Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nông dân vẫn trồng mì bất chấp dịch khảm lá
Thứ hai: 06:02 ngày 22/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay với giá củ mì tươi hơn 3 ngàn đồng/kg, nếu 1 ha mì bị bệnh khảm lá cho năng suất khoảng 30 tấn khi thu hoạch, bán được khoảng 100 triệu đồng; sau khi trừ các chi phí chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển... người trồng vẫn còn lãi khoảng hơn 40 triệu đồng/ha.

Vận chuyển mì thu hoạch ở đảo Nhím, lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Ð.H.T

Bệnh khảm lá virus hại mì (khảm lá mì) được phát hiện lần đầu tại tỉnh vào tháng 6.2017. Hơn một năm trôi qua, mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND tỉnh và Sở NN&PTNT đã có nhiều biện pháp phòng, chống nhưng đến nay, dịch bệnh khảm lá mì vẫn hoành hành. Tuy nhiên, do giá mì lên cao, nhiều nông dân vẫn tiếp tục trồng bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.

DIỆN TÍCH TĂNG, NĂNG SUẤT GIẢM

Theo Sở NN&PTNT, 9 tháng năm 2018, diện tích cây mì trên địa bàn tỉnh là 50.399 ha - vượt 11,2% kế hoạch, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do nguồn bệnh còn trên đồng và phần lớn nguồn giống sử dụng đã bị nhiễm bệnh nên giảm năng suất khá lớn, khoảng từ 30-50%.

Tính đến ngày 18.9, diện tích nhiễm bệnh là 25.754,9 ha, trong đó, tỷ lệ nhiễm dưới 15% khoảng 6.860,35 ha; từ 15-30% chiếm khoảng 7.110,32 ha; từ 30-70% là 8.102,95 ha và trên 70% khoảng 3.681,23 ha. Ngành NN&PTNT đã kịp thời công bố dịch và chỉ đạo các đơn vị, địa phương nắm sát tình hình sản xuất cây mì trên diện tích nhiễm bệnh khảm lá để thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Trên địa bàn tỉnh, hiện có 68 nhà máy chế biến khoai mì với tổng công suất hoạt động khoảng 5.527 tấn/ngày (khoảng 166 ngàn tấn/tháng), nhu cầu nguyên liệu củ mì của các nhà máy rất lớn, thậm chí phải tìm nguồn củ mì tươi từ các tỉnh lân cận và nhập khẩu từ Campuchia. Cụ thể năm 2017, khối lượng củ mì tươi đưa vào chế biến hơn 3,5 triệu tấn- bằng 94% so với năm 2016, gần gấp 2 lần sản lượng mì hằng năm của tỉnh. Trong đó, các nhà máy chế biến khoai mì đã nhập khẩu hơn 1,5 triệu tấn từ Campuchia.

Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2018, khối lượng củ mì tươi đưa vào chế biến khoảng hơn 1,45 triệu tấn- chỉ bằng 85% so với cùng kỳ. Trong đó, khối lượng củ mì tươi nhập khẩu từ Campuchia chỉ hơn 622 ngàn tấn- bằng 62,1% so với cùng kỳ.

Do nguồn nguyên liệu sụt giảm mạnh, giá củ mì tăng liên tục từ quý IV/2017, ngay trước thềm sản xuất vụ Ðông Xuân 2017-2018. Ðó chính là “động lực” để nông dân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mà chính quyền và ngành chức năng khuyến cáo.

“SỐNG CHUNG VỚI LŨ”

Ngành chức năng từng khuyến cáo, nông dân nên cắt vụ chuyển đổi sang cây trồng khác, không nên tiếp tục tái canh cây mì. Tuy nhiên, do thiếu vốn để chuyển đổi, không ít  hộ vẫn tiếp tục trồng mì và chấp nhận ”đánh liều” với thực tế: Trước đây, khi chưa có dịch bệnh, 1 ha mì có thể thu hoạch hơn 50 tấn, còn hiện nay, mì bị nhiễm bệnh, chỉ cho sản lượng hơn 30 tấn.

Anh Bùi Công Ngọc, nông dân xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu- đang trồng khoảng 100 ha mì cho biết, dịch bệnh khảm lá mì khiến nông dân lao đao do năng suất, sản lượng giảm. Bản thân anh, sau 2 mùa trồng mì đều bị bệnh khảm lá, anh đúc kết kinh nghiệm để “sống chung với lũ”, theo đó, anh tìm mua cây giống ở những địa phương chưa bị bệnh, chọn những giống mì dù khi trồng vẫn nhiễm bệnh nhưng cho năng suất cao. Hiện anh Ngọc trồng khoảng 5, 6 giống mì khác nhau.

Bên cạnh đó, trồng mì trong thời điểm dịch bệnh khảm lá mì chưa có biện pháp xử lý, ngoài việc chọn giống phù hợp, cách lên liếp cho từng loại giống mì cũng như quá trình chăm sóc, bón phân cho từng giống mì phải khác nhau. Có như vậy, dù mì bị bệnh khảm lá nhưng vẫn cho năng suất cao hơn. Ðiều đó lý giải vì sao cùng chung một khu vực đất, hai ruộng mì gần nhau, trồng cùng một giống mì, nhưng một ruộng có năng suất khoảng 30 tấn/ha, ruộng còn lại chỉ khoảng 20 tấn/ha.

Cũng theo anh Ngọc, hiện nay với giá củ mì tươi hơn 3 ngàn đồng/kg, nếu 1 ha mì bị bệnh khảm lá cho năng suất khoảng 30 tấn khi thu hoạch, bán được khoảng 100 triệu đồng; sau khi trừ các chi phí chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển... người trồng vẫn còn lãi khoảng hơn 40 triệu đồng/ha. Do đó, anh cũng như nhiều người trồng mì khác vẫn chọn trồng mì, chứ không chọn loại cây trồng khác.

Với mong muốn đóng góp một phần công sức tìm giống mì kháng lại bệnh khảm lá, anh Ngọc đang hỗ trợ một trung tâm giống cây trồng tại Ðồng Nai trồng khảo nghiệm 203 giống mì trên diện tích đất khoảng 0,7 ha.

Anh Bùi Công Ngọc với giống mì đang trồng- mà theo anh dù đã nhiễm bệnh khảm lá nhưng vẫn cho năng suất cao hơn các loại giống khác.

NỖ LỰC TÌM GIẢI PHÁP CĂN CƠ

Một nông dân trồng mì ở xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành cho biết, dù người trồng mì đang có lãi trong lúc dịch bệnh khảm lá mì vẫn chưa có giải pháp điều trị triệt để, nhưng phải nhìn nhận thực tế là do sự thiếu hụt nguyên liệu, đẩy giá mì lên cao. Do đó, nông dân rất cần các ngành chức năng sớm tìm ra giải pháp căn cơ để phòng, chống dịch bệnh này.

Ðược biết, Sở NN&PTNT cùng Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với đơn vị nghiên cứu là Viện Bảo vệ thực vật, Khoa Nông học- Trường đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện đề tài “Xây dựng giải pháp phòng trừ tổng hợp bệnh khảm lá mì tại Tây Ninh” từ tháng 4.2018, với thời gian 36 tháng.

Ðề tài đã triển khai thực hiện một số nội dung cơ bản như: quy luật diễn biến bệnh khảm lá mì và tác hại của bệnh đến năng suất, chất lượng của các giống mì trồng phổ biến tại Tây Ninh trong điều kiện đồng ruộng; xác định phương thức lan truyền bệnh tại Tây Ninh; xác định quy luật phát sinh, phát triển và gây hại của loại bọ phấn trắng/ côn trùng truyền bệnh và cơ quan nghiên cứu đã cử cán bộ trực tiếp đến Tây Ninh thực hiện thí nghiệm.

Về giải pháp trước mắt, theo Sở NN&PTNT, đối với công tác phòng, chống bệnh trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền để cán bộ, người dân, doanh nghiệp chế biến... nhận thức rõ mục tiêu chống dịch, sự ảnh hưởng và tác hại lâu dài của bệnh, tạo sự đồng thuận từ nhận thức đến hành động để bảo vệ vùng nguyên liệu của tỉnh... Tăng cường kiểm tra, giám sát các ruộng bị bệnh khảm lá, tiêu huỷ cây mì và tàn dư sau thu hoạch, yêu cầu các hộ cam kết không sử dụng cây trên ruộng để làm giống.

Ðối với nguồn cung cấp mì, tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh giống tìm mua nguồn giống sạch bệnh từ tỉnh chưa có dịch, có địa chỉ rõ ràng, tin cậy để cung cấp cho người dân. Vào đầu vụ sản xuất, các địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý các điểm mua bán cây giống không rõ nguồn gốc trên địa bàn quản lý...

Hy vọng với sự vào cuộc chủ động và quyết liệt của tỉnh, trong thời gian tới, sẽ có giải pháp ngăn chặn dịch bệnh khảm lá cây mì.

THẾ NHÂN

CON NGƯỜI LÀ TÁC NHÂN PHÁT TÁN BỆNH NHANH

Nêu quan điểm cá nhân về tình hình bệnh khảm lá diễn biến thời gian qua, Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Viện Di truyền nông nghiệp- Bộ NN&PTNT cho rằng, do một số nguyên nhân chính như: thiếu kinh phí cho việc dập dịch; kinh phí đền bù quá thấp nên người dân bị thiệt hại về kinh tế quá lớn nếu tiêu huỷ diện tích mì nhiễm bệnh; thiếu kinh phí để thực hiện việc kiểm dịch thực vật nội địa một cách hiệu quả như cấm mang vật liệu từ vùng bệnh sang vùng sạch.

Con người là tác nhân phát tán bệnh nhanh và xa nhất nhưng chế tài xử phạt việc cố ý vận chuyển vật liệu bệnh sang vùng sạch chưa đủ sức răn đe. Việc các tỉnh xa Tây Ninh nhanh chóng xuất hiện bệnh khảm lá mì có thể khẳng định do việc vận chuyển hom giống nhiễm bệnh đến các vùng này.

Người dân Tây Ninh vẫn trồng mì do  mì vẫn mang lại hiệu quả kinh tế bởi thiệt hại về năng suất vì dịch bệnh không đồng nghĩa với thiệt hại về kinh tế của cá thể do quy luật cung cầu. Năng suất giảm khiến giá tăng cao, đặc biệt ở Tây Ninh giá thu mua củ mì tăng gấp đôi, do đó nhiều đơn vị, cá nhân sản xuất giỏi thậm chí thu lợi nhiều hơn khi không có dịch. Tuy nhiên, sức chịu đựng của các nhà máy tiêu thụ củ mì cũng có giới hạn, do đó cần bảo đảm năng suất không giảm quá nhiều. 

Ðể hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, người trồng mì nên học hỏi kinh nghiệm của cán bộ cơ quan trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh và những người sản xuất thành công. Không có công thức thành công chung cho tất cả mọi người, mỗi người có thể tìm hiểu phương thức sản xuất phù hợp nhất cho mình tuỳ thuộc khả năng kinh tế, vị trí ruộng, chất đất...

Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ khuyến cáo, trong khi chờ phát triển các giống mới thực sự kháng bệnh, người trồng mì nên cân nhắc mua giống sạch bệnh từ các đầu mối uy tín như Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Hưng Lộc. Chi phí ban đầu cho giống chất lượng và sạch bệnh cao hơn giống nhiễm bệnh nhưng tổng lợi nhuận cao hơn trong cùng điều kiện. 
Tin cùng chuyên mục