BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông dân tự thiết kế, làm cầu qua kênh

Cập nhật ngày: 19/02/2012 - 03:00

Giữa đồng lúa đông xuân tươi tốt của ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang (Gò Dầu), có một chiếc cầu gỗ bắc qua một con kênh. Nhiều nông dân ra đồng bằng xe gắn máy qua lại chiếc cầu này. Cách chiếc cầu cây không xa, ở góc ngã tư giữa con kênh ngang và con kênh dọc, có một chiếc cầu phao còn khá mới. Đây là chiếc cầu do người dân ấp Cẩm Bình nghĩ ra, rồi tự thiết kế và thi công. Còn kinh phí làm cầu cũng do nhân dân tự nguyện đóng góp. Người thiết kế và ra công làm những chiếc cầu trên là ông Nguyễn Văn Mãi (SN 1957) hội viên Chi hội Nông dân ấp Cẩm Bình.

Chiếc cầu cây bắc qua kênh Ngang trong do ông Mãi (người bên trái)  thiết kế và thi công miễn phí, còn kinh phí mua vật liệu do nông dân ấp Cẩm Bình đóng góp

Cánh đồng ấp Cẩm Bình rộng trên 400 ha, chạy dài từ trong giồng ra đến bờ sông Vàm Cỏ Đông. Trong đó có 4 ha ruộng lúa của gia đình ông Mãi. Trên cánh đồng này có một con kênh dọc và hai con kênh ngang. Con kênh dọc được đào từ sông Vàm Cỏ Đông đến phía sau đình Cẩm Bình, nên gọi là kênh Đình. Kênh Đình dài chừng 1.500 mét. Còn hai con kênh ngang được xẻ ngang qua cánh đồng. Một con nằm gần sông Vàm Cỏ Đông được gọi là kênh Ngang ngoài và con còn lại là kênh Ngang trong. Những con kênh này đã có từ rất lâu, nhưng trước đây lòng kênh nhỏ hẹp và bị bồi lắng nên rất cạn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các con kênh này được nạo vét rộng hơn, sâu hơn. Nhờ vậy mà việc tưới tiêu cho cánh đồng Cẩm Bình được thuận lợi. Đồng thời việc lưu thông đường thuỷ cũng dễ dàng. Tuy nhiên, cũng từ khi những con kênh được vét sâu, rộng làm cho những người nông dân không có ghe xuồng ở ấp Cẩm Bình gặp nhiều khó khăn và không kém phần nguy hiểm mỗi khi ra ruộng, vì bị những dòng kênh cách trở. Làm sao để khắc phục khó khăn đó? Cách đây vài năm, ông Mãi tự suy nghĩ và thiết kế một chiếc cầu cây, trụ xi măng bắc qua con kênh Ngang trong. Để có kinh phí làm cầu, ông Mãi thông qua chính quyền địa phương và vận động nông dân ấp Cẩm Bình đóng góp. Vừa là nông dân, vừa là thợ hàn, nên ông Mãi có “tay nghề” và đồ nghề để làm cầu. Năm 2009, chiếc cầu cây bắc qua kênh Ngang trong được hoàn thành. Chiếc cầu này rộng 1,4 mét, dài 18 mét, kinh phí khoảng 10 triệu đồng (chưa tính công xây dựng của ông Mãi). Từ đó đến nay nông dân ấp Cẩm Bình qua lại con kênh Ngang trong rất thuận tiện, kể cả đi bằng xe gắn máy.

Cùng với việc vận động và ra công làm chiếc cầu cây nói trên, ông Mãi còn nghĩ ra, rồi thiết kế và vận động bà con nông dân ấp Cẩm Bình đóng góp làm 2 chiếc cầu phao qua lại dòng kênh Đình. Hai chiếc cầu phao này làm cũng đơn giản là ghép những chiếc thùng phuy lại với nhau. Mỗi chiếc cầu gồm 5 cái thùng phuy và dùng dây kéo qua lại dòng kênh. Do làm lâu ngày, hai chiếc cầu phao trước đã hư cũ. Trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, ông Mãi tiếp tục vận động bà con đóng góp và bỏ công ra làm lại hai chiếc cầu phao mới thay thế hai chiếc cũ. Hai chiếc cầu phao mới này có kích cỡ như nhau, gồm những chiếc thùng phuy được hàn kết dính nhau, bên trên có vỉ sắt làm chỗ người đứng và để vật dụng. Hai bên cầu có thanh sắt che chắn và làm tay vịn, dây kéo qua lại bằng xích sắt thả chìm dưới đáy kênh. Kinh phí mỗi chiếc khoảng 4 triệu đồng (không tính phần công của ông Mãi). Trọng tải của mỗi chiếc cầu phao khoảng 850 kg (chở được 15 bao diêm và hai người cùng đi). Hai chiếc cầu phao này được đặt ở hai góc ngã tư giao nhau giữa kênh Đình với kênh Ngang ngoài và kênh Ngang trong. Từ đó, việc qua lại giữa hai bờ kênh dọc, cũng như kênh ngang rất thuận tiện. Ngoài việc ra công làm cầu cây và cầu phao, ông Mãi còn sẵn sàng dùng chiếc phà của gia đình mình (phà chở máy gặt đập liên hợp của ông) để ở con kênh Ngang ngoài cho bà con qua lại miễn phí.

Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, sẵn sàng đóng công góp sức làm công tác xã hội, mà ông Mãi còn “nuôi con khoẻ, dạy con ngoan”. Vợ ông bị bệnh từ nhiều năm qua, công việc gia đình một mình ông lo liệu. Vợ chồng ông có 6 người con, trong đó có 2 người đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, 2 người còn đang học đại học và 2 người con lớn đã có gia đình riêng. Ông Mãi cho biết, được đóng công góp sức giúp cho bà con xóm làng, ông cảm thấy rất vui và hạnh phúc. 

DUY HUÂN - VĂN THA