BAOTAYNINH.VN trên Google News

Rác sinh hoạt vứt bừa bãi:

Nông thôn chưa dễ sạch đẹp

Cập nhật ngày: 10/07/2014 - 04:46

Một điểm rác tập trung trước đây ở ấp Thanh Phước nay đã được dọn sạch.

Hiện nay, bộ mặt nông thôn khắp nơi trong tỉnh đang ngày càng đổi khác với đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, khang trang hơn. Để có được điều này, nhiều địa phương khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng còn ra sức vận động người dân tham gia giữ gìn vệ sinh nơi ở, tạo vẻ mỹ quan cho khu dân cư.

Tại ấp Thanh Phước, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, xã đã thực hiện thí điểm Tổ vệ sinh, thường xuyên ra quân thu gom rác thải, làm sạch địa bàn. Thành viên Tổ vệ sinh chính là các nhân viên Ban quản lý ấp, các hội, đoàn thể địa phương. 

Theo ông Lâm Văn Đức, Trưởng ấp Thanh Phước, trước đây trên địa bàn tình trạng vệ sinh không tốt lắm khi người dân tự tiện ném rác bừa bãi. Trong ấp có tới 4 nơi chuyên tập trung rác rất mất vệ sinh và kém mỹ quan. Sau khi thực hiện chương trình nông thôn mới ấp vận động người dân sinh hoạt có nề nếp hơn. Hiện tại, hầu hết các hộ gia đình trong ấp đều có hợp đồng thu gom rác với Công ty Công trình đô thị, nhất là ở các tuyến đường “mặt tiền” với chi phí chỉ có 8.000 đồng/hộ/tháng, từ đó đã góp phần làm sạch sẽ đường làng, ngõ xóm.

Đối với các khu vực trong hẻm sâu, Ban quản lý yêu cầu người dân thực hiện xây hố để tự tiêu huỷ rác. Hiện địa phương đang chờ ngành chuyên môn cấp trên hướng dẫn kỹ thuật làm hố. Đồng thời, Ban quản lý ấp cũng thực hiện việc thu gom rác để làm gương, nhằm thay đổi dần ý thức của người dân. Đến nay, phần nào đã làm sạch đẹp hơn vùng nông thôn ấp Thanh Phước”.

Tại khu vực xóm nhà sàn ấp Thanh Phước, trước đây người dân thường đổ rác ra sông. Tuy nhiên, thói quen này đang dần thay đổi. Bà Thương, ngụ tổ 6, ấp Thanh Phước, cho biết, nhiều tháng qua bà tập thói quen bỏ rác vào bao sau khi sử dụng, sau vài ngày thì đem ra điểm tập trung thu gom.

 Tại xã Long Thành Trung, Hoà Thành- một xã điểm xây dựng nông thôn mới, ông Trần Phi Hùng, PCT UBND xã cho biết, tiêu chí môi trường ở xã đã được công nhận đạt năm 2013. Tại các ấp, người dân cam kết giữ gìn vệ sinh, rác thải sinh hoạt được hợp đồng thu gom với Công ty vệ sinh đô thị. Theo ông Hùng, do địa phương giáp với khu vực Thị trấn nên việc thực hiện hợp đồng thu gom rác không khó. Chỉ có khu vực ấp Long Trung do dân thưa nên việc hợp đồng thu gom rác còn hạn chế. Xã vận động người dân gìn giữ vệ sinh nơi ở cho phù hợp.

Tuy nhiên, ở một số vùng nông thôn, thói quen vứt rác sinh hoạt ra đường giao thông vẫn còn tồn tại, nhiều tuyến đường nông thôn vẫn còn tình trạng rác được thải ở lề đường, ngõ xóm gây mất mỹ quan. Theo ông Hồ Văn Hưng, Chủ tịch UBMTTQVN xã Thanh Điền, khu vực hai ấp Thanh Sơn và Thanh Hùng vẫn còn tình trạng vệ sinh kém, dù các tổ chức đoàn thể có thực hiện việc tuyên truyền. Rác sinh hoạt, rác chợ vẫn còn chưa được thu gom, xử lý triệt để. Nguyên nhân là do khu vực chợ tập trung rác nhiều, nhưng số lượng thải ra lớn hơn so với lượng được hợp đồng thu gom nên rác bị dồn ứ gây mất vệ sinh.

Một khó khăn khác là tình trạng “rác vãng lai”. Theo ông Lâm Văn Đức, trưởng ấp Thanh Phước, thừa lúc đêm tối, nhiều người ở khu vực khác lại mang rác sang khu vực lân cận để bỏ, khó kiểm soát được. Đây là vấn đề được nhiều địa phương đồng tình và chưa có cách giải quyết triệt để. Trên thực tế, các địa phương cũng có bắt và xử lý hành chính, công khai hoá một số vụ vứt rác bừa bãi nhưng số lượng vẫn còn quá ít, chưa đủ sức răn đe để có thể giữ sạch địa phương.

Thay đổi thói quen sinh hoạt là một việc không dễ làm, dù là việc nhỏ như xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày. Vì thế, đòi hỏi phải có quyết tâm của chính quyền, đoàn thể ở cơ sở và ý thức cao của mọi người dân.  

VI XUÂN