Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Được sự giúp đỡ của cán bộ Đồn Biên phòng 855 và ông Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận TQVN xã Phước Chỉ, chúng tôi lại có dịp về thăm ấp Phước Mỹ (thường gọi là ấp A8), một ấp vùng sâu nằm sát biên giới của xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng. Trước đây ấp này hết sức khó khăn, cuộc sống người dân thiếu thốn đủ thứ: Thiếu đường giao thông, thiếu nước sạch, thiếu điện, thiếu thông tin liên lạc, thiếu nơi tập trung sinh hoạt, giải trí…

![]() |
Phước Mỹ nay đã có văn phòng ấp, có chỗ làm việc thuận tiện |
Được sự giúp đỡ của cán bộ Đồn Biên phòng 855 và ông Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận TQVN xã Phước Chỉ, chúng tôi lại có dịp về thăm ấp Phước Mỹ (thường gọi là ấp A8), một ấp vùng sâu nằm sát biên giới của xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng. Trước đây ấp này hết sức khó khăn, cuộc sống người dân thiếu thốn đủ thứ: Thiếu đường giao thông, thiếu nước sạch, thiếu điện, thiếu thông tin liên lạc, thiếu nơi tập trung sinh hoạt, giải trí… Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng, những năm gần đây Phước Mỹ từng bước đổi thay. Hiện nay, tuy vẫn còn hai khó khăn lớn là thiếu nước sạch, và hơn phân nửa hộ chưa có điện dùng, song ấp Phước Mỹ cũng đã có những nét đổi mới đáng mừng.
ĐưỜng giao thông thuẬn tiỆn, sẢn xuẤt hiỆu quẢ hơn
Đường bộ về ấp Phước Mỹ ngày nay khá thuận tiện. Tuy là đường đất xuyên qua những cánh đồng, những con kênh, nhưng nhờ được nâng cấp, và nhất là hoàn chỉnh những chiếc cầu, nên việc lưu thông đến ấp rất dễ dàng. Không chỉ xe gắn máy mà xe khách, xe tải cũng có thể vào đến tận khu dân cư tập trung của ấp. Bà con ở đây không còn phải băng đồng lội ruộng bằng đôi chân vào mùa nắng, hay phải chèo chống ghe xuồng vào mùa nước nổi mỗi khi cần đi đó đi đây. Trước kia mỗi lần có việc cần đến UBND xã bà con phải đi, về mất cả ngày. Vài năm nay, có đường bộ thuận tiện, phần đông bà con Phước Mỹ sắm xe gắn máy đi về rất nhanh, lo xong việc cũng chưa đầy một buổi. Hiện nay chỉ trừ 6 hộ nghèo chuẩn Trung ương, còn lại hầu như nhà nào cũng có xe gắn máy. Có nhà có hai, ba chiếc. Nhờ có con đường, bà con vận chuyển vật tư nông nghiệp về ấp thuận tiện hơn, nhanh hơn, chi phí rẻ hơn. Tất nhiên ruộng lúa tăng năng suất hơn mà giá thành thì hạ xuống. Cũng nhờ có đường giao thông thuận tiện, lái lúa đến với ấp Phước Mỹ nhiều hơn, nông dân đỡ bị ép giá vì những lý do: “đường vận chuyển khó quá, chi phí chuyên chở cao quá…” như trước đây nữa.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng ấp Phước Mỹ Đặng Thanh Hoà và Phó Trưởng ấp Hồ Văn Bưu cho biết, ấp Phước Mỹ có 72 hộ, với hơn 309 nhân khẩu. 98% hộ dân ở đây làm nghề nông và chỉ độc canh cây lúa. Hiện nay bà con trong ấp đã và đang thu hoạch lúa đông xuân. Nhìn chung bà con rất phấn khởi, vì lúa trúng vụ và bán được giá hơn vụ lúa mùa vừa rồi. Năng suất bình quân vụ này ở cánh đồng Phước Mỹ đạt từ 5 tấn đến 5,5 tấn/ha. Hiện nay (7.3.2007) nông dân Phước Mỹ bán lúa với giá 4.170 đồng/kg (lúa giống Trâu nằm). Trừ các chi phí nông dân còn lãi trung bình 10 triệu đồng/ha.
TrưỞng Ấp hiẾn đẤt làm văn phòng
Không như những lần trước, mỗi khi về thăm Phước Mỹ, chúng tôi phải trao đổi công việc ở nhà Trưởng ấp. Lần này chúng tôi ngồi làm việc với cán bộ ấp trong văn phòng vừa mới xây ngay bên trục lộ chính của ấp. Từ ngày lập ấp đến nay, Ban quản lý ấp mới có văn phòng làm việc. Văn phòng cũng đơn giản, mái tôn, nền gạch tàu, vách tường, với chi phí 20 triệu đồng, nhưng điều đáng nói hơn là đất xây dựng văn phòng do chính Trưởng ấp Đặng Thanh Hoà hiến cho Nhà nước. Phần đất anh Hoà hiến có diện tích 50 m2 (5 m x 10 m), trị giá trên 12 triệu đồng. Được hỏi, nếu như không làm trưởng ấp anh có hiến đất không? Trưởng ấp Đặng Thanh Hoà vui vẻ cho biết, nhu cầu xây dựng văn phòng là rất cần thiết nhưng ấp không có quỹ đất công, địa phương không có kinh phí mua đất, mà có kinh phí cũng chưa chắc mua được đất mặt tiền. Anh Hoà khẳng định dù có làm trưởng ấp hay không, anh vẫn sẵn sàng hiến đất. Trước đây, khi chưa làm trưởng ấp (anh Hoà mới làm Trưởng ấp từ tháng 11.2007) anh đã có ý định hiến đất rồi. Vậy là từ nay trở đi, cán bộ ấp Phước Mỹ có “trụ sở” làm việc khang trang. Bà con trong ấp mỗi khi có việc cần không phải đến nhà ông trưởng ấp, hay ông phó trưởng ấp nữa, mà đến ngay văn phòng làm việc. Khách đến quan hệ công tác liên hệ với lãnh đạo ấp cũng thuận lợi hơn. Đặc biệt văn phòng ấp Phước Mỹ không chỉ là nơi làm việc của cán bộ ấp, hay nơi nhân dân đến quan hệ công việc hành chính, mà đây còn là địa điểm thường xuyên lui tới của nhiều bà con trong ấp, với mục đích mở rộng kiến thức, nắm bắt thông tin thời sự… Vì trong văn phòng ấp này có cả một tủ sách mới, với nhiều loại sách tham khảo về trồng trọt, chăn nuôi, sách khoa học kỹ thuật rất bổ ích cho nông dân.
![]() |
Tủ sách ấp Phước Mỹ do cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 855 đóng góp ủng hộ |
Lính Biên phòng tẶng sách cho bà con
Tủ sách có khung bằng kim loại gắn kính, đặt bên một góc tường văn phòng ấp Phước Mỹ. Đại uý Tạ Ngọc Thuyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng 855 (xã Phước Chỉ) cho biết, để giúp bà con vùng biên giới phát triển kinh tế-văn hoá xã hội, đầu năm 2009, lãnh đạo Đồn vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp được 1 triệu đồng. Khi ấp Phước Mỹ xây dựng văn phòng ấp, lãnh đạo Đồn quyết định dùng số tiền đó đặt mua một chiếc tủ sách tặng cho bà con dân ấp. Tủ sách được Đồn Biên phòng bàn giao cho ấp ngày 25.2.2009. Cùng với tủ sách, Đồn Biên phòng còn tặng 54 quyển sách các loại. Đại uý Thuyên cho biết thêm, sắp tới Đồn sẽ “luân chuyển” sách từ tủ sách của Đồn cho tủ sách ấp Phước Mỹ để bà con có thêm nhiều loại sách tham khảo hơn. Trưởng ấp Đặng Thanh Hoà cho biết, từ khi có tủ sách đến nay bà con đến mượn sách về nhà xem rất đông. Người mượn sách ở nhiều độ tuổi khác nhau và chủ yếu mượn sách khoa học kỹ thuật, hướng dẫn trồng trọt…
Anh Hoà cho biết Ban Văn hoá-Thông tin xã cũng hứa sắp tới sẽ tạo điều kiện bổ sung cho tủ sách của ấp phong phú hơn. Trước nay ấp đã được cấp trên cấp các loại báo: Tây Ninh, Dân tộc; Biên Phòng; tạp chí An Ninh Thế Giới, nhưng do không có văn phòng, không có tủ sách, khi về xã nhận báo, trưởng ấp phải để ở nhà. Nay có tủ sách, các loại báo cũng được để trong tủ sách, bà con trong ấp mượn báo đọc, để nắm bắt thông tin.
Thế đấy, đời sống của bà con ấp Phước Mỹ hiện đang từng bước được nâng cao về vật chất lẫn tinh thần. Tuy vậy, ấp này vẫn còn bức xúc một nỗi khó khăn rất lớn là người dân thiếu nước sạch nghiêm trọng, nhất là vào mùa nắng. Đồng thời cũng còn một bộ phận nhân dân chưa có điện thắp sáng. Rất mong các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng tiếp tục quan tâm đầu tư cho ấp Phước Mỹ, trước hết là việc xây dựng trạm cấp nước sạch; rồi cũng cần đầu tư thêm đường điện để giúp cho mọi nhà ở ấp vùng sâu, sát biên giới này đều được sử dụng điện lưới quốc gia.
D.H