Nông trường cao su Suối Ngô: Nâng cao đời sống công nhân

Cập nhật ngày: 25/04/2010 - 05:10

Tây Ninh, cây cao su hiện là một trong những cây trồng “thế mạnh” của tỉnh. Thời gian gần đây giá cao su không ngừng tăng cao. Bước vào mùa thu hoạch mủ năm 2010, hiện nay có đơn vị thu mua tới 62.000đ/kg mủ khô.

Để tìm hiểu về đời sống những người công nhân đang ngày đêm dồn tâm, sức cho dòng “vàng trắng” tuôn chảy ở Công ty Cao su Tân Biên, chúng tôi đã đến thăm anh chị em công nhân ở Nông trường Cao su Suối Ngô, nơi xa xôi nhất về phía Bắc tỉnh Tây Ninh.

Tại Đội sản xuất số 3 của Nông trường Suối Ngô có 135 cán bộ, công nhân, trong đó bộ máy quản lý khá gọn nhẹ chỉ có 5 người, và 7 nhân viên bảo vệ; còn lại là 118 công nhân trực tiếp sản xuất, 5 công nhân dự bị. Trong 118 công nhân trực tiếp sản xuất có 60 phụ nữ, hầu hết đã lập gia đình, chỉ có 4 cô gái trẻ chưa chồng, đa số đã có nhà ở riêng. Công nhân ở đây có quê quán từ mọi miền đất nước, người cao tuổi nhất trên dưới 50, trẻ nhất 19 tuổi, tất cả đều được học qua lớp kỹ thuật chăm sóc và cạo mủ cao su do Công ty hoặc trường của Tập đoàn Cao su VN đào tạo. Mỗi công nhân được nhận khoán một diện tích vườn cây nhất định với số lượng từ 350 đến 500 cây cao su, tuỳ theo địa hình và mật độ cây trồng. Các công đoạn khoán được khép kín từ chăm sóc, chống cháy, làm cỏ, bón phân đến cạo mủ… theo quy trình thống nhất, dưới sự hướng dẫn, quản lý chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật. Hầu hết công nhân nhận khoán đều phải nhờ thêm vào sự giúp công lao động của gia đình (chồng, vợ, con) mới hoàn tất các công đoạn, nhất là công đoạn cạo mủ, phải huy động người thân giúp việc mới cho thu hoạch cao và tránh thất thoát mủ do thời tiết mưa bất chợt.

Anh Vi Văn Kiên (trái) đang giao sản phẩm cho BQL Đội 3

Để có năng suất mủ cao, có công nhân phải ra vườn cạo mủ từ lúc 2 - 3 giờ sáng, liên tục lao động không nghỉ cho đến 8 - 9 giờ sáng mới xong việc. Những công nhân có sức khoẻ, lao động chuyên cần, có thêm người thân giúp đỡ, và nhận khoán ở lô cây đang “sung” (cho sản lượng mủ cao), có thể đạt thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng. Ngoài thu nhập chính, công nhân còn được hưởng thêm mức phụ cấp độc hại hạng 4, hoặc hạng 5, và được trả thêm 5.000 đến 6.000 đồng/ngày. Số tiền này tập thể công nhân thống nhất để lại Đội tổ chức nấu bữa ăn sáng cho anh em. Bên cạnh đó, trong thời gian thu hoạch mủ, Công ty hỗ trợ thêm mỗi công nhân một bữa ăn trưa tại chỗ, cũng do Đội tổ chức nấu phục vụ. Các loại trang bị bảo hộ lao động, dụng cụ lao động được cấp phát đầy đủ, kịp thời; bảo hiểm y tế được cấp ngay từ đầu năm; bảo hiểm xã hội Công ty luôn đóng đúng, đủ, không để nợ. Công nhân nào đau bệnh phải nghỉ lao động trong thời gian điều trị cũng được chi trả theo mức lương tối thiểu hiện hành. Những công nhân dự bị, nếu không có việc làm cũng được cấp theo mức lương tối thiểu.

Anh Vi Văn Kiên, 34 tuổi, quê Bắc Giang, được người thân giới thiệu, đã đưa vợ và 2 con nhỏ, vào xin làm công nhân Đội 3 từ năm 2004 cho biết: “Tôi làm công nhân, vợ tôi phụ giúp, hằng tháng gia đình thu nhập hơn 7 triệu đồng. Hiện tôi đã mua được đất, xây được nhà ở, vì vậy gia đình tôi luôn gắn bó với Nông trường, với cây cao su ở đây. Tất cả anh em công nhân ở Đội này đều yên tâm lao động sản xuất, nhiều người có cuộc sống khá sung túc, đầy đủ tiện nghi”. Để giảm bớt thời gian và công sức quét lá cao su, hầu hết công nhân đã tự mua máy “thổi lá” cải tiến từ máy cắt cỏ xách tay, với giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Nhờ có máy, thời gian quét lá cho diện tích nhận khoán của mỗi công nhân từ 3 ngày rút xuống chỉ còn 1 buổi sáng là xong.

Ngoài thời gian lao động, công nhân được tạo điều kiện vui chơi thể thao, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn. Đội 3 cũng như các đội khác thuộc nông trường được trang bị một dàn karaoke công cộng cho anh em ca hát, thư giãn. Hằng năm, nông trường, công ty đều tổ chức các hội thao, hội diễn, hội thi, thu hút anh em công nhân các đội tham gia. Ông Lê Hùng Phương, Đội phó Đội 3 khẳng định: “Nông trường và Công ty rất quan tâm, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ công nhân, ngoài những chế độ do Nhà nước quy định, công nhân còn được hưởng lợi từ quỹ phúc lợi của đơn vị. Hằng năm, Công đoàn tổ chức xét thưởng thường xuyên, thưởng đột xuất, xét cho đi tham quan, nghỉ mát trong nước, kể cả ở nước ngoài”.

Sản xuất phát triển, hiệu quả kinh doanh cao, đời sống công nhân ở công ty, các nông trường cao su được đảm bảo, nâng cao. Tuy nhiên hiện nay anh em công nhân ở Đội 3 Nông trường Suối Ngô còn gặp khó khăn là không có nguồn nước sinh hoạt, hằng ngày Nông trường phải dùng xe bồn chở nước từ nơi khác đến, vì giếng khoan ở đây nhiễm phèn rất nặng, hệ thống cấp nước thì quá xa chưa làm được. 

Cao su là một trong những cây công nghiệp thế mạnh của nhiều địa phương, miền Đông Nam bộ, trong đó có Tây Ninh; ngoài giá trị kinh tế còn nhiều giá trị khác như tăng độ che phủ, chống xói mòn, điều hoà môi trường… và cũng là cây trồng thu hút lao động, tạo việc làm cho một lực lượng không nhỏ, nhất là thanh niên nông thôn hiện nay.

NGUYỄN KHẮC LUÂN


Liên kết hữu ích