Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nông nghiệp công nghệ cao trên đà phát triển
Thứ ba: 16:01 ngày 29/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển khá; năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi không ngừng gia tăng. Cơ cấu nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng trồng trọt và chăn nuôi. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Nông dân vui vẻ khi thu hoạch dứa.

Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Tây Ninh vào ngày 21.8.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận và chỉ đạo “đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm sản xuất, chế biến nông sản hiện đại, chất lượng cao của cả nước, một hình mẫu đi lên làm giàu bằng nông nghiệp”.

Đây cũng là lựa chọn của tỉnh đối với hướng đi của ngành nông nghiệp, trong đó, trọng tâm là tạo ra các sản phẩm có giá trị giá tăng cao, nông nghiệp sạch và hữu cơ làm một khâu đột phá chiến lược. Lựa chọn này đã chính thức được lãnh đạo Chính phủ ủng hộ và đưa vào nhóm trọng tâm về phát triển nông nghiệp của cả nước.

Đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển khá; năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi không ngừng gia tăng. Cơ cấu nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng trồng trọt và chăn nuôi. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Để giữ vững và phát huy thành quả đạt được, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô lớn; sản xuất hữu cơ bền vững, nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị gia tăng chất lượng sản phẩm.

Nỗ lực liên kết sản xuất

Trước đây, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và các doanh nghiệp chưa thực sự gắn kết, dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thường xuyên diễn ra trong mỗi vụ thu hoạch. Không những vậy, một bộ phận người dân còn giữ thói quen bán nông sản qua thương lái dù biết bị ép giá.

Để khắc phục tình trạng này, những năm gần đây, một số doanh nghiệp đã chủ động ký kết hợp đồng với nông dân, các tổ hợp tác và hợp tác xã đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm tạo mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong mối liên kết này, cả doanh nghiệp và nông dân đều được hưởng lợi.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được khuyến khích thông qua các hình thức hợp tác liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất để hình thành chuỗi giá trị các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.

 Hiện tại, đã có một số doanh nghiệp ký cam kết và đang bắt đầu triển khai thực hiện. Đây là một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập.

Theo UBND huyện Trảng Bàng, thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, bắt tay ngay vào những công việc cụ thể. Trước hết là lựa chọn những cây, con nhiều tiềm năng để thực hiện cơ cấu lại như lúa, rau, cây ăn trái, bò sữa, gia cầm; các cây chủ lực của địa phương như bắp, hoa lan... với tinh thần cốt lõi là đẩy mạnh hợp tác - liên kết - thị trường, đặc biệt là liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, giảm giá thành. Thời gian qua cũng là ngần ấy thời gian các mặt hàng nông sản của huyện “lớn lên” từng ngày, là bao nhiêu tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng, là các sản phẩm công nghệ cao ra đời...

Hiện nay, việc sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn huyện Trảng Bàng được mở rộng, diện tích đạt 4.231 ha, có 414 ha đã chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Gia Bình đã liên kết ký hợp đồng với Công ty TNHH Sài Gòn Kim Hồng sản xuất lúa bằng máy cấy 50 ha giống Đài Thơm 8, với giá bao tiêu 5.600 đồng/kg.

Mô hình này hiệu quả hơn so với sạ lan, vì cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khoẻ, độ đồng đều cao, bông to, cây cứng ít đổ ngã, ít sâu bệnh, dễ quản lý cỏ dại. Mặt khác, do giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nên giảm tác hại đến môi trường sống, ít hại đến sức khoẻ của nông dân. Thế nhưng lợi nhuận nông dân thu được lại cao hơn so với sạ lan 3,5 - 5 triệu đồng/ha/vụ.

Về cây ăn trái, trên địa bàn huyện có mô hình trồng chuối xuất khẩu và đang chuyển đổi từ cây lúa kém hiệu quả sang cây dứa. Trang trại chuối ứng dụng công nghệ cao với diện tích 70 ha (tại xã Đôn Thuận) sản phẩm xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc doanh thu khá cao. Ngoài ra, mô hình trồng dứa tại xã Bình Thạnh được Công ty cổ phần Lavifood ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm 200 ha, đến nay đã xuống giống được 23 ha, với giá ký hợp đồng trái hơn 1kg 6.000 đồng/kg, từ 0,6-1kg/trái 4.300 đồng/kg, dưới 0,6 kg/trái 3.000 đồng/kg. Mô hình này hứa hẹn sẽ cho kết quả tốt và bền vững.

Theo UBND huyện Trảng Bàng, những kết quả trên đã chứng minh rằng, chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của Đảng, Nhà nước là đúng đắn và hợp lý. Để lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển hơn nữa, thời gian tới, UBND huyện tăng cường công tác xúc tiến thương mại trong nông nghiệp, tổ chức đưa một số nông sản chủ lực của huyện vào hệ thống siêu thị, cửa hàng, trường học; tập trung cải thiện, nâng cao hiệu quả kênh tiêu thụ đã hình thành; xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thị trường nông sản; xây dựng thương hiệu và bản quyền (chỉ dẫn địa lý) cho các loại nông sản chủ lực của huyện.

Theo Sở NN&PTNT, ngành Nông nghiệp đã định hướng và triển khai các giải pháp tích cực nhằm tập trung xây dựng mối liên kết này giữa nông dân với doanh nghiệp ngày càng bền vững và có trách nhiệm. Trước mắt, giải pháp xây dựng cánh đồng lớn cho các loại cây trồng được coi là “điểm nhấn” trên cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong nông dân ở những vùng có điều kiện để tiến tới tự nguyện góp đất canh tác và cùng với doanh nghiệp đầu tư thâm canh tăng năng suất và sản lượng cho từng loại cây trồng.

Ông Kiều Tuấn Kiệt, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh Tân Châu (huyện Tân Châu) cho biết, tổ mới đi vào hoạt động với diện tích liên kết ban đầu hơn 20 ha, với 4 hộ tham gia. Ông Kiệt cho biết, hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh đang phát triển cây bưởi da xanh theo hướng bền vững, đạt chứng nhận VietGAP, tạo ra sản phẩm chất lượng cung cấp cho thị trường và nhà máy chế biến.

Ông Kiệt chia sẻ, lúc đầu hoạt động, Tổ gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn cây giống và cách chăm sóc để tạo ra sản phẩm chất lượng. Chi phí đầu tư ban đầu cho vườn bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP không hề nhỏ (khoảng 700 - 800 triệu đồng/ha) nhưng vụ đầu tiên trái không đạt chất lượng. Ông Kiệt quyết tâm chăm sóc cho vườn bưởi hơn 4 ha của mình (ấp Thạnh Nghĩa, xã Thạnh Đông) và sau đó, trái bưởi vườn ông Kiệt đạt chất lượng ngoài mong đợi.

Theo ông Kiệt, ban đầu nhà vườn e ngại liên kết sản xuất và chưa mặn mà với việc sản xuất theo quy trình hữu cơ. Tuy nhiên, qua một thời gian, thấy có hiệu quả, Tổ liên kết đã vận động thêm nhiều người trồng bưởi theo hướng VietGAP nhằm nâng cao giá trị thương phẩm cho sản phẩm.

Tham gia chuỗi giá trị

Trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nếu không có chuỗi giá trị thì không có sản phẩm chất lượng tốt, từ đó cũng không giữ được thị trường. Mong muốn của người nông dân là được bao tiêu sản phẩm nhưng doanh nghiệp không đủ sức.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Sáu Như Một (thị trấn Tân Biên) đã trồng 50 ha bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP. Ông chỉ rõ, các doanh nghiệp trên thị trường cạnh tranh nhiều giá nên việc liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã không chặt chẽ, chỉ thoả thuận theo thời điểm. Ngoài ra, trái cây thu hoạch theo mùa và không bảo quản được lâu nên không thể ký kết hợp đồng lâu dài với nông dân, không bảo đảm tiêu thụ sản phẩm cho các đơn vị sản xuất được.

Ông Tĩnh cho biết thêm, nhu cầu bưởi da xanh rất lớn nhưng công ty vẫn chưa đáp ứng được. Công ty muốn có sản phẩm tồn tại trên thị trường thì cần tổ chức lại sản xuất, giữa doanh nghiệp và nông dân cần hợp tác chặt chẽ với nhau để tìm hướng đi lâu dài. Vì vậy, liên kết chuỗi giá trị là hết sức cần thiết trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Hoàng Phú Hậu, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu (xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành) cho biết, hiện HTX có 150 ha đất trồng lúa và 13 ha đất trồng rau màu theo hướng VietGAP. Đây là HTX duy nhất trong tỉnh được hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Ông Hậu cho biết, để nâng cao giá trị sản phẩm, ngay từ đầu hoạt động HTX đã nỗ lực liên kết sản xuất và kết nối cùng doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững. Tham gia chuỗi giá trị, các thành viên trong HTX rất phấn khởi bởi giảm đáng kể chi phí đầu vào, được bao tiêu sản phẩm, thu nhập tăng hơn 2 triệu đồng/ha so với cách sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Ông Hậu khẳng định, việc xây dựng mối liên kết bền chặt giữa nông dân với doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bởi chính sự liên kết này đã tạo ra chuỗi giá trị hàng hoá dồi dào và chất lượng trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về đất đai, lao động... ở địa phương, không những mang lại nguồn lợi lớn cho nông dân mà cho toàn xã hội.

Nông dân tưới dứa bằng công nghệ hiện đại.

Tăng tốc phát triển

Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, ngành nông nghiệp Tây Ninh đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và có những bước chuyển khá rõ nét trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ cấu sản xuất. Trong các chuyến thăm của lãnh đạo Trung ương, nông nghiệp luôn là một trong những vấn đề trọng tâm được đề cập, lưu ý. Các hành lang chính sách và sự ủng hộ từ Trung ương đã giúp tỉnh triển khai các chương trình đột phá ngày càng rõ nét và chắc chắn hơn. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để Tây Ninh có thể triển khai thắng lợi các mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là yếu tố then chốt để tạo ra sự đột phá, tăng tốc trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, mới đây, tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Nafoods Group về dự án phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái tại tỉnh Tây Ninh. Tỉnh và doanh nghiệp này cũng đã khảo sát 1.932 ha đất tại xã Suối Dây (Tân Châu) để chuẩn bị kế hoạch phát triển vùng cây ăn trái công nghệ cao.

Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua, toàn tỉnh đã thu hút 57 dự án đầu tư vào nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt và vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản với tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp đang đề xuất UBND tỉnh hình thành 18 vùng phát triển nông nghiệp, diện tích 17.048 ha. Từ đây đến năm 2021, tỉnh phấn đấu xây dựng 3 vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 500 ha đi vào hoạt động; quy hoạch tối thiểu 11 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên diện tích 4.000 ha.

Đồng thời, tỉnh đang rà soát 5 điểm đất công với diện tích 114,6 ha để xây dựng tiêu chí kêu gọi đầu tư thực hiện dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh cũng phấn đấu chuyển đổi phát triển các vùng nguyên liệu cây ăn trái với ít nhất 15.000 ha và 30.000 ha rau quả.

Từ những mục tiêu trên, tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành trong khu vực và một số thành phố lớn trong và ngoài nước để sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản là thế mạnh của tỉnh, nhất là sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Xem việc chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 là bước đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.

 NHI TRẦN

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục