BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông sản có giá, lao động nông thôn có thu nhập khá

Cập nhật ngày: 03/01/2010 - 05:46

Vụ thu hoạch nông sản 2009 – 2010, giá mía cây theo hợp đồng đầu tư, được các nhà máy thu mua tăng dần từ 550.000 đồng/tấn đầu vụ lên 770.000 đồng/ tấn vào những ngày đầu năm 2010. Người trồng mía giao sản phẩm còn được nhà máy “bao” chữ đường. Đối với mía không có hợp đồng thì được tính giá theo chữ đường thực tế. Giá mía tăng, giá nhân công thu hoạch (đốn mía, bó gọn chất lên xe vận chuyển) cũng tăng theo, hiện nay là 35.000 đồng/ tấn; bình quân một ngày công lao động có thu nhập từ 100.000 đến 120.000 đồng. Những rẫy mía khó đốn do cây mía đổ ngã, mía xấu, ở cách xa đường giao thông, người trồng mía phải trả thêm chi phí cho nhân công và vận chuyển nên lãi thấp hơn.

Giá củ mì tươi vào những ngày đầu năm 2010 một số cơ sở chế biến đã nâng giá thu mua lên đến 1.730 đồng/kg (mức giá kỷ lục từ trước tới nay). Tất nhiên giá công thu hoạch, vận chuyển cũng tăng theo giá bán củ mì. Những rẫy mì dễ nhổ (sạch cỏ, nhiều củ, nhẹ nhổ) giá công thu hoạch và chất lên xe là 70.000 đồng/ tấn, công vận chuyển và cân tương đương công thu hoạch (cự ly vận chuyển trong vòng 10 km).

Chị Nguyễn Thị Quý, ở ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá, DMC chỉ có 4 công (0,4 ha) mì, mà phải chạy vạy mấy ngày liền mới kêu được nhóm nhân công 9 người nhổ mì, thời gian lao động từ 5 giờ đến 10 giờ là hoàn tất, sản lượng thu hoạch được 13 tấn củ mì tươi, tính ra bình quân nhóm công, mỗi người có thu nhập hơn 100.000 đồng.

Thực tế cho thấy người sản xuất nhỏ lẻ, và không có ký hợp đồng với nhà máy chế biến thì việc kiếm công thu hoạch là rất khó, nhất là vào thời điểm chính vụ thu hoạch, nhiều khi tìm kiếm nhiều nơi vẫn không có người làm. Khi chạy kiếm được công thu hoạch, nhưng do mì quá xấu, đất nhiều cỏ khó nhổ, công đến nơi không chịu nhổ mì mà bỏ đi về. Người trồng mía cũng gặp hoàn cảnh như vậy, nếu mía quá xấu, hay bị đổ ngã, khó đốn, ắt sẽ bị nhân công “làm eo làm sách” buộc chủ phải đốt mía mới chịu đốn, bằng không “thà bỏ về nghỉ” chứ nhất định không đốn (thật ra là họ đi đốn đám mía khác, chứ đâu có ai ở không trong mùa lao động có giá này).

Thu hoạch mì tại Suối Đá.

Như tập quán từ trước đến nay, hầu hết người làm mướn đều tập hợp thành từng nhóm, do một người “đầu công” điều hành. Những người sản xuất với quy mô lớn thì có hẳn một đội “công ruột” có thể làm nhiều công việc khác nhau theo yêu cầu của chủ. Những lái mía, lái mì chuyên nghiệp cũng có hẳn những đội “công ruột” chuyên thu hoạch mía, hoặc mì cho lái, đội công này có thể được điều động đi lao động ở nhiều nơi trong vùng theo kết quả mua bán của thương lái. Những người lao động làm mướn trong nông nghiệp hiện nay cũng đã từng bước “chuyên môn hoá”, chỉ làm một nghề, lúc không có việc làm thì thà “ở không chơi cho khoẻ”, dứt khoát không làm việc khác.

Gia đình anh Nguyễn Văn T, ở Tân Định 1, Suối Đá, hai vợ chồng còn khá trẻ chưa có con, có nhà riêng và hơn 1.000 mét vuông đất, chỉ sống nhờ vào việc đến mùa vợ chồng cùng đi đốn mía; ngoài ra thời gian rỗi rảnh chỉ chơi bời, nhậu nhẹt, thậm chí… bài bạc, đến cọng rau, cây chuối cũng không trồng, đất để cỏ mọc hoang. Do vậy tuy thu nhập trong thời gian lao động thực tế là khá cao, nhưng chỉ có thời gian nhất định, mỗi năm chỉ có 3 đến 4 tháng lao động. Thời gian còn lại không lao động, đương nhiên là không có thu nhập, và làm gì là… tuỳ ý mỗi người.

Để giúp cho những người nghèo, không có đất đai, không có tay nghề ổn định, chỉ sống bằng làm mướn thời vụ, thì việc tạo ra việc làm để có thu nhập thường xuyên là điều quan trọng nhất. Do vậy, những người thích tạo ra thời gian “nông nhàn”, tự làm cho mình “thất nghiệp” như thế thật đáng chê trách.

NGUYỄN CÔNG DÂN


 
Liên kết hữu ích