Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI NÔNG DÂN TỈNH TÂY NINH KHOÁ IX, NHIỆM KỲ 2018 - 2023
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nhiều thay đổi tích cực
Thứ tư: 08:10 ngày 18/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kinh tế trang trại phát triển theo chiều sâu, hiệu quả được nâng cao. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ngày càng sâu rộng, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Một vườn gấc cho hiệu quả kinh tế khá cao ở Trảng Bàng.

Theo báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khoá VIII, trong 5 năm qua (giai đoạn từ năm 2013-2018), bộ mặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh có nhiều khởi sắc.

Kinh tế trang trại phát triển theo chiều sâu, hiệu quả được nâng cao. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ngày càng sâu rộng, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Tình hình nông dân ổn định, đời sống của hội viên, nông dân từng bước được nâng lên. Vai trò chủ thể nông dân đang dần được khẳng định trong tiến trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bộ mặt nông thôn có sự thay đổi đáng kể.

Trong nhiệm kỳ qua, đã có 10.523 hội viên được kết nạp, nâng tổng số hội viên trên toàn tỉnh hiện nay là 103.645 người. Toàn tỉnh hiện có 4.199 tổ, 548 chi hội, 95 cơ sở hội. Chất lượng hoạt động của các cơ sở, chi, tổ hội được nâng lên. Số cơ sở hội vững mạnh đạt 105,26% so với chỉ tiêu đại hội đề ra.

Các phong trào thi đua của Hội tiếp tục được phát động và thực hiện tích cực, lồng ghép vào các phong trào thi đua yêu nước, phong trào Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới.

Các cấp Hội tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, gắn hoạt động chính trị - xã hội với đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, có sức lan toả trong nhiều lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và dịch vụ nông nghiệp.

Từ đó, phong trào trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn, tạo động lực khuyến khích, động viên nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo.

 Qua các phong trào thi đua, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn nông dân tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chú trọng phát triển các loại cây trồng thế mạnh; tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ.

Bên cạnh đó, tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau cùng vươn lên thoát nghèo được cán bộ, hội viên nông dân thực hiện rất tích cực. Các cấp Hội còn phối hợp với doanh nghiệp cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo phương thức trả chậm, trị giá hơn 70 tỷ đồng, giúp nông dân có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HNDTW về tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 của TW hội, đến nay, các cấp Hội phối hợp các ngành vận động nông dân tham gia cứng hoá, nâng cấp và sửa chữa nhiều tuyến đường giao thông nông thôn; nạo vét kênh mương thoát nước; thu gom rác thải; hiến đất làm đường, góp tiền, ngày công...

Ðồng thời, các cấp Hội còn vận động hội viên nông dân đóng góp hàng trăm triệu đồng thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê”, xây dựng mới và sửa chữa cầu bê tông nông thôn.

Ðánh giá cuối nhiệm kỳ cho thấy, đa số các chỉ tiêu thi đua đạt và vượt so với nghị quyết Ðại hội đã đề ra. Những kết quả Hội đạt được trong nhiệm kỳ qua đã góp phần làm cho bộ mặt nông nghiệp, đời sống nông dân, nông thôn có nhiều thay đổi tích cực. Trong nhiệm kỳ, đã có 140 quần chúng ưu tú được giới thiệu, bồi dưỡng và được xem xét kết nạp Ðảng.

Trong nhiệm kỳ mới, các cấp Hội tiếp tục làm tốt vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân; đồng thời tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân.

Một số điển hình trong hoạt động phong trào

Bà Ðỗ Thị Diệp (huyện Dương Minh Châu) mỗi năm tặng 900 phần quà cho gia đình nghèo neo đơn, 20.000 quyển tập cho học sinh nghèo hiếu học, đóng góp xây dựng 7 căn nhà đại đoàn kết, đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ nông dân 5 triệu đồng và hằng năm tổ chức cho hơn 1.000 nông dân đi tham quan tại Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Ông Ðặng Văn Hùng (huyện Tân Biên) trồng 30 ha cao su, 10 ha mía và thuê thêm 40 ha để trồng mía - mì, mỗi ngày giải quyết việc làm cho 20 lao động trong vùng. Ông dùng phương tiện cơ giới của gia đình tu sửa 7km đường giao thông nông thôn; hằng năm đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ nông dân 10 triệu đồng và Quỹ “Vì người nghèo” của xã 29 triệu đồng.

Ông Khâu Kiến Sơn (huyện Tân Châu), với trang trại 100 ha cao su, đã tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động; xây 4 căn nhà cho hộ nghèo; hằng năm đóng góp hỗ trợ địa phương hàng chục triệu đồng.

Ông Trần Nuôi (huyện Tân Châu) với mô hình canh tác cao su - mía - mì - mãng cầu, doanh thu hằng năm khoảng 2,7 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho khoảng 30 lao động. Ông đã hiến đất và chi phí làm 600m đường giao thông nông thôn, xây tặng 3 nhà đại đoàn kết cho người nghèo, xây tặng 9 căn nhà đồng đội trị giá 200 triệu đồng; ủng hộ cho chương trình khuyến học, nạn nhân chất độc da cam trên 70 triệu đồng.

ÐÌNH CHUNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục