BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông dân tự nguyện đóng góp làm kênh thoát nước: Việc làm nhỏ, hiệu quả lớn

Cập nhật ngày: 10/06/2013 - 10:59
HTML clipboard

Nông dân ấp Phước Hoà, xã Phước Thạnh tự nguyện đóng góp tiền và đất làm kênh tiêu

(BTN) - Ở ấp Phước Hoà, xã Phước Thạnh (Gò Dầu) có một cánh đồng rộng khoảng 45 ha của hơn 30 hộ dân trong và ngoài ấp. Cánh đồng nhỏ như vậy mà trước đây mỗi khi có mưa to là nội bộ nông dân ở đây lại xào xáo, cự cãi nhau làm ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm. Có một lão nông ngoài 70 tuổi, có hơn 60 cao ruộng ở cánh đồng này, đã bảy năm nay ông không thèm ra ruộng nữa, vì ông buồn những người làm ruộng kế bên. Mọi việc đồng áng ông giao cho con cháu làm. Nguyên nhân mà nông dân ở đây thường cự cãi nhau là do cánh đồng này thường xảy ra ngập úng cục bộ do không có kênh mương thoát nước.

Ông Vương Văn Kẻ- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phước Hoà cho biết, cánh đồng thuộc địa bàn tổ 1, ấp Phước Hoà là một lòng chảo nên mùa mưa hay khi nước thuỷ lợi về nhiều là cánh đồng này như cái túi chứa nước. Cho nên, ngoài làm lúa ra bà con ở đây không trồng hoa màu được. Tuy nhiên, làm lúa cũng rất khó khăn vì nông dân thường phải chịu cảnh ngập úng cục bộ. Đã nhiều năm rồi những người có ruộng ở cánh đồng này kiến nghị các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng tiến hành làm con kênh tiêu, nhưng chưa làm được. Chính quyền xã, ấp cũng đã nhiều lần vận động bà con có ruộng ở cánh đồng này đóng góp tiền và đất làm kênh thoát nước, nhưng có một số hộ không đồng ý.

Cách đây vài tháng, lãnh đạo và ban, ngành, đoàn thể ấp Phước Hoà cùng bà con có ruộng ở cánh đồng trũng ấp Phước Hoà đã quyết tâm làm kênh tiêu cho cánh đồng này. Cũng như những lần trước, khi đi vận động nhiều người rất phấn khởi, nhưng cũng có vài hộ vì tiếc một ít đất khi làm kênh mà không đồng tình. Với phương châm “nông dân vận động nông dân”, lãnh đạo ấp mời thêm một số nông dân có ruộng ở cánh đồng này đi vận động những người nông dân khác. Khi biết ấp quyết tâm làm cho được con kênh tiêu ở đây, lão nông “không thèm” ra ruộng 7 năm rất phấn khởi tự nguyện đóng góp 1 triệu đồng và nhiệt tình cùng tham gia đi vận động bà con ở đây đóng góp. Khi ngộ ra việc làm kênh tiêu là “hy sinh cái nhỏ mà được cái lớn”, tất cả bà con có ruộng ở cánh đồng trũng này đã đồng tình đóng góp- hộ ít thì 500.000 đồng, hộ nhiều thì 1 triệu đồng. Kênh qua ruộng của ai thì người đó hiến không đất mà không đòi hỏi bồi thường thiệt hại.

Nay thì con kênh tiêu thoát nước của cánh đồng trũng ấp Phước Hoà đã hoàn thành, dài khoảng 1.200 mét. Từ khi làm xong con kênh đến nay, cánh đồng trũng Phước Hoà không còn ngập úng nữa, việc sản xuất của bà con rất thuận lợi. Nhiều người phấn khởi mang rượu, thịt ra bờ kênh mà “nhâm nhi”, đắc ý.

Ông Kẻ đánh giá, việc dân tự nguyện đóng góp làm kênh tiêu vùng ruộng trũng này không chỉ đem lợi ích thiết thực về kinh tế mà còn có tác dụng xã hội rất lớn. Cánh đồng không còn ngập úng, nông dân không chỉ thuận lợi trong sản xuất lúa mà còn có thể chuyển đổi cây trồng ngắn ngày khác xen canh với lúa. Từ đó hiệu quả kinh tế của ruộng đất được nâng lên.

Đặc biệt, từ khi cánh đồng được tháo úng, nông dân có ruộng ở đây không còn cảnh “mất đoàn kết nội bộ” khi có mưa to vì cánh đồng không còn bị ngập nữa. Từ đó, tình làng nghĩa xóm được khôi phục và ngày càng thắt chặt hơn, nội bộ nông dân đoàn kết hỗ trợ giúp đỡ nhau nhiều hơn. Anh Cao Phước Hoà (sinh năm 1969) đang cuốc đất tu sửa bờ kênh vui vẻ cho biết, nhà anh có 50 cao ruộng ở cách đồng này, trước đây sạ lúa khó khăn. Tuy nhiên, vụ Hè Thu này anh sạ lúa rất dễ vì khai nước khô ráo. Dự kiến đến vụ Đông Xuân 2013 - 2014, anh không sạ lúa mà trồng xen hoa màu.

Có những công việc không lớn, nhưng do không nhận thức được hết lợi ích của nó và không chung sức chung lòng nên dù kéo dài thời gian bao lâu người ta cũng không làm được. Nhưng một khi đã thông hiểu thì mọi người vui vẻ thực hiện và hoàn thành trong thời gian ngắn. Trường hợp làm kênh thoát nước ở ấp Phước Hoà là một điển hình.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, không phải việc gì cũng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Cho nên, việc gì mà nông dân có thể làm được thì vận động nhau tự nguyện đóng góp, chung tay xây dựng. Quan trọng là những người có tránh nhiệm cần có sự phân tích rõ ràng cho nông dân nhận thấy được những lợi ích thiết thực, gắn bó trực tiếp với nông dân thì nông dân sẽ đồng tình ủng hộ thực hiện.

D.H