Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Nông dân Trảng Bàng với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi
Thứ hai: 07:46 ngày 05/07/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong 5 năm 2005-2009, toàn huyện Trảng Bàng đã có 40.429 lượt hộ nông dân được công nhận hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó cấp tỉnh có 1.696 lượt hộ, cấp toàn quốc có 354 lượt hộ.

Trong 5 năm 2005-2009, toàn huyện Trảng Bàng đã có 40.429 lượt hộ nông dân được công nhận hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó cấp tỉnh có 1.696 lượt hộ, cấp toàn quốc có 354 lượt hộ. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, nhiều tấm gương nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi.

Mô hình trồng lan cắt cành của ông Nguyễn Văn Trở ở xã Gia Lộc

Có thể kể ra một số mô hình đã khẳng định và phát huy tác dụng, hiệu quả như: Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Trần Nhựt Phong, ở ấp Gia Huỳnh, xã Gia Lộc đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình trồng cây ăn quả mới ít có nông dân nào ở Tây Ninh thực hiện. Giá bán trái thanh long ruột đỏ cao hơn trái thanh long thường rất nhiều. Nhiều năm qua, nhiều hộ nông dân ở Trảng Bàng giữ  vững mô hình chăn nuôi bò sữa và phát triển theo hướng quy mô trang trại. Điển hình có các hộ ông Phạm Văn Của ở thị trấn Trảng Bàng, ông Nguyễn Văn Phước ở xã An Tịnh, hộ bà Nguyễn Thị Ngọc Thu ở xã An Hoà… mỗi hộ nuôi vài chục con bò sữa. Từ đó mang lại nguồn thu nhập rất ổn định cho gia đình.

Ở Trảng Bàng còn có nhiều hộ đầu tư trồng hoa lan cắt cành cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như vườn hoa lan của ông Nguyễn Văn Trở ở ấp Lộc Khê, xã Gia Lộc, với quy mô khoảng 1 ha thu hút nhiều người đến tham quan học tập và mua hoa. Ở thị trấn Trảng Bàng có các hộ ông Lê Công Lý, chị Nguyễn Thị Hải, ông Bùi Tấn Hùng… đều có thu nhập khá từ nghề trồng hoa lan cắt cành. Mô hình trồng cây sầu riêng hạt lép cơm vàng của gia đình ông Phan Hùng Vương ở ấp Lộc Hoà, xã Lộc Hưng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mô hình nuôi cá bè của ông Nguyễn Văn Tuấn ở ấp Phước Lập, xã Phước Chỉ. Trước đây cuộc sống gia đình ông Tuấn gặp không ít khó khăn. Nhờ chịu khó học hỏi, ra sức thi đua sản xuất, ông Tuấn học tập kinh nghiệm các nơi về đầu tư làm lồng bè nhỏ thả xuống sông Vàm Cỏ Đông để nuôi cá lóc. Nuôi cá có hiệu quả, cuộc sống gia đình ông ổn định. Không chỉ nuôi cá lóc một mình, ông Tuấn còn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ nhiều nông dân ở khu vực cùng nuôi cá lóc trong lồng bè.

Mô hình nuôi cá lóc trong lồng bè của ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Phước Chỉ

Đặc biệt nông dân Trảng Bàng không chỉ sản xuất giỏi, mà còn chịu khó đầu tư suy nghĩ đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nông dân Nguyễn Thành Tâm ở ấp Lộc Tân, xã Lộc Hưng nghiên cứu thiết kế máy vun phân bắp sử dụng động cơ xe honda. Chiếc máy vun phân bắp của ông Tâm góp phần giảm được 50% chi phí lao động, đảm bảo được thời vụ, nên được nhiều nông dân trồng bắp ưa chuộng, vì làm nhanh mà chi phí thấp. Mô hình câu lạc bộ nhân lúa giống ở xã Gia Bình đã sản xuất được nhiều loại giống đảm bảo chất lượng. Các hộ Võ Tấn Đạt, Đinh Văn Pha, xã Gia Bình phát triển từ mô hình VAC (vườn ao chuồng)…

Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là lực lượng tiêu biểu trong nông thôn hiện nay. Hoạt động của họ đã góp phần đáng kể vào sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; cơ cấu mùa vụ, sản xuất nhiều giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu, giải quyết được việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người nông dân. Qua các phong trào thi đua, chất lượng hoạt động của tổ chức Hội và hội viên nông dân ở Trảng Bàng không ngừng được củng cố nâng cao, từ đó uy tín của Hội Nông dân càng được nâng lên.

D.H

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục