Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nông dân vượt khó làm giàu
Thứ tư: 09:15 ngày 06/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đó là anh Phạm Thành Tưởng, ngụ ấp Long Châu, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu. Không chỉ vượt khó sản xuất, kinh doanh giỏi, anh còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Công nhân làm việc ở cơ sở sản xuất của anh Tưởng chuẩn bị phơi bánh.

Năm 2016, sau khi tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do hội Nông dân xã tổ chức. Anh Tưởng được Hội Nông dân xã xét cho vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để mua 2 con bò giống, làm chuồng trại. Nhờ cần cù, chịu khó mà sau 5 năm, gia đình anh Tưởng đã phát triển đàn bò lên 8 con.

Anh Tưởng cho biết: "Tôi vừa đi làm thuê làm mướn, ai kêu gì cũng làm. Đến năm 2021, khi đàn bò lên 8 con tôi quyết định bán để lấy vốn phát triển kinh tế, trả tiền vay từ NHCSXH. Còn dư một ít tôi quyết định học nghề làm bánh đa và thử nghiệm sản xuất".

Nghĩ là làm, anh Tưởng đi học nghề, bắt đầu sản xuất bánh đa với thương hiệu bánh tráng đa Kim Ngân. Tuy nhiên, do vốn hạn chế nên gia đình chỉ sản xuất bánh theo hình thức thủ công, buôn bán nhỏ lẻ. Dẫu vậy, sản phẩm bánh tráng đa của gia đình cũng đã được nhiều khách hàng đón nhận và yêu thích bởi sự thơm ngon, chất lượng.

Năm 2022, thấy công việc sản xuất ổn định, nhu cầu khách hàng ngày càng nhiều. Anh mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại bảo đảm cho các công đoạn làm bánh nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng.

Đồng thời kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó mà bánh đa của gia đình anh Tưởng nhanh chóng có mặt ở nhiều chợ, cửa hàng trên toàn tỉnh và được nhiều người tiêu dùng đón nhận hơn.

Mô hình sản xuất bánh đa đã giúp kinh tế gia đình ổn định hơn.

Anh Tưởng cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH gia đình tôi thoát cảnh thiếu trước hụt sau, có vốn để mua bò, tích góp vốn để phát triển kinh tế. Nhờ đó mà phát triển cơ sở sản xuất bánh đa. Nó thật sự là bệ đỡ để cho gia đình tôi vươn lên trong cuộc sống”.

Hiện nay, cơ sở sản xuất Bánh tráng đa Kim Ngân của anh Tưởng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho 8-10 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng. Anh còn là một trong những gương tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Đồng hành cùng phong trào “Nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới”, với sự hướng dẫn của Hội nông dân xã, anh Tưởng đã mạnh dạn đưa sản phẩm “Bánh tráng đa Kim Ngân” tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

“Đặt bao tâm huyết vào trong từng sản phẩm, tôi hy vọng sẽ đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm “Bánh tráng đa Kim Ngân” với chất lượng tốt nhất. Đồng hành cùng Chương trình OCOP, mang thương hiệu sản phẩm vươn cao, vươn xa hơn và mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho sản phẩm. Góp phần cùng Đảng, chính quyền xã Long Khánh thực hiện thành công xã nông thôn mới nâng cao - anh Tưởng cho biết.

 Bánh đa được tráng bằng máy, giảm sức lao động, tăng lợi nhuận.

Nói về anh Tưởng, bà Nguyễn Thị Thái Chân- Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Khánh cho biết, từ nguồn vốn vay của NHCSXH, cùng với nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu, gia đình anh Tưởng đã thật sự vượt qua khó khăn, tích cực tham gia đóng góp các hoạt động xã hội, an ninh, trật tự; xây dựng xã văn hoá, nông thôn mới...

Anh Tưởng chăm sóc đàn bò sinh sản của gia đình.

Đặc biệt, anh sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm mà mình tích lũy được trong quá trình sản xuất bánh đa cho nông dân trong và ngoài xã, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục