Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nông dân Tây Ninh mong một năm mới trúng mùa được giá
Thứ sáu: 09:44 ngày 11/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Khép lại năm 2021 với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khi nông sản làm ra bị ách tắc không xuất khẩu được, giá cả sụt giảm. Bước sang năm mới 2022, nông dân Tây Ninh mong một năm sản xuất trúng mùa, được giá trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19.

Gia đình ông An thu hoạch hoa màu.

Với những kỳ vọng về sự ổn định của dịch bệnh và những bước vực dậy mạnh mẽ của nền kinh tế, nên ngay từ những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, người dân đã bắt tay ngay vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Tấn An, ngụ xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu cho biết, để kiểm tra, chăm sóc hoa màu tốt hơn, từ trước tết đến nay ngày nào ông cũng tranh thủ ra thăm ruộng. Với 2 ha hoa màu, ông An chỉ mong bán được giá cao hơn để bù vào chi phí phân bón, thuốc trừ sâu đang tăng giá quá cao.

Nói về việc đẩy mạnh sản xuất của người dân trong những ngày đầu năm mới, ông Huỳnh Văn Pháp- Chủ tịch Hội Nông dân xã Chà Là, Huyện Dương Minh Châu cho biết: Ngay sau khi tình hình dịch Covid-19 đã tạm ổn thì bà con nông dân tăng cường đầu tư sản xuất cho vụ Đông Xuân, hiện nay rau đang sinh trưởng khá tốt, nhiều vườn đã cho thu hoạch với năng suất cao và giá bán ổn định. Bên cạnh đó, Hội Nông dân cũng đã liên hệ Ngân hàng CSXH, để hỗ trợ vốn và các đại lý bán phân bón trả chậm cho người dân tái sản xuất.

Theo Sở NN&PTNT, vụ Đông Xuân 2021-2022 xuống giống được 38.327 ha, đạt 34,5% so kế hoạch và bằng 64,2% % so cùng kỳ, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, giá vật tư nông nghiệp quá cao đã khiến nhiều nông dân lo lắng về chi phí đầu tư cao mà lại không được mùa, không được giá.  

Mô hình trồng bưởi hữu cơ của ông Lộc.

Ðể giải quyết những vấn đề này, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển từ phân bón hóa học sang phân bón hữu cơ, góp phần trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tiến tới xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp.

Ông Trần Văn Lộc (ấp Phước An, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) đã chuyển đổi 10 ha trồng bưởi da xanh theo phương thức truyền thống sang mô hình trồng bưởi da xanh không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc hoá học.

Theo ông Lộc, việc sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây xanh tốt và bền hơn nhiều so với dùng phân hoá học. Để phòng trừ sâu bệnh, ông tự chế thuốc trừ sâu bằng ớt, tỏi, gừng xay ra rồi ngâm với rượu thành một hỗn hợp đặc biệt phun xịt cho cây trồng.

Ông Lộc chia sẻ: "Việc trồng bưởi theo phương pháp hữu cơ giúp cây phát triển tốt, an toàn cho người trồng cũng như người sử dụng. Tôi mong trong năm nay giá bưởi sẽ ổn định để đầu ra nông sản của nông dân được tốt hơn, người trồng có lợi nhuận".

Năm 2021, ngành Nông nghiệp tỉnh gặp nhiều bất lợi, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của nông dân. Do đó, để năm 2022 sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp tập trung triển khai chương trình đột phá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành để từng bước chuyển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, an toàn và có sức cạnh tranh.

Khuyến cáo người dân chuyển đổi tập quán sản xuất hiện nay theo hướng canh tác an toàn, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ và bảo đảm nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục