Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Năm 2019:
Nông nghiệp huyện Dương Minh Châu khởi sắc
Thứ ba: 12:54 ngày 14/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những kết quả đã đạt được trong năm 2019 là tiền đề quan trọng để kinh tế nông nghiệp nông thôn huyện Dương Minh Châu tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, tạo động lực để huyện ngày càng phát triển.

Trang trại nuôi bò lấy phân khép kín tại xã Cầu Khởi.

Trong năm 2019, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hướng tới sản xuất hàng hoá theo yêu cầu của thị trường luôn được cấp uỷ, chính quyền huyện Dương Minh Châu ưu tiên thực hiện.

Hiện nay, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn được mở ra đã giúp cho huyện có điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện những chủ trương mới, đem lại cơ hội đổi thay cho bộ mặt nông thôn. 

Nhìn tổng thể năm 2019, nền kinh tế nông nghiệp của huyện Dương Minh Châu phát triển ổn định, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm là 28.979 ha, đạt 100,2% kế hoạch. Tổng đàn gia súc đạt 51.830 con, tăng 1.200 con so với cùng kỳ; đàn gia cầm đạt 636.800 con.

Tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 2.230 tấn, tăng 19,6%; sản lượng khai thác trong hồ Dầu Tiếng đạt 1.280 tấn, vượt 2,4% so với kế hoạch. Trong năm 2019, kinh tế nông nghiệp đã đóng góp trong tổng sản phẩm GRDP của huyện là 3.479 tỷ đồng, chiếm 27,9% giá trị kinh tế toàn huyện.

Ông Nguyễn Hoài Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trong năm, huyện quan tâm triển khai các đề án, dự án, các chương trình hỗ trợ của tỉnh, Trung ương đến với nông dân để góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho người dân trên địa bàn. Trong đó có hỗ trợ chuỗi giá trị sản xuất và các đề án khuyến nông, khuyến ngư hay các đề án hỗ trợ HTX sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong năm 2019, huyện Dương Minh Châu đã tập trung phát triển các cây trồng chủ lực của huyện, triển khai thực hiện chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng cây lương thực, cây hằng năm khác; luân canh 1 vụ mì hoặc rau, màu theo hướng giảm diện tích lúa 2 vụ, 3 vụ.

Tính đến nay, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện đạt khoảng 750 ha, chủ yếu luân canh, chuyển đổi cây trồng hằng năm kém hiệu quả sang cây ăn trái có giá trị cao trên địa bàn các xã Suối Ðá, Phan, Phước Ninh, Phước Minh, Lộc Ninh và Truông Mít.

Ông Ðặng Thủ Thừa - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện chia sẻ: “Dự kiến trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện sẽ tập trung chuyển đổi các vùng đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Trong đó, huyện sẽ tập trung đầu tư hạ tầng, các công trình đường giao thông nội đồng, thuỷ lợi, điện... để người dân từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, có điều kiện để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện”.

Ông Trần Văn Lộc (ngụ ấp Phước Hội, xã Phước Ninh) là một hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Năm 2017, ông Lộc đã chặt bỏ 10 ha cao su của gia đình để chuyển qua trồng bưởi da xanh theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Trong đó, các khâu tưới nước, bón phân đều được tự động hoá bằng máy. Sau hơn 2 năm chuyển đổi cây trồng, hiện nay vườn bưởi của ông Lộc phát triển khá tốt và đang bắt đầu cho trái.

Hiện nay, tại huyện Dương Minh Châu, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được các ngành, các cấp quan tâm, tập trung chỉ đạo nên đã có bước phát triển đáng kể và đem lại hiệu quả cao với diện tích trên 95.000m2 nhà lưới, sản xuất các loại rau ăn lá, rau ăn trái, dưa lưới…

Ông Phạm Văn Trung - Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp Chà Là cho hay, cây được trồng trong nhà lưới hạn chế được tác động tiêu cực của thời tiết, giảm được chi phí chăm sóc. Về lợi nhuận, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 60 triệu đồng/1.000m2”.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, năm 2019, huyện Dương Minh Châu tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học sang chăn nuôi quy mô trang trại, tập trung, bảo đảm an toàn sinh học. Hiện nay, toàn huyện có 65 trang trại chăn nuôi tập trung với 43 trang trại heo, 2 trang trại trâu bò, 21 trang trại gia cầm và 128 gia trại nhỏ lẻ. Công tác kiểm dịch trên địa bàn huyện được thực hiện đúng theo quy trình nhằm ngăn chặn kịp thời mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác.

Năm 2019, một số địa phương trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả heo châu phi, tuy nhiên, tại huyện Dương Minh Châu - do làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, nên toàn huyện chỉ xảy ra 1 ổ dịch và đã được khống chế kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.

Ông Nguyễn Hoài Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm, năm 2020, huyện sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chính như: quan tâm phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tiếp tục nhân rộng các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao; phối hợp với tỉnh để kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao; gắn kết nông nghiệp với du lịch, đặc biệt là các sản phẩm từ nông nghiệp để nâng cao giá trị chuỗi.

Những kết quả đã đạt được trong năm 2019 là tiền đề quan trọng để kinh tế nông nghiệp nông thôn huyện Dương Minh Châu tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, tạo động lực để huyện ngày càng phát triển.

Vũ Nguyệt

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục