Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Nông dân Tây Ninh tại ĐH Nông dân tiên tiến toàn quốc
Chủ nhật: 11:10 ngày 08/08/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đại hội đại biểu “Nông dân tiên tiến” toàn quốc lần thứ III năm nay, tỉnh Tây Ninh có 5 nông dân điển hình được Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh cử đi dự. Đó là các nông dân: Võ Thị Ron, Phạm Quyết Tiến, Lê Tiến Nhật, Cao Văn Xay và Võ Văn Minh.

Đại hội đại biểu “Nông dân tiên tiến” toàn quốc lần thứ III năm nay, tỉnh Tây Ninh có 5 nông dân điển hình được Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh cử đi dự. Đó là các nông dân: Võ Thị Ron, Phạm Quyết Tiến, Lê Tiến Nhật, Cao Văn Xay và Võ Văn Minh. Chúng tôi xin giới thiệu vài nét về 5 nhà nông tiêu biểu này.

Những nông dân điển hình được chọn đi dự Đại hội đại biểu “Nông dân tiên tiến” toàn quốc lần thứ III (Từ trái qua: Phạm Quyết Tiến, Cao Văn Xay, Võ Thị Ron, Lê Tiến Nhật và Võ Văn Minh)

Võ ThỊ Ron: Phấn đấu xây dựng cánh đồng 100 triệu đồng/ha

Bà Võ Thị Ron (SN 1963) nông dân ấp Thuận Hoà, xã Truông Mít (Dương Minh Châu) khởi nghiệp từ 5 công ruộng độc canh cây lúa. Ruộng của bà thuộc loại đất xấu, năng suất thấp, nên gia đình bà làm không đủ ăn. Cái nghèo, cái khổ không đánh bại được ý chí quyết tâm vươn lên của gia đình bà. Với sự siêng năng cần mẫn, biết tính toán trong sản xuất cũng như trong chi tiêu, sinh hoạt gia đình bà Ron từng bước vượt qua khó khăn vươn lên khá giả. Hiện nay gia đình bà đã có trong tay 10 ha ruộng. Ruộng của bà sản xuất 3 vụ/năm (gồm một vụ lúa, hai vụ màu) và bà đang thực hiện mô hình cánh đồng có thu nhập 100 triệu đồng/năm. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, nên năng suất cây trồng của gia đình bà Ron luôn đạt cao. Tổng thu nhập của gia đình bà khoảng 700 triệu đồng/năm, sau khi trừ các khoản chi phí. Vươn lên từ khó khăn, gian khổ, nên bà Ron rất hiểu và cảm thông với những gia đình nông dân khó khăn ở địa phương. Từ đó gia đình bà sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ vốn cho nhiều nông dân gặp khó khăn ở địa phương. Nhiều năm qua, vào dịp Tết Nguyên đán gia đình bà tặng quà cho người nghèo ở các nơi, với mức bình quân 40 triệu đồng/năm, cùng với khoản ủng hộ 20 triệu đồng để trao học bổng cho học sinh nghèo. Đồng thời gia đình bà còn hỗ trợ xây tặng 4 căn nhà đại đoàn kết.

Ông PhẠm QuyẾt TiẾn: Vươn lên từ hai bàn tay trắng 

Nông dân Phạm Quyết Tiến (SN 1960, quê tỉnh Nam Định), vào Nam lập nghiệp từ năm 1997. Từ năm 2001 đến nay, gia đình ông định cư tại ấp Giồng Tre, xã Bình Minh (thị xã Tây Ninh). Lúc mới đến ấp Giồng Tre, hầu như gia đình ông hoàn toàn tay trắng. Qua hai năm, gia đình ông cố gắng lao động vừa kiếm sống hằng ngày, vừa “thắt lưng buộc bụng” dành dụm, đến năm 2003, ông mua được 1 ha ruộng lúa loại đất… xấu cho năng suất rất kém. Năm 2004, ông Tiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ruộng lúa sang trồng rau và nuôi cá, nuôi heo, từ đó cuộc sống gia đình ông vươn lên rõ rệt. Hiện nay thu nhập của gia đình ông mỗi năm bình quân khoảng 120 triệu đồng, sau khi trừ hết các chi phí. Cuộc sống gia đình ông Tiến bây giờ rất ổn định. Hai con lớn của ông đã là cán bộ, công chức, đứa con út đang học đại học.

Ông Phạm Quyết Tiến còn được cử làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp, Tổ trưởng tổ dân cư tự quản và ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Hằng năm gia đình ông hỗ trợ vốn, giống không tính lãi cho 10 hộ hội viên nghèo, với mức 3-5 triệu đồng/hộ, để các hộ này có điều kiện vươn lên.

Ông Lê TiẾn NhẬt: Vươn lên từ 6 công ruộng phèn

Ông Lê Tiến Nhật (SN 1966, hiện ngụ tại ấp Voi, xã An Thạnh, Bến Cầu). Lúc mới ra riêng, vợ chồng ông Nhật được cha mẹ chia cho 6 công ruộng (6.000m2) ngập nước, nhiễm phèn, mỗi năm chỉ sản xuất được có một vụ lúa, năng suất rất kém. Ông Nhật ra sức đắp bờ bao, cải tạo đất, tiến hành thâm canh, tăng vụ, từ ruộng một vụ, nâng lên được 3 vụ/năm, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình ngày càng ổn định và có tích luỹ. Ông Nhật đã mua thêm được 3 ha ruộng. Sau đó ông lập trang trại theo mô hình RAC (ruộng, ao, chuồng), nuôi 100 heo nái, 600 heo thịt và 3 ao nuôi cá. Thu nhập từ ruộng lúa, đàn heo và ao cá của gia đình ông Nhật khoảng 200 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí.

Cuộc sống ổn định, mỗi năm gia đình nông dân Lê Tiến Nhật hỗ trợ cho 10 nông nghèo ở địa phương 50 triệu đồng không tính lãi. Trang trại của ông đã góp phần giải quyết được 15 lao động thường xuyên, với mức lương 2 triệu đồng/người/tháng.

Ông Cao Văn Xay: Vận động bà con dân tộc Khmer xây dựng đời sống văn hoá

Ông Cao Văn Xay, SN 1973 (dân tộc Khmer) là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Kà Ốt, xã Tân Đông (Tân Châu). Ấp Kà Ốt có 142 hộ bà con người dân tộc Khmer, với 716 nhân khẩu. Hơn 90% hộ dân ở đây sống bằng nghề độc canh cây lúa, cuộc sống còn rất khó khăn. Trước đây do trình độ dân trí còn thấp, nên việc sinh hoạt, ăn ở của bà con còn đơn giản, chưa quan tâm đến vệ sinh môi trường, chăn nuôi gia súc chung trong nhà. Từ năm 2005 đến nay, được sự đặc biệt quan tâm của các cấp lãnh đạo, về đầu tư cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số ở đây vươn lên rõ rệt. Với vai trò là Chi hội trưởng, ông Xay luôn tích cực vận động, tập hợp nhân dân tham gia vào tổ chức Hội và tham gia sinh hoạt Hội. Ông luôn gần gũi với nông dân để trao đổi, góp ý làm cho nhiều bà con nông dân thay đổi nếp nghĩ, nếp sinh hoạt lạc hậu, và đã có 98% hộ dân trong ấp đăng ký xây dựng gia đình văn hoá. Hiện nay đời sống người dân ấp Kà-Ốt đã khác xưa, bà con đã biết sống hợp vệ sinh, đưa chuồng trâu ra xa nơi sinh hoạt ăn ở, thường xuyên làm công tác vệ sinh chuồng trại, không gây ô nhiễm môi trường. Sự thay đổi ấy giúp cho ấp Kà Ốt đã giữ vững danh hiệu ấp văn hoá nhiều năm liền.

Ông Võ Văn  Minh: Cán bộ Hội Nông dân xuất sắc

Ông Võ Văn Minh (SN 1971) là Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thuận (Trảng Bàng). Nhiều năm qua ông Minh luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và góp phần đưa phong trào, hoạt động của Hội ngày càng phát triển. Hội Nông dân xã Hưng Thuận được Hội cấp trên công nhận 5 năm liền đạt trong sạch vững mạnh, là lá cờ đầu trong công tác Hội và phong trào nông dân của toàn Huyện hội Trảng Bàng và được UBND huyện, Hội Nông dân huyện, UBND xã tặng nhiều giấy khen.

Những nông dân điển hình nêu trên đã được chọn báo cáo tham luận tại Hội nghị “Nông dân điển hình tiên tiến” tỉnh Tây Ninh lần thứ III, giai đoạn 2005-2009 và được UBND tỉnh Tây Ninh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước do Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh tổ chức phát động.

D.H

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục