Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chuyện nữ công gia chánh- không hề là chuyện “xưa như trái đất” như nhiều bạn gái vẫn nghĩ.

![]() |
Dạo quanh các trung tâm văn hoá từ huyện đến tỉnh hình như nơi nào cũng tràn ngập những lớp học được mở hàng tuần như khiêu vũ, thể dục nhịp điệu, quần vợt, bơi lội, thể dục thẫm mỹ… nhưng lớp học về nữ công gia chánh thì vắng bặt. Môn học này không có học viên hay trong thời đại kỹ thuật số người ta đã quen nghĩ: chỉ việc “bấm số” là có ngay cơm ngon, canh ngọt?
Ngọc Diệu 22 tuổi, thợ may, đã có người đi “coi mắt” nhưng cô bảo rằng thấy mình chưa sẵn sàng cho một gia đình nhỏ, bởi cô không biết… nấu ăn. Ngoài việc cắm nồi cơm điện, Diệu không biết làm món ăn nào cả- trừ món mì tôm chế nước sôi! Diệu bày tỏ: “Em không biết có nơi nào dạy nấu ăn không? Em mồ côi từ nhỏ, sống với dì, dì cưng nên không cho làm gì cả, học chữ xong thì học nghề. Cơm nước, chén bát đã có dì lo hết. Bây giờ lấy chồng thì biết làm sao?”.
Còn cô bạn Thuý Hà, 24 tuổi, làm nghề buôn bán thì chuyện cắm nồi cơm điện cô cũng chẳng mấy khi làm! Suốt ngày cắm mũi vào hàng hoá và sổ sách, cơm mẹ nấu, nếu không thì “alô” là có ngay hộp cơm thơm phức. Hà nói, cô cũng biết “đường vào tình yêu phải đi qua bao tử” và người yêu cũng đôi lần đặt vấn đề cưới hỏi nhưng Hà cứ chần chừ với lý do “Cho em làm thêm phụ mẹ vài năm nữa đi anh. Với lại em không biết… nấu ăn đâu nhé!”- “Không biết nấu thì đi ăn cơm tiệm”- người yêu của Hà dễ dãi. Nhưng Hà vẫn băn khoăn: “Bây giờ phải có lớp nữ công gia chánh nào đó thì hay biết mấy. Em bận buôn bán suốt ngày, lớp mở ban đêm càng tốt, ráng theo học vài tháng để… lấy chồng, chứ không lẽ để người ta chờ mình hoài vì lý do không biết nấu ăn? Mà vợ chồng cũng không thể đi ăm cơm tiệm hoài được”.
Tệ hơn cả là Thuỳ Lan, 28 tuổi chưa biết nấu ăn là gì! Lan là nhân viên văn phòng, sáng mang laptop đi, trưa gọi cơm hộp mang tận phòng, việc chuyên môn luôn đạt loại giỏi, chuyện “trên trăng- dưới nước” cũng không ai bằng, kiến thức trong đầu Lan nếu có đi thi game show ắt đạt toàn giải nhất! Nhưng chuyện nấu ăn thì cô nàng mù tịt. Lan không biết canh chua nên ăn với món gì, không biết súp xương nên dùng với nước nước mắm mặn hay nước mắm chua ngọt mới hợp, thế bao lâu ăn cơm hộp người ta bán, sao không để ý? Lan đáp: “Ai mà biết, cứ xúc vào miệng cho no bụng chứ mắt bận dán vào màn hình, có chú ý gì nó đâu. Mà đường nào không về La Mã hơi đâu bày đặt đòi hỏi này nọ”. Ừ, đường nào mà không về La Mã, nhưng đường rộng, đường hẹp, đường bằng phẳng hay toàn ổ voi, ổ gà sao Lan không tính? Vậy nên dù “hai đời bồ” đã “vẫy tay chào nhau” vì lý do Lan không thích lo việc nhà, việc nấu ăn, Lan vẫn chưa ngán: “Các lão ấy thật vẽ chuyện. Thì cứ làm thật nhiều tiền đi, nhà có đầy đủ máy móc. Đi làm về quăng quần áo vào máy giặt, chén bát vào máy rửa, nhà cửa dùng máy hút bụi là xong. Còn cơm thì alô ra quán là thứ gì chẳng có!”. Đúng là thứ gì Lan cũng có thể có, chỉ tình yêu là ra đi.
Vòng vo tam quốc để thấy rằng dù thời đại có phát triển tới đâu, tâm lý con người có thoáng đến mức nào thì đa số các chàng trai vẫn mong bạn gái mình- tức bạn đời tương lai phải biết làm cho bếp nhà đỏ lửa.
Chuyện nữ công gia chánh- không hề là chuyện “xưa như trái đất” như nhiều bạn gái vẫn nghĩ.
HOÀNG THUỴ