Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế
Thứ bảy: 08:42 ngày 24/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chăm lo và có nhiều chủ trương, chính sách lớn, xuyên suốt qua từng giai đoạn.

Nông dân sử dụng thiết bị bay không người lái để chăm sóc lúa.

Nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM); Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, trên cơ sở phát huy các lợi thế sẵn có, sản xuất nông nghiệp nước ta đã chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn, liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao.

Nhiều thành tựu quan trọng

Tại hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 6.2023, Tiến sĩ Trần Gia Long- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta vừa trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước.

Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành giai đoạn 2011-2020 đạt 2,93%/năm, năm 2021 đạt 3,27% và năm 2022 đạt 3,36%. Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển đổi theo hướng tăng nhanh công nghiệp và dịch vụ. Cả nước hiện có trên 7.500 cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản quy mô công nghiệp. Tỷ lệ nông sản chế biến xuất khẩu chiếm tới 45% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hoá, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2020 đạt 341,7 tỷ USD, bình quân đạt 34,17 tỷ USD/năm, tăng 5,38%/năm; năm 2022 đạt kết quả cao kỷ lục 53,53 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2021.

Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2011-2020 cả nước huy động 2.967.057 tỷ đồng (tương đương 134,8 tỷ USD), bình quân 13,46 tỷ USD/năm. Đến hết tháng 5.2023, cả nước có 6.014 xã đạt chuẩn NTM (73,24%); có 1.301 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 139 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 258 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (đạt 40%). Có 19 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, Trong đó, 4 tỉnh: Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Ứng dụng máy cấy vào sản xuất lúa.

Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hoá, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn 2010-2020 cả nước xây dựng mới và nâng cấp trên 206.743km đường giao thông, nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn cứng hoá lên 68,7%; trên 97% số xã có đường giao thông từ trụ sở xã đến UBND huyện được nhựa, cứng hoá.

Hệ thống thuỷ lợi được tiếp tục đầu tư, nâng cấp theo hướng đa mục tiêu. Cả nước hiện có 18.100 trạm bơm, có trên 80% diện tích đất sản xuất được tưới tiêu chủ động; tưới tiên tiến, tiết kiệm nước làm tăng hiệu quả sản xuất, tăng năng suất cây trồng. Hạ tầng nghề cá được quan tâm đầu tư, nâng cấp; có 65 cảng được công bố mở cảng với năng lực bốc dỡ 1,8 triệu tấn/năm; 59 cảng được chỉ định đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản khai thác; có 89 cảng cá được đầu tư và đang hoạt động.

Kinh tế hộ gia đình tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường và đang có sự chuyển dịch hiệu quả hơn. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn năm 2020 đạt 42 triệu đồng, tăng 4,56 lần so với năm 2008; hết năm 2022 đạt khoảng 47,2 triệu đồng/người/năm. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp còn dưới 1,8 lần. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm 1%-1,5%/năm. Phúc lợi xã hội và đời sống người nông dân được cải thiện.

Kinh tế trang trại ngày càng phát triển theo hướng quy mô, thực chất hơn, hết năm 2020 có trên 19.660 trang trại theo tiêu chí mới, với 4,5 lao động/trang trại, giá trị sản xuất trên 2,86 tỷ đồng/trang trại. Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, đến cuối năm 2022 có 94 Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp, gần 20.000 hợp tác xã nông nghiệp. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phát triển nhanh, hết năm 2022 có trên 15.300 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng 4,6 lần so năm 2011; nhiều doanh nghiệp trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường.

Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020

Theo Tiến sĩ Trần Gia Long, nông nghiệp, nông thôn của nước ta thời gian qua có những khó khăn, thách thức. Sự phát triển của các địa phương không đồng đều, trình độ dân trí, thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn nhiều nơi gặp khó khăn và còn chênh lệch lớn so với khu vực thành thị. Quá trình đô thị hoá phát triển mạnh, diện tích đất nông nghiệp thu hẹp nhanh, phát sinh nhiều vấn đề xã hội và tạo áp lực lên hạ tầng và công tác quản lý nhà nước ở khu vực nông thôn.

Trước bối cảnh và yêu cầu của thời kỳ mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đòi hỏi phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh thực chất, hiệu quả. Theo đó, đến năm 2030: Tăng trưởng GDP toàn ngành 3%/năm; năng suất lao động nông nghiệp tăng 5,5%-6%/năm; trên 90% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; giảm phát thải nhà kính trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái.

Để đạt được những mục tiêu trên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Gia Long, thời gian tới, ngành nông nghiệp và các địa phương cần triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các luật, nghị quyết, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vùng, khu vực sản xuất cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản cho phù hợp với tình hình thực tế, ổn định cung cầu.

Cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm, dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính...

Phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát triển giống bản địa có giá trị cao; có cơ chế phù hợp để thúc đẩy các viện, trường, doanh nghiệp nghiên cứu, chọn, tạo giống; nâng cao năng lực tự chủ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất vaccine, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị, vật tư nông nghiệp. Phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống kỹ thuật chuyên ngành thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, động vật, quản lý an toàn thực phẩm.

Minh Dương

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục