Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
NSƯT Lệ Thuỷ: Nửa thế kỷ vẹn tình với người mộ điệu
Chủ nhật: 12:17 ngày 20/06/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với chị, người nghệ sĩ đã có sự thành đạt rực rỡ, có lẽ sẽ khó mà nhớ hết những nhân vật mình đã nhập vai. Và tất nhiên, chị làm sao biết hết hàng triệu người hâm mộ mình suốt nửa thế kỷ qua…

Nghệ sĩ Lệ Thuỷ.

Nghe tin nghệ sĩ Lệ Thuỷ cùng với đoàn công tác từ thiện Hiệp hội Du lịch TP.HCM đến tặng quà cho học sinh nghèo xã Trường Đông (Hoà Thành) ngày 17.6.2010, dù rất bề bộn công việc tôi cũng gác hết mọi chuyện qua một bên để đến gặp chị, người nghệ sĩ cải lương tôi hâm mộ từ thuở bé, hơn 40 năm trước, qua những bản vọng cổ thu “dĩa đá” gom cả tình đời, đi vào lòng người và ghi lại đấy những ấn tượng đẹp đẽ không bao giờ phai.

Tôi phải kể lể dài dòng như thế bởi như những người thuộc thế hệ 5x, loại hình nghệ thuật cải lương với điệu vọng cổ đã ngấm vào máu thịt trong tôi, cho dù cả cuộc đời mình không có hoạt động gì “dính” đến lĩnh vực nghệ thuật. Bởi vì những bài vọng cổ “sáu câu” đầy tính nhân văn do nhạc sĩ Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu và nhiều tác giả khác, hay những vở cải lương, những bài ca cổ thuộc loại “hàn lâm” của các tác giả Hà Triều, Hoa Phượng… do chị Lệ Thuỷ thể hiện, hoá thân, nhập vai đưa tôi vào thế giới cổ tích, thế giới của những nhân vật trọng nghĩa khinh tài, những tấm lòng thuỷ chung son sắt như những bài: “Cô gái bán đèn hoa giấy”, “Cô hàng chè tươi”, “Nấu bánh đêm xuân”…, “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”, “Lâm Sanh-Xuân Nương”, “Lưu Bình-Dương Lễ”… hay những vai diễn “để đời” của chị trong các vở tuồng “Tô Ánh Nguyệt”, “Đời cô Lựu”, “Kiếp chồng chung”, “Áo cưới trước cổng chùa”, “Cây sầu riêng trổ bông”… Nghệ sĩ Lệ Thuỷ bằng lời ca tiếng hát đã gieo vào lòng tôi những tình cảm thanh sạch, yêu chính nghĩa, khiến tôi ghét đắng, ghét cay chế độ phong kiến… khiến tôi thấy không thể nào chấp nhận những cảnh mẹ ghẻ hành hạ con chồng, vợ chồng không chung thuỷ, cha con xung khắc, huynh đệ tương tàn… Cho đến bây giờ, trong tôi vẫn còn ấn tượng về cảnh đời côi cút, bất hạnh của Nghi Xuân-Tấn Lực, vẫn còn nhớ cảm giác thương xót người vợ thuỷ chung, người con dâu hiếu thảo tên Xuân Nương, hay căm hận kẻ bất nghĩa như Lý Thông… hồi ấy. Những tình cảm đã hình thành trong tôi qua lời ca ngọt ngào, giọng “kim pha thổ” của nghệ sĩ Lệ Thuỷ.

Với chị, người nghệ sĩ đã có sự thành đạt rực rỡ, có lẽ sẽ khó mà nhớ hết những nhân vật mình đã nhập vai. Và tất nhiên, chị làm sao biết hết hàng triệu người hâm mộ mình suốt nửa thế kỷ qua. Có điều chắc chắn, chị cũng như những nghệ sĩ chân chính khác biết rất rõ họ đã đem đến cho khán, thính giả điều gì và nhận lại điều gì từ những người họ đã trải lòng ra để phục vụ cả cuộc đời.

10 giờ 30 phút ngày 17.6, đoàn công tác từ thiện có Nghệ sĩ ưu tú Lệ Thuỷ tham gia đã đến Trường Đông. Người mang, kẻ vác những phần quà gồm gạo, sách vở, tập viết từ xe ô tô chuyển vào hội trường Uỷ ban xã. Đoàn chỉ hơn 10 người, tôi cố gắng căng mắt tìm nhưng thật lâu mới nhận ra chị vì chị không giống với hình ảnh thường thấy trên sân khấu. Trước mắt tôi là một phụ nữ đứng tuổi, rất đơn giản trong cách ăn mặc, đi đứng. Chị cũng bình thường như bao người phụ nữ khác trong cuộc sống đời thường, không có gì gọi là kiêu kỳ, thật là ngoài sự suy nghĩ, tưởng tượng của tôi.

Nghệ sĩ Lệ Thuỷ (đứng thứ ba từ trái sang)

Xong việc trao quà cho các em học sinh xã Trường Đông, đoàn còn đi trao nhà tình thương cho một hộ nghèo ở ấp Trường Ân. Tôi nghĩ, có lẽ vì từng trải qua quãng đời thơ ấu rất long đong, thậm chí từng không có lấy tấm khai sinh để đi học nên nghệ sĩ Lệ Thuỷ đã rất đồng cảm với những mảnh đời tuổi thơ cơ cực. Rất nhiều tài liệu, sách báo viết về nghệ sĩ Lệ Thuỷ cho biết, chị sinh năm 1948 ở Vĩnh Long, mới lên 10 tuổi đã phải đi phụ việc cho một gánh hát tận Biên Hoà, Đồng Nai để giúp đỡ gia đình. Thế rồi, nhờ có chất giọng thiên phú và năng khiếu diễn xuất, mười lăm tuổi Lệ Thuỷ đã là đào chính của đoàn Kim Chung, một đại bang có tới 7 đoàn hát. Hai năm sau chị đã đoạt giải Thanh Tâm - giải thưởng danh giá nhất của cải lương miền Nam bấy giờ. Sau giải phóng 30.4.1975, nghệ sĩ Lệ Thuỷ tiếp tục phục vụ khán giả qua các đoàn Văn công Giải phóng, Sài Gòn 3, nhà hát Trần Hữu Trang. Chị đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Bây giờ đã 63 tuổi, nghệ sĩ Lệ Thuỷ vẫn còn nguyên chất giọng ngọt ngào, nét diễn tài hoa. Chị hợp tác với nghệ sĩ Minh Vương tạo sân chơi cho các tài năng vang bóng một thời và mãi mãi.

NHÃ KHÁNH

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục