Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông nghiệp và sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu 

Cập nhật ngày: 25/03/2023 - 06:10

BTN - Nông nghiệp và sinh kế bền vững là một trong những lĩnh vực trọng tâm của nông thôn, được thực hiện thông qua các dự án tập trung can thiệp về nông nghiệp bền vững với các mô hình sản xuất nông nghiệp/ mô hình sinh kế thích ứng...

Sản phẩm cá lóc tươi đã qua sơ chế của Hợp tác xã Tràm Cát.

Sinh kế của người nông dân Việt Nam gắn liền với các hoạt động nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp hiện đại, với những hoạt động sinh kế bền vững sẽ giúp tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống cho người nông dân, là nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. 

Tuy nhiên hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở nước ta phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của nhiều mặt hàng còn thấp. Các hoạt động sinh kế trong nông nghiệp của người dân thiếu bền vững, thiếu sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, đời sống của đa số nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng được mùa mất giá, nông dân thường xuyên bị thua thiệt trên thị trường phản ánh kinh tế hộ tiểu nông riêng lẻ, manh mún đã và đang gặp trần giới hạn.

Nông nghiệp và sinh kế bền vững là một trong những lĩnh vực trọng tâm của nông thôn, được thực hiện thông qua các dự án tập trung can thiệp về nông nghiệp bền vững với các mô hình sản xuất nông nghiệp/ mô hình sinh kế thích ứng, có khả năng chống chịu, phục hồi với tác động của biến đổi khí hậu.

Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng nông thôn, đặc biệt là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ xoá đói, giảm nghèo; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; trao quyền cho cộng đồng địa phương để quản lý bền vững sinh kế và môi trường sống của chính họ.

Biến đổi khí hậu cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng nhóm người nông dân thường bị ảnh hưởng nặng nề và sớm nhất. Vì thế, sản xuất nông nghiệp nông thôn rất chú trọng để thử nghiệm và giới thiệu nhiều hình thức nông nghiệp có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, giúp ngăn chặn hoặc phục hồi việc xói mòn độ phì nhiêu của đất và bảo tồn việc sử dụng nước ngọt.

Bên cạnh đó, để bình ổn cuộc sống của nông dân đang bị tác động bởi hạn hán và ngập lụt, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đưa ra nội dung tập huấn về kỹ thuật và cung cấp thông tin dịch vụ cho nông dân khởi nghiệp, với các hoạt động tạo thu nhập thay thế như trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản tại Hợp tác xã Tràm Cát (xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng).

Việc thành lập mô hình hợp tác xã mới cho nông dân dựa vào những thế mạnh ngành nghề truyền thống và kinh nghiệm thị trường là một cách tiếp cận mới, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho người nông dân vì nó giảm thiểu chi phí sản xuất và tăng hiệu quả trong việc sử dụng nhân lực.

Vấn đề nông nghiệp b ền vững liên quan mật thiết đến nhu cầu ngày càng tăng đối với sản xuất thực phẩm dinh dưỡng và an toàn. Sự quan tâm ngày càng nhiều đến an toàn thực phẩm của nhóm những người khá giả ở các khu vực thành thị của Việt Nam thực sự tạo ra cơ hội sinh kế cho nông dân trong việc trồng trọt sản phẩm hữu cơ.

Việc triển khai mô hình tổ/nhóm nông dân liên kết sản xuất lúa giống ngắn ngày cho thấy, với những nhóm nông dân tham gia thí điểm trong các vụ khi thu hoạch, hạt giống được đánh giá đủ chất lượng làm giống đã có thể bán, trao đổi cho các đơn vị thu mua, các hộ dân ở địa phương và quanh vùng với mức giá cao hơn từ 1,2-2 lần so với lúa hàng hoá cùng loại. Các hộ tham gia thí điểm còn tiết kiệm được các chi phí thóc giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón do áp dụng quy trình sản xuất lúa giống.

K.Ph