BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông dân Trảng Bàng: Trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn Vietgap

Cập nhật ngày: 15/11/2012 - 06:01

(BTNO)- Trước những thông tin rau cải, trái cây bị tẩm quá nhiều hoá chất trước khi đưa đến tay người tiêu dùng đã làm người dân hoang mang, từ đó việc lựa chọn thực phẩm an toàn được các gia đình ưu tiên hàng đầu nên vấn đề sản xuất rau an toàn, xây dựng vườn cây ăn trái đạt tiêu chuẩn là hướng sản xuất bền vững được các nhà vườn lựa chọn, đầu tư. Mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất dưa lưới chất lượng cao, sạch bệnh và an toàn thực phẩm, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap của chị Văn Thị Cẩm Lệ (ấp Suối Sâu, xã An Tịnh, Trảng Bàng) là ví dụ điển hình.

Chị Lệ trong vườn dưa lưới trồng theo tiêu chuẩn Vietgap

Theo lời chị Lệ, khi áp dụng phương pháp này, dưa được trồng trong nhà màng, có lưới ngăn côn trùng, có mái bằng vải nhựa che mưa gió. Mỗi cây trồng trong một bầu giá thể tơi xốp, nhiều dinh dưỡng và được lót bạt cao su cách ly với nền đất. Việc bón phân kết hợp với tưới nước được dẫn đến tận gốc theo đúng mức độ yêu cầu, tạo điều kiện tốt nhất cho cây phát triển và hoàn toàn tự động. Ngoài tác dụng cung cấp nước sạch cho cây, tưới nước theo phương pháp này sẽ giúp chủ động phân phối đều dinh dưỡng được hòa tan cùng nước tưới, đồng thời có thể tiết kiệm một lượng nước, phân bón khá lớn.

Chị Lệ cho biết, hiện mô hình dưa của chị được bao tiêu sản phẩm cung cấp cho hệ thống các siêu thị tại Tp.HCM. Mỗi năm chị thu hoạch ít nhất 4 đợt, năng suất bình quân khoảng 3 tấn/1.000m2, Với giá bán từ 28.000 – 32.000 đ/kg như hiện nay, trừ chi phí đầu tư, nếu làm khéo thì khoảng 1,5 - 2 năm là có thể hoàn vốn.

Tuy nhiên, theo chị Lệ, mô hình khó áp dụng rộng rãi vì để có sản phẩm đạt yêu cầu phải tốn rất nhiều công chăm sóc và vốn đầu tư cao, đòi hỏi người sản xuất phải nắm bắt kỹ thuật, ý thức tự giác áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm nghiêm ngặt.

Thực tế, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap chỉ có thể thành công khi tay nghề của nông dân được nâng cao, cùng với sự đồng bộ của các mục đầu tư về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thương mại. Do đó Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hợp lý, tạo môi trường thuận lợi cho ngành sản xuất thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ cao phát triển ổn định và bền vững.

Hiểu Sinh


 
Liên kết hữu ích