Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nông dân vẫn loay hoay chọn cây trồng, con giống
Thứ hai: 13:09 ngày 16/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh khá lúng túng, trong việc lựa chọn cây trồng, con giống để đầu tư sản xuất mang lại hiệu quả, nâng cao đời sống, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Thu hoạch lúa

Ông Trần Hoàng Liêm (ngụ xã Trường Ðông, huyện Hoà Thành) cho biết, gia đình ông có gần 2 ha nhãn tiêu da bò đang cho trái. Tuy nhiên, hiện giá nhãn ở mức rất thấp nên người trồng xem như trắng tay. Không những vậy, vào vụ thu hoạch nhưng thương lái ngừng mua nên nhiều nhà vườn như ngồi trên đống lửa khi nhãn chín và rụng dần mà không có nơi tiêu thụ.

Ông Liêm cho biết thêm, thu hoạch hết đợt này, ông sẽ phá bỏ vườn nhãn để chuyển đổi sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, ông không biết chọn cây trồng nào cho phù hợp, có hiệu quả kinh tế. Ông và nhiều người trồng nhãn khác rất lúng túng trong việc tìm cây trồng thích hợp bởi lo sẽ lại lâm vào cảnh “trồng rồi chặt”.

 Anh Nguyễn Văn Lấm (ngụ xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu) cũng có nỗi niềm tương tự. Gia đình anh nhiều năm sản xuất lúa nhưng không mang lại hiệu quả cao, thậm chí có những vụ lỗ vốn. Gia đình anh có ý định chuyển đổi cây trồng nhưng không biết chọn loại cây nào cho phù hợp với thổ nhưỡng và mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo UBND tỉnh, tỉnh đang trong quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển dịch theo hướng khai thác lợi thế của từng vùng, sản xuất gắn thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cây ăn trái (nhãn, mãng cầu, bưởi, sầu riêng, xoài, chuối, dứa...),  rau củ quả và các sản phẩm chăn nuôi tập trung. 

Song song đó, tại các hội nghị, hội thảo về định hướng sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2020-2025, ngành Nông nghiệp cũng đã đánh giá thị trường, phân tích các thế mạnh, động lực phát triển của các địa phương để các địa phương có kế hoạch triển khai thực hiện việc cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thị trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Về hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, thông qua việc triển khai các đề án phát triển chăn nuôi heo, bò thịt; trồng rau, lúa và các mô hình khuyến nông, ngành Nông nghiệp đã lồng ghép các nội dung về hỗ trợ giống để nâng cao năng suất, chất lượng sản. 

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng đang phối hợp với nhà máy chế biến rau quả Tanifood triển khai xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn trái, trong đó có cơ chế hỗ trợ cung ứng giống cây ăn trái cho người dân sản xuất với chất lượng tốt, giá cả phù hợp với nguồn giống từ các viện nghiên cứu cây trồng trong khu vực. Nhà máy sẽ hỗ trợ nông dân phân tích thổ nhưỡng tại một số vùng đại diện và thực hiện một số mô hình thí điểm các giống cây ăn trái để đánh giá hiệu quả, từ đó nhân rộng trong dân. 

Do vậy, người dân khi muốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cần sự tư vấn, hỗ trợ về giống có thể liên hệ Trung tâm Khuyến nông của tỉnh hoặc các cơ quan chuyên môn ở địa phương (trạm Khuyến nông, trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) để được hướng dẫn cụ thể.

NHI TRẦN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục