Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế 

Cập nhật ngày: 05/01/2024 - 23:55

BTN - Chiều 3.1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024

Nông dân thu hoạch lúa. Ảnh minh hoạ

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đồng chủ trì hội nghị. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT.

Tăng trưởng GDP nông nghiệp cao nhất trong 5 năm trở lại đây

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023 là năm thực hiện đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thuỷ sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng theo đúng định hướng tại Nghị quyết “tam nông” và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Sản lượng lúa 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thuỷ sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%; sản lượng gỗ khai thác 20,84 triệu mét khối, tăng 2,8%; lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó, một số mặt hàng tăng cao kỷ lục, như: rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân gạo ngon nhất thế giới; hạt điều 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%. Đặc biệt, Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả heo châu Phi.

Đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới. 20 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; có gần 20.500 HTX nông nghiệp và 19.660 trang trại.

Năm 2024, ngành NN&PTNT đặt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3-3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản khoảng 54-55 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới 82%.

Phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, bảo đảm chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

Thương lái thu mua lúa. Ảnh minh hoạ

Thủ tướng đặt mục tiêu tăng trưởng ngành cao hơn (khoảng 3,5%-4%)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu mà ngành nông nghiệp đã đạt được, đóng góp quan trọng vào kết quả chung khá toàn diện của cả nước trong năm 2023.

Vai trò, vị thế “trụ đỡ” của nông nghiệp ngày càng được khẳng định, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu cho tiêu dùng trong nước, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát (lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng hơn 33%, lớn nhất trong “rổ” hàng hoá tính CPI), góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, gia tăng xuất khẩu, giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân; thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm, nông dân thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững trong bối cảnh mới.

Thủ tướng đề nghị, năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành cao hơn (khoảng 3,5%-4%), xuất khẩu nông lâm thuỷ sản từ 55 tỷ USD trở lên…

Nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu trước hết, cần quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, thực hiện phương châm chỉ đạo, điều hành năm 2024 của Chính phủ là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.

Tập trung cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, coi đây là động lực mới, đòi hỏi khách quan, lựa chọn đúng đắn, ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại. Trước mắt, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho ngành nông nghiệp và phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, nhất là 3 quy hoạch lâm nghiệp; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; hệ thống cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cho tàu cá.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ để đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện hiệu quả chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Đẩy mạnh cơ giới hoá và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh, tự động hoá trong sản xuất nông nghiệp; chú trọng khâu chọn, tạo giống; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững, đồng thời, tập trung giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ “thẻ vàng IUU” trong năm 2024, ngăn chặn và xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép ở nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất trích lập Quỹ phát triển hạ tầng thuỷ sản để có thể tập hợp, huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng thuỷ sản.

Hoàn thành kế hoạch năm 2024 thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Chủ động chỉ đạo sản xuất và triển khai công tác phòng, chống thiên tai bảo đảm kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Xây dựng nông thôn mới phải đi đôi với tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn, tạo điều kiện nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá của từng vùng miền, gắn với đô thị hoá, tránh làm theo phong trào, hình thức, lãng phí.

Minh Dương