngoài nỗi lo về nước rút chậm, trễ vụ mùa, ảnh hưởng đến năng suất lúa, hiện nay, nhiều nhà nông còn bất an vì tình hình sâu rầy, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi giá bán lúa thì lên xuống bất thường. Ông Nguyễn Văn Ô- nông dân đang canh tác hơn 2 ha ruộng ở huyện Châu Thành cho biết, vụ mùa năm ngoái ông mua một bao phân bón từ 630 ngàn đồng đến 640 ngàn đồng. Vụ Hè Thu vừa rồi, giá phân bón lên đến 960 ngàn đồng và hiện nay, loại phân bón này đã tăng lên 970 ngàn đồng/bao. Năm ngoái, trung bình mỗi héc-ta lúa, ông bón 10 bao phân. Năm nay, phân bón lên giá như thế, ông dự tính: “Vụ này tôi chỉ bón đợt đầu đủ để nuôi cây lúa. Chờ đến lúc lúa sắp trổ bông, bón phân một lần nữa rồi thôi”.

Nhiều máy bơm hoạt động hết công suất cả tuần lễ mới cạn nước trên ruộng.

Ngoài chuyện phân bón, nhiều nông dân còn đau đầu vì vấn nạn rầy cánh trắng phá hoại mùa màng. Theo ông Đặng Văn Dững, người làm nghề nông hàng chục năm qua, loại rầy cánh trắng này dường như đã kháng được tất cả các loại thuốc nên xịt thuốc nào cũng không diệt được: “Loại rầy này xuất hiện khoảng 3-4 năm nay. Một mét vuông lúa có thể xuất hiện cả ngàn con. Một cây lúa có vài chục con bu vào hút nhựa, khiến cây lúa không trổ bông được nữa. Khi xịt thuốc, chúng bay đi nơi khác, hết thuốc, chúng bay trở lại.

Nhiều kỹ sư, chuyên gia đã nghiên cứu cách xử lý loại rầy này, nhưng đến nay chưa có phương cách nào hiệu quả”. Ông Dững cùng nhiều nông dân khác đành xuống giống cho vụ mới và hồi hộp trông chờ vào sự nghiên cứu thuốc trị rầy cánh trắng từ những nhà chuyên môn.

Nước rút chậm, sâu rầy kháng thuốc, phân bón lên giá là những khó khăn nhà nông đối diện trong mùa vụ hiện nay.

Đại Dương - Quốc Sơn

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục