Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nông dân thua thiệt vì thiếu thông tin
Thứ hai: 15:29 ngày 27/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện nay ở Tây Ninh, do không nắm bắt được thông tin liên quan đến thị trường tiêu thụ, nên người nông dân ồ ạt phát triển diện tích trồng mì không theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng tiêu thụ gặp khó khăn, cộng thêm giá mì liên tục giảm, nhiều nông dân trồng mì bị thiệt hại nặng.

Thu hoạch nhãn.

Trong sản xuất nông nghiệp, một trong những nguyên nhân khiến giá cả bấp bênh chính là việc sản xuất ồ ạt mà không cập nhật, dự đoán được nhu cầu thị trường, từ đó dẫn đến cung vượt cầu, sản phẩm bế tắc đầu ra.

Hiện nay ở Tây Ninh, do không nắm bắt được thông tin liên quan đến thị trường tiêu thụ, nên người nông dân ồ ạt phát triển diện tích trồng mì không theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng tiêu thụ gặp khó khăn, cộng thêm giá mì liên tục giảm, nhiều nông dân trồng mì bị thiệt hại nặng. Trong những ngày qua, Công ty khoai mì Thái Lan trên địa bàn tỉnh thông báo mua mì chữ bột 30% với giá 1.600 đồng/kg, còn tại ruộng thương lái chỉ mua 1.400 đồng/kg, nếu không đủ chữ bột thì giá còn thấp hơn.

Ông Huỳnh Văn Quá, ngụ ấp Ninh An, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu trồng 3 ha mì, bức xúc nói: “Trước đây mì trồng khoảng 3 tháng là tôi đã bán mão cho thương lái, trừ hết chi phí còn lãi gần 25 triệu đồng/ha, tương đương 2.200 đồng/kg. Còn với giá mì như hiện nay, xem như nông dân trồng mì chẳng có lãi”.

Với giá mì hiện tại, hộ nông dân nào có đất và nhân công còn đỡ, chứ đất đi thuê càng khốn đốn hơn. Như anh Ngô Văn Hoàng ở xã Bàu Năng phải thuê 4 ha đất gò với giá 20 triệu đồng/ha để đầu tư trồng mì. Với giá này, sau khi trừ tiền thuê đất, chi phí giống, phân, công... gia đình anh phải vướng nợ.

Ông Trần Văn Trọng- một thương lái mua mì ở xã Trường Đông, huyện Hoà Thành cho hay: “Giá mì xuống thấp là do thị trường xuất khẩu tinh bột đang gặp khó khăn. Sức tiêu thụ chậm dẫn đến mì bị rớt giá. Giá liên tục xuống thấp khiến những người mua bán như chúng tôi cũng phải thận trọng”.

Người trồng nhãn cũng đang lao đao vì giá đang giảm mạnh. Hiện nay, huyện Hoà Thành đang vào mùa thu hoạch nhãn. Cách đây 2 tuần, giá còn ở mức 20.000 đồng/kg nhưng rất ít người có nhãn để bán, nay giá tuột xuống chỉ còn 8.000 đồng/kg.

Ông Thanh ở xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành trồng 2 ha nhãn tiêu da bò đang vào mùa thu hoạch, cho biết, vài năm trước, vào thời điểm này giá nhãn luôn ở mức 18.000 đồng- 20.000 đồng/kg, nhiều người trồng nhãn thu lợi nhuận cao. Do thấy trồng nhãn có hiệu quả, người dân đổ xô cùng trồng, rồi canh làm trái cùng thời điểm này để bán được giá, từ đó cung vượt cầu, đầu ra khó khăn, giá tất yếu sẽ giảm.

Đây là điệp khúc “quen thuộc” nhưng người nông dân vẫn thường xuyên gặp phải. “Nông dân tụi tui đâu phải ai cũng có đủ khả năng tìm hiểu và nhận biết trước thị trường sẽ cần loại sản phẩm nào và loại nào sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường. Giá mà các ngành chức năng thường xuyên có những dự báo, nhận xét về thị trường, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng để nông dân biết, sản xuất cho phù hợp thì sẽ tránh được nhiều rủi ro”- ông Thanh nói.

Đậu phộng cũng vậy, năm trước có nhiều người trên địa bàn huyện Dương Minh Châu trúng mùa, trúng giá, năm nay phấn khởi cùng nhau trồng, nhưng giá lại không “trúng” nữa. Cách đây 1 tuần, nhiều hộ dân xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu thu hoạch đậu phộng, nhưng chỉ bán được khoảng 18.000 đồng/kg- giảm hơn 4.000 đồng/kg so với thời điểm này năm trước. Với giá này, người trồng đậu phải chịu lỗ tiền công.

Một số nông dân chia sẻ, cũng do thiếu thông tin về thị trường, người trồng đậu trong nhiều năm đã phải phó mặc cho thương lái định giá thu mua sau mỗi vụ trồng. Thực tiễn trên đã làm cho người nông dân bị thiệt thòi hơn so với thành quả lao động mà họ bỏ ra. Đừng để mặc cho nông dân tự phát chạy theo lợi nhuận trước mắt, tập trung trồng một loại cây trồng nào đó không theo quy hoạch, để rồi luôn nhận lấy sự thua thiệt.

THANH NHI

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục