BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông thôn cũng mệt vì rác thải

Cập nhật ngày: 05/11/2009 - 11:05
HTML clipboard

Rác tràn xuống cả mương nước.

Trước đây, phần lớn rác thải ở nông thôn- chủ yếu là chất thải thực vật như lá cây, rơm rạ, thức ăn thừa… được người dân tận dụng chế biến thành chất đốt hay ngâm làm nước tưới, hoặc đem chôn, ủ mục để bón cây. Một phần rác thải có nguồn gốc hữu cơ dễ phân huỷ sinh học ở môi trường tự nhiên nên không khí ở nông thôn còn tương đối trong lành. Thêm vào đó, mật độ dân số ở nông thôn cũng còn thấp nên cũng ít gây ô nhiễm.

Thế nhưng, khi kinh tế phát triển, xí nghiệp, nhà máy đua nhau mọc lên đã làm ảnh hưởng không ít đến môi trường vùng nông thôn. Những thói quen của người dân như đốt rác đồng, gói đồ bằng lá chuối hay đựng hàng bằng mủng mẹt ngày xưa đã được thay thế bằng thói quen… vứt rác ra đường và dùng bọc ni lông để chứa đồ. Không có điểm tập kết rác, không công nhân vệ sinh dọn dẹp nên hầu hết kênh rạch, ao hồ, sông suối, ruộng nương lẫn lề đường đều có thể trở thành nơi đổ rác.

Bà Năm Lề- một người dân xã Hoà Thạnh (Châu Thành) thiệt thà cho biết: khu vực nhà bà ở không có ai đi thu gom rác cả, từ trước đến giờ mọi người xung quanh vẫn đem rác bỏ ở cái mương sau nhà. Giờ con mương bị lấp mất rồi, chắc mai mốt phải đem rác ra ruộng!  

Thực tế tại những bãi rác tự phát kể trên, không chỉ có rác sinh hoạt, bọc ni lông bẩn mà còn có cả xác động vật chết. Nhiều nhất là tại những con kênh, rạch nhỏ trong khu dân cư. Rác bẩn cộng với xác động vật nằm dưới nước, mưa hay nắng cũng đều bốc mùi hôi khủng khiếp. Bọc ni lông lại là chất rất khó phân huỷ nên càng dễ gây ứ đọng. Tình trạng vứt rác thải bừa bãi ra đường, ra chợ theo kiểu mạnh ai nấy vứt gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường đang ngày một trầm trọng ở nông thôn.

Một điều đáng lo ngại nữa là không chỉ có rác sinh hoạt, mà cả những loại rác mang tính chất độc hại như vỏ chai thuốc trừ sâu cũng bị vứt bừa bãi ngoài ruộng và dưới kênh mương. Nhiều vụ ngộ độc xảy ra, trong đó chủ yếu là ở trẻ em, do nghịch ngợm lượm vỏ chai thuốc về chơi.

Chị Hoàng Dung, quê ở Bến Cầu, giúp việc cho một gia đình ở Thị xã, kể: khi lập gia đình, chị theo chồng về quê ở Trảng Bàng, phụ giúp nhà chồng làm ruộng. Thói quen vứt vỏ chai thuốc lên bờ ruộng của chồng chị đã làm cho một em nhỏ trong xóm ngộ độc. Bé gái 6 tuổi, nhìn thấy vỏ chai thuỷ tinh đẹp mắt, cứ vô tư lượm lên, trút hết nước trong chai ra lòng bàn tay, đưa lên mũi ngửi. Chỉ một lúc sau, bé xây xẩm mặt mày rồi té xuống cạnh bờ ruộng. Vợ chồng chị vội chở bé ra bệnh viện huyện, sau đó chuyển đi thành phố, cũng may là còn giữ lại được mạng sống cho bé.

Nông thôn hiện nay còn phải đối diện với tình trạng ô nhiễm ngày càng cao do chất thải từ các nhà máy chế biến nông sản, các trang trại chăn nuôi heo và cả thói quen nuôi vịt thả đồng của người dân.

Có lẽ cần phải có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động tích cực hơn để bà con nông dân hiểu rõ tác hại của những thói quen không tốt trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt đã vô tình tiếp tay huỷ hoại môi trường.

Nâng cao ý thức vệ sinh môi trường cho mọi người, mọi nhà không chỉ góp phần bảo vệ cảnh quan xanh - sạch - đẹp mà còn vì mục tiêu quan trọng hơn là bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng.

Yên Khuê