Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Nông dân trồng hàng bông-từ thua tới thiệt...
Thứ ba: 11:49 ngày 10/06/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTN) - Đã rất nhiều năm qua, những người trồng hàng bông trong tỉnh Tây Ninh thường phải chịu “lép vế” khi bán nông sản do mình làm ra mà không thể biết được giá cả! Tất cả các mặt hàng nông sản rau, củ, quả như ớt, bầu, bí… (gọi chung là đồ hàng bông) sau khi thương lái thu mua, bà con nông dân phải chờ đến mấy ngày sau, khi lái đến trả tiền thì mới biết được giá cả ra sao. Tất nhiên, trong những trường hợp như vậy, sự thiệt thòi luôn nghiêng về phía người sản xuất. Thế mà điều bất hợp lý này nông dân vẫn phải chịu đựng không biết đến bao giờ...

Thời gian qua, bà con nông dân cũng như Hội Nông dân các địa phương đã từng lên tiếng về sự bất hợp lý trên, đề nghị các ngành chức năng ra tay giúp đỡ để ổn định giá cả đầu ra cho nông sản phẩm. Thế nhưng cho đến nay, mọi chuyện vẫn chưa thấy tiến triển theo hướng tích cực.

Giá bán ra- phải sao chịu vậy !

Lão nông Võ Văn Tám, ở ấp Phước Tân 2, xã Phan, huyện Dương Minh Châu (một trong những địa phương có nhiều người trồng hàng bông với gần 70 ha) cho biết: gia đình ông chuyên canh trồng hàng bông hơn 20 năm qua. Khoảng 10 năm về trước, thương lái khi đến thu mua đồ hàng bông thường đến tại ruộng nói giá trước, sau khi thoả thuận, họ thanh toán tiền cho nông dân ngay tại ruộng dựa trên cơ sở thuận mua vừa bán. Thậm chí có lúc thương lái còn đặt cọc trước khi bà con nông dân thu hoạch. Thế nhưng hơn 10 năm trở lại đây, bà con trồng hàng bông hầu như bị rơi vào thế bị động, phải phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái. Gia đình ông Tám có 5 công khổ qua hiện đang cho thu hoạch. Vừa rồi ông mới thu hoạch trái bán cho thương lái được 5 đợt. Đợt đầu sau khi mua xong, khoảng 3 ngày sau thương lái vào trả tiền mới nói giá 12.000 đồng/kg. Đợt thứ 2, cũng khoảng 3 ngày sau, thương lái mới vào trả tiền, giá thu mua lúc này chỉ còn 9.000 đồng/kg. 3 đợt bán gần đây, dù thương lái đã mua và chở đi thành phố Hồ Chí Minh nhưng ông Tám còn đang băn khoăn chưa biết họ sẽ trả cho mình với giá nào!

Anh Nguyễn Thanh Linh- cũng là người trồng hàng bông tại xã Phan than thở: nông dân đã cực khổ suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để chăm sóc cây trồng, nhưng lại không phải là người quyết định giá cả nông sản của mình làm ra và luôn phải là người gánh chịu thiệt thòi. Ngoài việc phải phụ thuộc vào ông trời- đặc biệt là khi thời tiết đỏng đảnh, phụ thuộc vào năng suất cây trồng trong quá trình sản xuất thì bà con lại còn phải phụ thuộc vào thương lái. Dù cây trồng có đạt năng suất cao nhưng nếu giá bán thấp thì người nông dân cũng chỉ từ lỗ tới lỗ. Vì ở trong tình thế phụ thuộc hoàn toàn nên bà con nông dân không làm sao biết được “chuyện gì sẽ xảy ra” sau khi đã giao bán nông sản phẩm. Anh Linh cho biết thêm, bản thân anh từng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười, đó là lần trồng dưa leo vào dịp cận tết. Đến khi thu hoạch, thương lái vào mua được mấy đợt trái với giá 5.000 đồng/kg. Thế nhưng sau đó, sau khi thu mua dưa leo xong thương lái quay lại trả tiền cho anh chỉ với giá… 500 đồng/kg. Thế là anh đành bỏ, không thu hoạch nữa, xem như cả gia đình khỏi ăn tết.

Không chỉ có đồ hàng bông, mặt hàng mãng cầu cũng rơi vào tình trạng tương tự. Anh Linh cũng có vài công đất trồng mãng cầu. Theo lời anh, thường mãng cầu thu hoạch xong có hai cách để bán. Một là bán mão nguyên vườn cho thương lái hoặc là chủ vườn tự hái trái chở ra vựa để bán. Tuy nhiên các chủ vựa mãng cầu cũng có chung cách làm như các thương lái đồ hàng bông- không cho biết trước giá cả thu mua là bao nhiêu và điều này chỉ được báo vào ngày hôm sau, đặt nông dân vào thế “phải sao chịu vậy”!

Ông Nguyễn Văn Thành- một nông dân trồng ớt tại xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành chua chát nói: “Gia đình tôi chỉ sống nhờ vào 4 công ớt, lời thì có tiền trang trải cuộc sống, lỗ thì đổ nợ. Làm ăn theo kiểu hên xui thế này không biết đến bao giờ nông dân như chúng tôi mới thoát khổ được”. Cũng theo lời ông Thành, nếu thương lái thu mua hàng nông sản của nông dân đúng với giá thị trường thì nông dân không phải chịu nhiều thiệt thòi như vậy. Với 4 công ớt đầu vụ (thu hoạch đợt 1) được thương lái trả với giá 16.000 - 18.000 đồng/kg gia đình ông thu lời được 20 triệu đồng. Thế nhưng đến thời điểm thu hoạch đợt 2 như hiện nay giá chỉ còn 8.000 đồng/kg. Ông Thành nói, với tình hình hiện tại, thương lái mới là người có quyền trong việc định giá nông sản của nông dân. Họ mua cao hay thấp, nông dân đều không có quyền phản ứng, bằng không thì chỉ có nước tự mang đi bán, nhưng biết bán cho ai với số lượng nhiều như thế!

Chỉ có nông dân thiệt

Trái ngược với những người lao động khác, ngày tết, ngày lễ với nông dân trồng hàng bông gần như một nỗi ám ảnh về việc nông sản phẩm làm ra bị rớt giá liên tục. Anh Linh nêu ví dụ, trước dịp lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, giá khổ qua trái mà thương lái mua của anh dao động từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg, nhưng đúng vào dịp lễ thì giá chỉ còn 3.000 đồng/kg. Theo lý giải của các thương lái là do ngày lễ công nhân nghỉ làm nên đồ hàng bông cũng bị ế! Riêng ông Tám, khi thấy mọi người bàn tán việc nghỉ lễ, nghỉ tết là ông lại “rầu thúi ruột” bởi việc trồng hàng bông đòi hỏi phải đầu tư nặng về phân bón, thuốc trừ sâu và công chăm sóc mới đạt năng suất, vậy mà giá cả thì…

Ông Thành nhận định: vào những dịp lễ, tết khi nông sản xuống giá thì thương lái cũng chẳng mặn mòi đến việc mua nông sản. Vì thế có khi bà con nông dân phải… năn nỉ họ mua giùm, bởi nếu không bán được thì biết làm gì với mớ nông sản thu hoạch. Chẳng thà bán rẻ còn mong vớt vát được phần nào vốn liếng đã bỏ ra. Trường hợp của ông, sau ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch vừa qua, 4 công ớt hoả tiễn chỉ được thương lái mua với giá 8.000 đồng/kg, trong khi ông phải mướn nhân công hái trái với giá 6.000 đồng/kg, coi như chỉ còn kiếm được 2.000 đồng/kg thu không đủ vốn nói chi có lời! Biết vậy, nhưng vẫn phải chấp nhận vì bán được còn hơn không!

Ngoài nghịch lý bán hàng mà không biết trước giá cả thế nào, bà con nông dân còn phải chịu đựng những thiệt thòi từ việc mua phân bón. Do thiếu vốn nên bà con phải chấp nhận mua thiếu từ các đại lý phân bón. Ngoài việc bán với giá cao, các đại lý còn tính tiền lãi trên số tiền mua phân bón với mức lãi 30.000 đồng/1 triệu đồng/tháng. Với mức lãi suất như vậy bà con nông dân trồng hàng bông đã bị lỗ vì giá cả thu mua nông sản bất hợp lý lại còn phải gánh thêm gánh nặng nợ nần- nhiều người khó mà trụ vững, như lời ông Thành đã nói một cách chua chát là “chỉ có nước bán ruộng”!

Trở lại với câu chuyện người nông dân phải chấp nhận bán nông sản cho thương lái theo kiểu “giao hàng trước, biết giá sau”, qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy có nhiều điều mập mờ khó hiểu, khó chấp nhận. Chẳng hạn việc thương lái mua xong, đem đi thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ rồi mới báo giá mua và thanh toán tiền cho nông dân. Tình huống này chỉ có nông dân thiệt đơn thiệt kép, còn thương lái không bao giờ lỗ. Thế nhưng nếu bà con nông dân không chịu bán cho thương lái theo phương thức đó thì cũng chẳng còn biết làm cách nào để tiêu thụ nông sản phẩm của mình. Có người chịu khó chở nông sản ra chợ đầu mối ở cầu K13 (xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) để bán nhưng không thương lái nào dám mua (do những quy định bất thành văn trong giới thương lái) hoặc có mua thì cũng chỉ mua bằng giá mà thương lái trước đã mua. Nhiều người trồng hàng bông nhận định rằng đó là do các thương lái đã “đạp chân” nhau, móc nối với nhau để ép nông dân, không cho họ cái quyền lựa chọn mối tiêu thụ. Hiện nay có một “quy luật ngầm” giữa các thương lái thu mua nông sản, nếu nông dân nào khi vào đầu vụ đã bán nông sản cho thương lái nào thì phải bán cho thương lái đó đến cuối vụ, chứ không được bán cho người khác, và cũng chẳng có thương lái nào muốn nhảy vào “giành mối” của thương lái khác.

Tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi, một thương lái tại chợ đầu mối nông sản cầu K13 chuyên thu mua đồ hàng bông của người dân ở xã Phan cho biết, bản thân anh cũng không thể biết trước được giá cả đồ hàng bông hằng ngày! Anh trực tiếp đi mua nông sản của người dân đem về chợ đầu mối, bán lại cho các tiểu thương ở các chợ trong tỉnh; phần còn lại anh bán cho một thương lái khác chở đi thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Cũng giống như khi anh đi mua nông sản của bà con nông dân, thương lái khi mua lại hàng của anh cũng không cho biết giá mua, phải 2 - 3 ngày sau khi được thanh toán tiền anh mới biết giá. Và khi đó anh mới tính toán, trả tiền cho nông dân đã bán nông sản cho mình.

Cũng theo anh thương lái trên, nông sản được thu gom tại chợ đầu mối nông sản cầu K13 được chở xuống chợ Bùi Môn, quận 12 và chợ nông sản Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh). Đó là hai nơi tiêu thụ chính. Giá cả mặt hàng đồ hàng bông khi đến thành phố Hồ Chí Minh cũng lên xuống bất thường, mà nguyên nhân chính là “dội chợ” do đụng đầu với các mặt hàng nông sản hàng bông từ Đà Lạt xuống và từ miền Tây lên. Do đó, bản thân những thương lái đi mua hàng bông như anh cũng phải phụ thuộc vào các thương lái chính tại thành phố Hồ Chí Minh nên không thể báo giá cho nông dân khi thu mua được.

Chưa thấy lối ra

Nói gì đi nữa thì cũng chắc chắn một điều: các thương lái thu mua hàng nông sản bao giờ cũng có lãi, chẳng bao giờ bị thiệt như nông dân. Khi giá cả đi xuống, họ nhanh chóng mua của nông dân với giá rẻ, còn khi giá lên cao thì họ chẳng vội gì báo cho nông dân biết. Trao đổi với chúng tôi, anh Linh bày tỏ mong mỏi các ngành chức năng cần vào cuộc, tìm hướng ra thị trường bền vững và giá cả ổn định cho mặt hàng nông sản hàng bông để nông dân không còn phải phụ thuộc vào thương lái như hiện nay. Cũng cần có định hướng quy hoạch vùng sản xuất nông sản, không nên để tình trạng như hiện nay- cứ thấy loại nào có giá là người người tập trung trồng, dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu”, dễ bị thương lái bắt chẹt.

Ông Chủ tịch Hội Nông dân xã Phan cho biết, trước tình trạng nông dân trồng hàng bông phải “bán trước, biết giá sau” diễn ra trong thời gian dài, Hội Nông dân xã cũng đã nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng vào cuộc tìm giải pháp giúp đỡ, thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy ngành nào đưa ra được giải pháp gì để giúp nông dân tháo gỡ khó khăn. Vì thế, số đông bà con nông dân làm nghề trồng hàng bông vẫn phải hồi hộp lo lắng chuyện giá cả hên xui trong mỗi mùa thu hoạch.

THẾ NHÂN - MỸ KHANH

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh