Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nông nghiệp công nghệ cao - những bước đi chiến lược của Tây Ninh
Thứ sáu: 22:38 ngày 27/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong những năm gần đây, Tây Ninh nổi lên như một điểm sáng trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao với những bước đi chiến lược, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các mô hình sản xuất hiện đại như nhà kính, nhà màng và hệ thống tưới tiêu tự động.

Những dự án từ chăn nuôi cho đến trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mang lại năng suất vượt trội và giá trị kinh tế cao. Sự chuyển biến này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn định hình Tây Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu về nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.

Dự án thuỷ lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đưa nước từ hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông “giải hạn” cho những cánh đồng lớn ở các huyện biên giới Tây Ninh.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Xuân, với việc đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống nhà màng, nhà lưới, tỉnh đã phát triển thành công 120 ha rau thực phẩm, dưa lưới và phong lan hiện đại. Hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (như tưới phun, tưới béc, tưới nhỏ giọt) cũng được áp dụng trên 115.000 ha đất sản xuất, nâng tỷ lệ tưới tiết kiệm lên 31%.

Không chỉ vậy, Tây Ninh còn chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học và thiên địch để phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng chủ lực như lúa, rau màu, mì, mía. Cơ giới hoá được triển khai đồng bộ trong các khâu từ làm đất, thu hoạch đến vận chuyển, đặc biệt trên các cánh đồng lúa, mía, mì và vườn cây ăn trái. Đáng chú ý, tỉnh đã hỗ trợ chứng nhận GAP cho 48 cơ sở với diện tích 1.035 ha, cấp 25 mã số vùng trồng nội địa với diện tích 204 ha, cấp 62 mã số vùng trồng xuất khẩu trên diện tích 1.522 ha, cùng các mã số đóng gói và cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc.

Song song đó, ngành chăn nuôi cũng có những bước tiến mạnh mẽ, chuyển từ quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung với hơn 75% trang trại áp dụng công nghệ cao. Hiện toàn tỉnh có 587 trang trại quy mô lớn, áp dụng các giải pháp như sản xuất thức ăn xanh, tự động hoá quy trình và xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học, hay hệ thống biogas.

Toàn tỉnh hiện có trên 70 cơ sở được chứng nhận an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, Tây Ninh đã xây dựng thành công hai vùng cấp huyện đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh (Tân Châu và Dương Minh Châu) đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle, góp phần bảo đảm chất lượng và nâng cao giá trị sản xuất.

Chăn nuôi gà trong nhà kín, đảm bảo an toàn sinh học.

Để có được những kết quả này, có thể thấy một trong những lợi thế lớn khi Tây Ninh được thiên nhiên ưu ái và định vị chiến lược như một trung tâm kinh tế mới, trở thành điểm đến đầy hứa hẹn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Với vị trí địa lý vàng, tỉnh nằm trong vùng Đông Nam bộ, sở hữu 240 km đường biên giới giáp Campuchia, ba cửa khẩu quốc tế và các tuyến giao thông huyết mạch kết nối vùng... Những lợi thế này không chỉ giúp Tây Ninh kết nối nhanh chóng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện tại mà còn mở ra cơ hội giao thương với các nước ASEAN…

Tài nguyên thiên nhiên phong phú cũng là một lợi thế lớn khác của Tây Ninh. Hồ Dầu Tiếng, công trình thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam, bảo đảm nguồn nước ổn định cho 185.000 ha đất nông nghiệp, kết hợp với địa hình bằng phẳng và khí hậu ôn hoà, tạo điều kiện lý tưởng để phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi quy mô lớn.

Trong thu hút đầu tư Tây Ninh có nhiều chính sách ưu đãi. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Xuân, Tây Ninh đã triển khai 11 chính sách hỗ trợ từ ưu đãi lãi suất vay, chứng nhận GAP, phát triển OCOP đến xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp và nông dân yên tâm đầu tư. Nhờ đó, trong 5 năm qua, tỉnh đã thu hút 122 dự án nông nghiệp công nghệ cao, trong đó 66 dự án đã đi vào hoạt động.

Trong thời gian tới, Tây Ninh xác định phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi chiến lược và đột phá, góp phần nâng tầm ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Theo ông Nguyễn Đình Xuân, việc ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn gia tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn để phát triển các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn liền với chế biến và xuất khẩu. Sự chú trọng vào nông nghiệp công nghệ cao không chỉ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu quả và nâng cao đời sống của người dân địa phương. Với những định hướng rõ ràng và quyết tâm mạnh mẽ, Tây Ninh đang sẵn sàng trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu của khu vực.

Phan Dương

Tin cùng chuyên mục