BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông dân trồng lúa ở Bến Cầu:
Trúng mùa, lại… khổ vì lục bình

Cập nhật ngày: 15/05/2009 - 12:11

Vụ lúa đông xuân năm nay hầu hết bà con nông dân ở Bến Cầu đều trúng mùa. Tuy có bị thiệt hại do những cơn mưa trái mùa nhưng nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp, nhờ vậy mà bà con đã nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, gieo sạ lại kkhông trễ thời vụ nên diện tích trồng lúa trên địa bàn huyện Bến Cầu không giảm nhiều. Bên cạnh đó nhờ thời tiết thuận lợi, cây lúa phát triển nhanh, ít bị sâu rầy phá hoại, do vậy giảm được chi phí phân bón, thuốc trừ sâu và công chăm sóc. Được mùa bà con nông dân hết sức phấn khởi.

Lúa của bà con nông dân và thương lái chất đầy bến mà không tiêu thụ được phải chịu dầm mưa dãi nắng chờ đợi. (Ảnh chụp ngày 3.5.2009 tại bến tàu xã Long Khánh)

Thế nhưng! Khổ nỗi sau khi thu hoạch rồi lại bán lúa không được. Nguyên nhân là do giá cả không ổn định. Hiện nay trên bến tàu Long Khánh, lúa của bà con nông dân và thương lái ở địa phương chất đầy bến gần nửa tháng qua với số lượng lên đến hàng trăm tấn chưa tiêu thụ được, và cũng chẳng thấy bóng dáng thương lái nào đến mua. Một nông dân ở xã Long khánh rầu rĩ nói: “giá lúa đầu vụ là 5.200đ/kg (tức 114.400đ/ giạ) nhưng khi thu hoạch xong đến giờ chỉ còn 4.000đ/kg (tức 88.000đ/ giạ) mà cũng chẳng thấy thương lái nào hỏi tới đành phải để lúa nằm bãi, trùm bạt chờ thời chớ biết tính sao”. Chính vì lúa không tiêu thụ được nên một số bà con gặp rất nhiều khó khăn, không có vốn đầu tư tái sản xuất vụ hè thu.

Vì sao sức mua bị giảm khiến cho hàng nông sản bị ứ đọng? Anh Huỳnh Tấn Hải- một thương lái ở tỉnh Tiền Giang nhận xét: “Lúa tuy có rớt giá nhưng chúng tôi cũng có thể kiếm lời được chút đỉnh, bình quân mỗi giạ lúa chúng tôi lời khoản 1.500đ-2.000đ, trừ đi chi phí cũng còn kiếm ăn được. Có điều với mức giá hiện nay chúng tôi lại… cầm chắc lỗ nặng, vì chi phí vận chuyển tăng cao, nguyên nhân là do lục bình dày đặc trên sông Vàm Cỏ Đông kể cả trong rạch Vàm Bảo, ghe lớn 50-60 tấn ra vào rất khó khăn. Thường thì mỗi chuyến đi từ xã Long Khánh về đến Tiền Giang chỉ mất 16 giờ đồng hồ, nhưng hiện nay thì từ 20-22 giờ mới về đến nơi vì vướng lục bình chúng tôi phải cho máy chạy hết công suất mới đẩy được lục bình mà đi. Vì thế rất tốn kém nhiên liệu, nên không có lời”. Anh Hải còn cho biết thêm, hiện nay một số thương lái khác vì ngán ngại lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông nên chuyển hướng thu mua sang tỉnh Đồng Tháp. Giá lúa ở đó tuy có cao hơn ở Tây Ninh nhưng bù lại giảm chi phí vận chuyển vì né được lục bình.

Thực trạng lục bình sinh sôi nảy nở dày đặc trên sông là một vấn nạn mà các ngành, các cấp đã mất nhiều công sức tìm hướng xử lý. Thế nhưng mãi cho đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp khả thi cho vấn đề này. Vì thế đã ảnh hưởng đến sinh hoạt giao thương mua bán của bà con nông dân với thương lái. Thật oái oăm, thiên tai mưa lũ, dịch hại, sâu rầy không thắng được nông dân. Vậy mà chỉ cái giống lục bình trôi sông lại làm khổ cả tỉnh! Bao giờ cho hết lục bình? Bà con cứ mãi than vãn…

MINH TIÊN


 
Liên kết hữu ích