Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Để liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững:
Nông dân và doanh nghiệp cần có tiếng nói chung
Thứ hai: 16:27 ngày 12/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có thể thấy rằng, hiện nay, liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản nói chung và cây lúa nói riêng đã được hình thành bước đầu. Ðể có tính bền vững thì nông dân và doanh nghiệp có tiếng nói chung về giá cả thu mua và một số điều kiện khác...

Doanh nghiệp thu mua lúa cho bà con nông dân xã An Bình (Châu Thành) vụ Hè Thu 2017.

Tính đến 9 tháng năm 2018, diện tích sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh đạt trên 131.000 ha, đạt 91,2% kế hoạch. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã triển khai Ðề án nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và xây dựng vùng lúa chất lượng cao. Ðến nay đã có 12 tổ hợp tác tham gia sản xuất lúa giống với diện tích 70,3 ha đạt cấp giống xác nhận.

 

Tỉnh cũng đã xây dựng vùng lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP khoảng 1.478 ha tại 6 huyện trọng điểm; thực hiện mô hình nhân giống lúa cấp xác nhận được 29/80 ha. Các huyện trọng điểm trồng lúa như Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng… Do đó, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm là điều vô cùng quan trọng, bảo đảm đầu ra cho cây lúa, ổn định hoạt động sản xuất cho bà con nông dân cũng như giữ vững vùng nguyên liệu của doanh nghiệp.

Nông dân được lợi

Tại xã Trí Bình (huyện Châu Thành), trong 2 vụ lúa vừa qua, nhiều nông dân rất phấn khởi vì được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ông Dương Văn Trai (ngụ ấp Xóm Ruộng) cho biết, gia đình ông có 3 ha đất trồng lúa. Vụ Ðông Xuân 2017-2018 và Hè Thu 2018, ông được Công ty TNHH MTV lương thực Vĩnh Hưng (Tập đoàn Lộc Trời) ký hợp đồng liên kết bao tiêu giống lúa OM 5451. Doanh nghiệp đầu tư lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật và cử cán bộ kỹ thuật xuống đồng ruộng hướng dẫn nông dân sản xuất. Ðến khi thu hoạch, giá thu mua áp dụng tuỳ theo thời điểm nhưng thường cao hơn thị trường khoảng 50 - 100 đồng/kg.

Ðiều khiến ông Trai thấy hài lòng là cách mà doanh nghiệp định giá thu mua. Từ đầu vụ, ông và doanh nghiệp ký hợp đồng thoả thuận về quá trình liên kết sản xuất. Riêng giá thu mua được thống nhất trước khi thu hoạch 1 tuần. Ðây là cách làm mới, tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất.

Ông Trai cho biết, với sự thống nhất giá như trên, cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều không phải lo chịu thiệt, vì giá mua bán ổn định hơn so với việc ký thoả thuận về giá ngay từ đầu vụ. Bởi từ lúc sản xuất đến khi thu hoạch, giá thị trường có nhiều biến động. Từ khi có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định, nông dân rất yên tâm sản xuất.

Ông Ðinh Văn Dũng (cùng ngụ ấp Xóm Ruộng) có hơn 4 ha lúa và cũng là một trong những nông dân liên kết với doanh nghiệp trên trong 2 vụ vừa qua. Ông Dũng cho rằng, có doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm sẽ góp phần phân chia thị trường với thương lái, giá cả cũng cạnh tranh hơn, nông dân ít lâm vào tình cảnh bị thương lái ép giá như trước.

Ông Mai Văn Công- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trí Bình cho biết, trên địa bàn xã hiện có một số nông dân ký hợp đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Ðây là mô hình liên kết có hiệu quả, nông dân được tạo điều kiện sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý.

Theo Công ty TNHH MTV lương thực Vĩnh Hưng (Tập đoàn Lộc Trời), công ty bắt đầu tổ chức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm từ vụ Ðông Xuân 2017 - 2018 đến nay. Vụ Hè Thu 2018, công ty thực hiện trên diện tích 206,7 ha ở hai huyện Châu Thành, Trảng Bàng.

Về phương thức liên kết, công ty ký hợp đồng liên kết với từng hộ nông dân (Châu Thành) và Tổ liên kết sản xuất lúa sạch An Thới - An Hoà. Trong quá trình sản xuất, công ty cung ứng giống xác nhận, vật tư nông nghiệp không tính lãi đến cuối vụ; có cán bộ kỹ thuật tư vấn, đồng hành cùng nông dân trong quá trình canh tác. Khi thu hoạch, công ty thu mua toàn bộ lượng lúa tươi đã ký hợp đồng với nông dân, chốt giá và ngày thu hoạch trước 7 - 10 ngày, cân lúa và thanh toán tại ruộng…

Ông Lê Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, hiện nay, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, chủ yếu tại các huyện trọng điểm trồng lúa, tập trung ở Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng. Vụ Mùa vừa qua, doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu với nông dân và các hợp tác xã với diện tích khoảng 500 ha. Kế hoạch vụ Ðông Xuân 2018 - 2019, ước diện tích bao tiêu khoảng 1.500 ha, gồm các giống OM 5451, Ðài thơm 8, Nàng hoa 9, ST 21.

Diện tích lúa được bao tiêu “còn rất ít”

Tuy đã có những kết quả bước đầu trong liên kết sản xuất - tiêu thụ trên cây lúa nhưng theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, quá trình thực hiện liên kết còn nhiều khó khăn. Cụ thể như diện tích lúa được doanh nghiệp bao tiêu thu mua chưa nhiều, giá cả chưa chênh lệch đáng kể so với thương lái bên ngoài; liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp chưa thực sự ổn định, do một số doanh nghiệp có nguồn vốn chưa đủ mạnh; thị trường lúa gạo không ổn định…

Theo Công ty TNHH MTV lương thực Vĩnh Hưng, việc triển khai thực hiện liên kết giữa công ty và nông dân còn gặp một số khó khăn như giữa nông dân và doanh nghiệp “còn khoảng cách”; giữa vùng nguyên liệu và nhà máy xay xát gạo rất xa, làm phát sinh nhiều chi phí và làm ảnh hưởng không tốt đến chất lượng sản phẩm khi về đến nhà máy. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp tác động tiêu cực từ sự cạnh tranh ở các đầu mối bao tiêu, hệ thống đại lý và thương lái bên ngoài.

Ðáng lưu ý là, nông dân vẫn còn chậm thay đổi tập quán sản xuất (lượng giống/ha cao, bón phân nhiều…). Một số nông dân tham gia vùng nguyên liệu còn chưa có ý thức tự giác trong hợp tác liên kết, đặc biệt là khâu bảo quản sản phẩm khi điều kiện thời tiết bất lợi, chưa tuân thủ đúng quy trình canh tác của doanh nghiệp.  

Năm 2019, Công ty TNHH MTV lương thực Vĩnh Hưng sẽ triển khai liên kết với nông dân các huyện Châu Thành, Trảng Bàng, Gò Dầu. Trong đó, vụ Ðông Xuân 2018 - 2019, tổng diện tích lúa được liên kết khoảng 200 ha; vụ Hè Thu 2019, thực hiện khoảng 250 ha. Công ty sẽ từng bước hướng liên kết đến hợp tác xã, tổ liên kết, hạn chế liên kết từng hộ nông dân.

Còn theo Công ty TNHH MTV SX - TM - DV Huỳnh Phương, thời gian qua, công ty đã triển khai đầu tư, thu mua lúa ở các huyện Gò Dầu, Bến Cầu, Trảng Bàng và Hoà Thành. Riêng ở huyện Châu Thành, công ty đã triển khai tại 13 xã.

Thực tế cho thấy, mô hình liên kết và tiêu thụ nông sản đang từng bước nhân rộng và phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, giải quyết được nhu cầu cấp thiết của người trồng lúa, khắc phục được tình trạng được mùa, rớt giá, giúp nông dân an tâm sản xuất, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Qua đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã/tổ liên kết; doanh nghiệp - nông dân được xây dựng ngày càng bền chặt; nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia. Do điều kiện và nguồn lực của từng doanh nghiệp mà có những chính sách đầu tư cho nông dân khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu là mang lại lợi ích hài hoà, thiết thực cho nông dân cũng như doanh nghiệp, bảo đảm tính ổn định, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì nông dân còn sử dụng giống kém chất lượng, chưa quen với mô hình sản xuất tập trung.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 2 doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân được khoảng 2 năm nay. Tuy nhiên, so với tổng tích diện sản xuất lúa trên địa bàn huyện Châu Thành - gần 40.000 ha/năm, thì diện tích mà doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm còn rất hạn chế. Mặt khác, có doanh nghiệp trước đây thực hiện cung ứng vật tư, ký hợp đồng/liên kết bao tiêu nhưng sau này diện tích ký hợp đồng bao tiêu ngày càng bị thu hẹp. Nguyên nhân là do nông dân và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung về giá cả, phương thức đầu tư, phương thức thu mua.

Còn theo Phòng Nông nghiệp huyện Bến Cầu, từ năm 2017 đến nay, có 2 doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu lúa cho nông dân trên địa bàn. Ở vụ Hè Thu 2018, Phòng đã phối hợp với doanh nghiệp Huỳnh Dư triển khai sản xuất, bao tiêu lúa với diện tích 146 ha, gồm giống IR 4625 (70 ha) tại xã Lợi Thuận và giống ST 21 (76 ha) tại xã An Thạnh. Bên cạnh đó, Công ty Giống cây trồng Trung ương triển khai 50 ha, giống lúa RVT, thực hiện tại xã Long Thuận, Tiên Thuận, giá hợp đồng thu mua 6.000 đồng/kg.

Tuy bước đầu có doanh nghiệp tham gia trong liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa nhưng diện tích bao tiêu còn rất ít. Bình quân tổng diện tích sản xuất lúa hằng năm trên địa bàn huyện trên 28.000 ha, trong đó, diện tích được bao tiêu chỉ trên 1.000 ha - chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng diện tích sản xuất.

Ông Lê Trung Dũng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục giới thiệu nông dân, hợp tác xã cho các doanh nghiệp, mời gọi doanh nghiệp đến Tây Ninh để liên kết sản xuất - tiêu thụ, qua đó, góp phần thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, ổn định đầu ra cho người sản xuất.

Có thể thấy rằng, hiện nay, liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản nói chung và cây lúa nói riêng đã được hình thành bước đầu. Ðể có tính bền vững thì nông dân và doanh nghiệp có tiếng nói chung về giá cả thu mua và một số điều kiện khác...

TRÚC LY

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục