BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Nóng” tình trạng khai thác khoáng sản trái phép 

Cập nhật ngày: 28/06/2020 - 23:12

BTN - Ngoài việc huỷ hoại môi trường, việc khai thác khoáng sản trái phép còn gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Đó là chưa kể hành vi này đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh về giá cả đối với cá nhân và doanh nghiệp khai thác đất đúng quy định.

Mỏ đất khai thác trái phép của ông Đ tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành khi bị bắt quả tang (ảnh do lực lượng Công an cung cấp).

Báo cáo của UBND tỉnh về hoạt động khai thác khoáng sản năm 2019 cho biết, hoạt động khai thác khoáng sản ngày càng tinh vi; thường diễn ra vào các ngày thứ bảy và chủ nhật. Do địa bàn rộng, lực lượng làm công tác chuyên môn cấp huyện mỏng; công tác giám sát, báo cáo tại địa phương chưa kịp thời nên việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm còn gặp nhiều khó khăn.

Thời gian qua, các hoạt động khai thác khoáng sản- nhất là đất san lấp được tỉnh chú trọng, siết chặt công tác quản lý, các điều kiện khai thác để các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm nguồn thu từ hoạt động này cho ngân sách Nhà nước. Phần lớn các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở tỉnh chấp hành tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một vài cá nhân bất chấp các quy định pháp luật, cố tình khai thác trái phép, gây bức xúc cho người dân.

Một chủ doanh nghiệp khai thác khoáng sản lâu năm cho biết, để được cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản, doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian và chi phí xin thủ tục. Sau khi xin được chủ trương, phải thực hiện các biện pháp như khoan thăm dò, lập hồ sơ khai thác, báo cáo tác động môi trường, lập thủ tục thuê đất, đóng phí cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên…

Vì vậy khi có được giấy phép, doanh nghiệp luôn thực hiện đúng với quy định- nhất là về trữ lượng khai thác được cấp theo giấy phép, độ sâu khai thác. Nếu vi phạm, bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, doanh nghiệp có thể bị tạm đình chỉ, bị xử phạt, thậm chí thu hồi giấy phép.

Theo chủ doanh nghiệp này, nếu khai thác đúng theo giấy phép, doanh nghiệp vẫn có lãi nhưng không nhiều, chứ không như dư luận đồn thổi là lợi nhuận khổng lồ. Có chăng là một số cá nhân bất chấp quy định của pháp luật, khai thác mà không hề thực hiện thủ tục nào cả, họ chỉ đưa phương tiện máy móc vào hoạt động, không tốn chi phí.

Với giá đất san lấp, đất làm gạch hiện nay trên thị trường dao động khoảng từ 80.000 đến 85.000 đồng/m3, những người khai thác trái phép chỉ cần diện tích khoảng 1 ha, độ sâu khoảng 5m là đủ làm giàu. Thế nhưng không phải ai cũng “có gan” thực hiện, vì chỉ cần bị lực lượng chức năng phát hiện, không chỉ phương tiện bị tịch thu, mà còn có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phòng Cảnh sát môi trường- Công an tỉnh cho biết, mới đây, Phòng đã phát hiện 2 vụ khai thác khoáng sản trái phép có quy mô lớn. Cụ thể, vào ngày 13.6.2020, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành, UBND xã Ninh Điền kiểm tra, phát hiện và bắt quả tang một vụ khai thác đất trái phép xảy ta tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền.

Theo điều tra ban đầu, thửa đất khai thác trái phép là của ông N.T.Đ, ngụ phường 3, thành phố Tây Ninh. Tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, điểm khai thác có một xe cuốc đất dưới hầm đất và 1 xe tải ben vận chuyển đất đi để san lấp mặt bằng cho người dân tại xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. Trên thùng xe tải có khoảng 4m3 đất. Kết quả đo đạc của lực lượng chức năng, diện tích thửa đất khai thác khoáng sản trái phép hơn 9.700m2, độ sâu khoảng 5m.

Qua làm việc, ông Đ thừa nhận mua lại thửa đất trên của người khác và chính ông là người trực tiếp khai thác đất khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng. Phòng Cảnh sát môi trường đã tạm giữ phương tiện vi phạm và thuê đơn vị đo đạc để tính khối lượng khoáng sản mà ông Đ khai thác trái phép để làm cơ sở xử lý theo quy định pháp luật.

Gần đây nhất, Phòng Cảnh sát môi trường bắt quả tang một vụ hạ cấp đất trái phép xảy ra tại khu phố Ninh Phú, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh. Theo ghi nhận ban đầu, người vi phạm đã hạ cấp đất khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng rồi đưa số đất móc được đi tiêu thụ. Hiện vụ việc vẫn đang được Phòng xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.

Điểm tập kết đất do hạ cấp đất trái phép tại khu phố Ninh Phú, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh.

Trước đó, ngày 4.4.2020, qua công tác nắm địa bàn, Công an huyện Châu Thành phát hiện một vụ khai thác khoáng sản trái phép xảy ra tại ấp Bố Lớn, xã Hoà Hội, huyện Châu Thành. Ông N.V.N, ngụ xã Biên Giới, huyện Châu Thành đã khai thác khoáng sản trái phép tại thửa đất có diện tích khoảng 2 ha do ông đứng tên.

Tại thời điểm kiểm tra, thửa đất bị khai thác trái phép có diện tích khoảng 1 ha, độ sâu khoảng 0,5m so với hiện trạng ban đầu. Khối lượng đất mà ông N khai thác, ước tính khoảng 5.000m3. Công an huyện lập biên bản tạm giữ 1 xe cuốc và 1 xe tải là tang vật vi phạm để tiếp tục làm rõ. Quá trình điều tra, Công an huyện nhận thấy có dấu hiệu tội phạm nên đã chuyển vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an tỉnh tiếp tục xử lý.

Một cán bộ công tác trong lĩnh vực TN&MT cho rằng, phần lớn các cá nhân khai thác khoáng sản trái phép đều lợi dụng những khu vực xa dân cư, có nhiều mỏ có giấy phép đang hoạt động để “té nước theo mưa”.

Ngoài việc huỷ hoại môi trường, việc khai thác khoáng sản trái phép còn gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Đó là chưa kể hành vi này đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh về giá cả đối với cá nhân và doanh nghiệp khai thác đất đúng quy định. Nhưng vì sao có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” như vậy? Vì sao chính quyền địa phương không kịp thời phát hiện để xử lý mà phải đợi lực lượng chức năng vào cuộc? Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Nhóm Phóng viên Kinh tế