BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông thôn: Không hiếm thực phẩm “quá đát”

Cập nhật ngày: 28/01/2011 - 12:32

Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) Thị xã đã tiến hành kiểm tra 134 cơ sở trong số 364 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Qua đó cho thấy có hơn 46,26% cơ sở được kiểm tra chưa đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP. Đoàn đã nhắc nhở, cảnh cáo, xử phạt, đồng thời  tiêu huỷ sản phẩm của một số cơ sở.

Cũng qua đợt kiểm tra, có một thực tế đáng chú ý: nhiều loại thực phẩm quá hạn sử dụng đang được tiêu thụ khá thoải mái ở thị trường nông thôn: từ chợ búa đến cửa hàng tạp hoá, ngay cả ở các cửa hàng lớn cũng có sản phẩm “quá đát”. Các loại hàng “quá đát” phổ biến nhất là nước giải khát, cà phê bột đóng gói, mì tôm… Ở một cửa hàng trên địa bàn xã Tân Bình, đoàn kiểm tra còn phát hiện những chai sữa đậu nành “quá đát” hơn… 2 năm.

Kiểm tra hạn sử dụng một số mặt hàng thực phẩm

Do tâm lý ham rẻ, nhiều người tiêu dùng ở khu vực nông thôn vẫn chưa quan tâm lắm đến chất lượng, thời hạn sử dụng sản phẩm. Tại một cửa hàng khá lớn, khi đoàn kiểm tra tịch thu một số bịch cà phê đóng gói đã hết hạn từ tháng 12.2010, một khách hàng vẫn tiếc rẻ: “Mới quá đát có mấy ngày thôi mà”.

Chỉ riêng ở các xã vùng ven Thị xã, đoàn kiểm tra đã tịch thu, tiêu huỷ hơn 300 chai và lon nước giải khát các loại. Thông thường, ở các vùng nông thôn, đặc biệt vùng sâu, vùng xa người tiêu dùng thường không có yêu cầu cao về chất lượng VSATTP. Vì thế, mức độ phổ biến của hàng “quá đát” còn cao hơn. Một trong những nguyên nhân ấy cũng là do sức mua ở khu vực nông thôn thường chậm, khiến nhiều loại thực phẩm tồn đọng trong thời gian dài.

Một lần gần đây, trên đường đi công tác, người viết bài này dừng chân uống nước ở một quán cóc nằm trên địa bàn xã Tân Đông (huyện Tân Châu). Chúng tôi không khỏi hết hồn khi thấy trên chai nước ngọt ghi hạn sử dụng là tháng 6.2010- nghĩa là đã quá hạn đến mấy tháng. Chủ quán cười xoà, trấn an: “không sao đâu”. Một số khách hàng có mặt tại quán tỏ ra… đồng tình với chủ quán, vì theo họ dùng hàng “quá đát” cũng có sao đâu (?). Tôi còn nhìn thấy ổ bánh mì ngọt Kinh Đô bày trong cái tủ kính để trước quán, bánh đã quá hạn dùng 2 ngày nhưng có người vẫn cứ thản nhiên mua.

Không ít người bán lý luận rằng: với các loại hàng đóng gói, có ghi rõ xuất xứ thì còn biết được hạn sử dụng, còn với những mặt hàng như bánh tráng me, cá khô, bún miến… thì làm sao biết được chúng có mặt trên thị trường từ khi nào mà tính thời hạn sử dụng! Thực ra không phải vậy, các mặt hàng thực phẩm như vừa kể được xếp chung vào nhóm “hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ” và nếu nghiêm chỉnh thực hiện theo quy định thì chúng cũng dễ bị... tịch thu. Vấn đề là nếu làm thẳng tay, coi như cơ quan chức năng phải… dọn luôn cả chợ.

Một chủ cửa hàng tạp hoá ở xã Ninh Điền (huyện Châu Thành) cho biết, đa số người dân nông thôn khi mua hàng thực phẩm đóng gói, đóng hộp, chủ yếu vẫn dựa trên mức độ phổ biến, quen thuộc của sản phẩm, hoặc dựa trên mẫu mã, bao bì chứ ít khi quan tâm đến hạn sử dụng. Cửa hàng này có một thùng mì tôm quá hạn sử dụng gần một tháng, chủ cửa hàng khuyến mãi giảm giá 10.000 đồng, thế là có người đồng ý mua ngay.

Hạn sử dụng (thường được ghi kèm trên bao bì sản phẩm) chính là cơ sở để người tiêu dùng biết được giới hạn thời gian sử dụng sản phẩm để đảm bảo sự an toàn. Sử dụng sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm mà không quan tâm đến hạn sử dụng chẳng khác nào xem rẻ sức khoẻ của bản thân và gia đình. 

H. KIÊM