BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông trường mía Thành Long: Cần có biện pháp xử lý kiên quyết để không bỏ hoang hơn 53 ha đất

Cập nhật ngày: 16/06/2009 - 12:34

Hom mía đã đặt theo hàng nhưng không lấp được

Nông trường mía Thành Long hình thành từ năm 1998 thuộc xã Thành Long, huyện Châu Thành, là đơn vị trực thuộc Công ty CP đường Biên Hoà, chuyên sản xuất mía nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy đường Biên Hoà. Vài năm gần đây, trên đất Nông trường đã trồng mía có một số hộ dân đến tranh chấp gay gắt, gây khó khăn trong việc sản xuất. Năm 2009, các hộ dân này tiếp tục cản trở không cho Nông trường trồng mía- mặc dù vụ việc đã được đưa xét xử tại toà án.

Hiện tại ở Nông trường mía Thành Long có hơn 53 ha đất đang bị bỏ hoang. Trong đó có một số diện tích nông trường không tiến hành cày được. Một số diện tích đã cày được thì không xuống giống được. Cũng có một số diện tích đã cày, đã đặt hom nhưng… không lấp hom được, có một số hom mía bị lấy lên vứt bỏ. Ngoài số đất bị bỏ hoang có diện tích không nhỏ, Nông trường còn bị thiệt hại hàng chục triệu đồng tiền chi phí sản xuất bị phá bỏ. Nguyên nhân khiến đất bỏ hoang là do một số hộ dân đến tranh cản gay gắt. Ban giám đốc Nông trường cho biết khi bị cản trở sản xuất, nông trường có báo địa phương đến can thiệp, nhưng khi lực lượng địa phương về thì số hộ dân này tiếp tục cản trở. Ban giám đốc Nông trường đã có văn bản báo cáo chính quyền huyện Châu Thành và xã Thành Long và đề nghị hỗ trợ để Nông trường tiếp tục sản xuất, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hộ đang cản trở sản xuất.

Nông trường Thành Long thuộc Công ty đường Biên Hoà, được UBND tỉnh ra quyết định giao đất khai thác trồng mía từ năm 1996. Năm 1998, UBND tỉnh ra quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty đường Biên Hoà với diện tích 960 ha dọc biên giới Việt Nam- Campuchia. Công ty đường Biên Hoà lập phương án đền bù, được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó đất công còn hoang hoá không được bồi thường. Có một số hộ dân không đồng tình, khiếu nại đến cơ quan chức năng. Năm 1999, Thanh tra Nhà nước tỉnh có văn bản báo cáo UBND tỉnh về việc khiếu nại này, trong đó xác định nguồn gốc đất các hộ khiếu nại là đất Nhà nước còn bỏ hoang trước khi có Quyết định của UBND tỉnh giao cho Công ty đường Biên Hoà. Sau khi có quyết định giao đất, một số hộ đến tự động khai phá và tự động đến đội thuế kê khai nộp thuế với mục đích lấy đó làm cơ sở khiếu nại. Thanh tra Nhà nước tỉnh kiến nghị UBND tỉnh có văn bản trả lời các hộ để chấm dứt khiếu nại, đồng thời chỉ đạo UBND huyện Châu Thành tổ chức giao đất cho Công ty đường Biên Hoà sử dụng đúng quy định của pháp luật. Đầu năm 2000, UBND tỉnh có văn bản trả lời bác đơn khiếu nại vì đây là đất công bị bao chiếm sau khi có quyết định giao đất cho Công ty đường Biên Hoà, đồng thời còn lấy giấy đóng thuế ở vị trí đất khác đòi bồi thường ở vị trí đất khiếu nại. Tháng 7 năm 2000, các hộ khiếu nại làm bảng đề nghị Công ty đường Biên Hoà trả tiền công khai phá 2 triệu đồng cho mỗi ha. Theo phương án thì đối với dạng đất này không bồi thường, tuy nhiên để “thuận thảo” đôi bên, Công ty đồng ý hỗ trợ theo yêu cầu của các hộ khiếu nại. Tháng 10 năm 2000, Công ty tiến hành chi tiền hỗ trợ. Mọi chuyện khiếu nại đã được thoả thuận giải quyết êm thấm vào cuối năm 2000 và Nông trường Thành Long tiến hành xây dựng hạ tầng, cải tạo đồng ruộng để trồng mía.

Thế nhưng sau đó 7 năm- năm 2007, trong số các hộ đã đề nghị và đã nhận tiền hỗ trợ trước đây, có 9 hộ bỗng dưng quay lại tranh chấp đòi lại đất trên các diện tích đã được khẳng định là đất công, hoang hoá trước khi có Quyết định giao đất cho Công ty đường Biên Hoà. Sau nhiều lần họp dân khiếu nại hoà giải không thành, vụ việc được đưa ra toà án xét xử. Tháng 9 năm 2008, Toà án nhân dân huyện Châu Thành quyết định cho Công ty CP đường Biên Hoà được quyền tiếp tục sử dụng diện tích đất này, đồng thời buộc các hộ cản trở sản xuất gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại cho Công ty CP đường Biên Hoà. Các hộ tranh chấp không đồng tình quyết định của Toà án nhân dân huyện Châu Thành, kháng cáo lên TAND tỉnh Tây Ninh. Tháng 2.2009, TAND tỉnh xét xử quyết định không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các hộ, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện Châu Thành.

Như vậy, về pháp lý vụ tranh chấp đất ở Nông trường Thành Long coi như đã giải quyết dứt điểm. Tháng 4 năm 2009, Thi hành án dân sự huyện Châu Thành ra quyết định buộc các hộ cản trở sản xuất gây thiệt hại phải bồi thường tiền cho Công ty CP đường Biên Hoà. Tuy nhiên thực tế thì vẫn chưa dứt điểm, bởi vì các hộ tranh chấp chẳng những không chấp hành quyết định của toà án, không thực hiện quyết định thi hành án dân dự mà còn gay gắt hơn trong việc cản trở sản xuất. Hậu quả là đến nay, hơn 53 ha đất tranh chấp mà trước đây đã chi tiền hỗ trợ, nay đã được cơ quan luật pháp giải quyết, vẫn còn bị bỏ hoang. Đây là sự lãng phí tài nguyên đất đai không nhỏ.

Về phía chính quyền địa phương thì sao? Ông Nguyễn Văn Chủng- Phó Chủ tịch UBND xã Thành Long cũng khẳng định việc tranh chấp đất ở Nông trường Thành Long của 9 hộ dân là hoàn toàn sai. Trong thời gian qua, lãnh đạo xã đã cử lực lượng tham gia bảo vệ và giữ gìn trật tự khu vực đất tranh chấp, đồng thời cử cán bộ đoàn thể đến giải thích, vận động các hộ tranh chấp thực hiện đúng quy định của pháp luật. Nếu các hộ vẫn cố tình không chấp hành thì biện pháp cuối cùng là đề nghị cưỡng chế. Ông Nguyễn Quốc Dũng- Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết là lãnh đạo huyện cũng hết sức mong muốn các hộ tranh chấp đất sai pháp luật ở Nông trường Thành Long tự nguyện chấp hành quyết định của toà án. Tuy nhiên, nếu như các hộ vẫn cố tình không thực hiện theo quy định thì huyện sẽ kiên quyết cưỡng chế để tránh tình trạng “lây lan” tranh chấp đất đai không đúng quy định của pháp luật.

Sơn TrẦn