BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nụ cười năm ấy

Cập nhật ngày: 14/11/2009 - 01:49

Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tại TP. Hồ Chí Minh có một bức ảnh khổ lớn được treo ở nơi trang trọng, dễ thấy nhất. Đấy là bức ảnh “Cầu người Tây Ninh”, chụp đen trắng.

Người ta từng thấy những hình ảnh trập trùng người xe ra trận, trong đó có những hàng cọc tiêu trắng cho xe vượt ngầm bằng chính thân người những nữ Thanh niên Xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn. Hay là tấm ảnh về những chiến sĩ đặc công nằm úp bụng lên hàng rào kẽm gai cho đồng đội mình băng vào đồn địch… Nhưng, ảnh chụp được cây cầu bắc trên vai con người thì có lẽ chỉ có ở bức này, do phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Văn Phương chụp tại Tây Ninh năm 1968.

Vâng, ảnh ghi lại khoảnh khắc những nam nữ Thanh niên Xung phong dầm mình trong nước sâu trên ngực. Trên vai họ là những đòn khiêng bằng những đoạn cây rừng. Giữa các đòn khiêng là những tấm ván nối nhau. Trên ấy, đang có người dò dẫm đi qua, nổi bật là hai cô gái đang khiêng võng cáng. Có lẽ tác giả cũng sắp được đi trên chiếc cầu này, nên ảnh chụp từ phía sau, không rõ mặt những người đang khiêng cáng. Gương mặt rõ nhất là của một cô gái đang đứng làm trụ cầu đầu tiên. Cô đội nón tai bèo, gương mặt góc cạnh nhưng đẹp, và quan trọng nhất có lẽ là cô đang nở nụ cười tươi sáng. Mà không chỉ riêng cô, hầu như ai nấy đều cũng đang cười. Họ vừa nói một chuyện gì đó rất vui chăng? Để vượt qua những nỗi nhọc nhằn ấm lạnh! Bên kia suối là lúp xúp cánh rừng dày, có cả những bụi le vì còn thấy thấp thoáng những vòi măng chấp chới nhoi lên.

Bức ảnh “Cầu người” và Nữ TNXP Giáp Thị Thanh Tiến 40 năm sau.

Theo bài viết của phóng viên Trần Ấm, in trong tạp chí Nhiếp Ảnh số tháng 10.2009 thì: Văn Phương - tác giả Nhiếp ảnh chính là anh Phạm Thính, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Lần ấy, anh được cử đi theo Sư đoàn 9 - chủ lực Miền. Khi hành quân qua suối Bà Chiêm ở Tây Ninh, tình cờ bắt gặp cảnh “cầu người” với các anh chị em Thanh niên Xung phong của C 20 - 12 đang dầm mình làm trụ, bắc cầu cho đồng đội cáng thương binh vượt suối về trạm quân y dã chiến.

Theo đường giao liên ra Bắc, tấm ảnh lập tức thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước, được in trên các báo, treo trong nhiều triển lãm. Đây là một trong nhiều minh chứng cho kỳ tích anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhất là khi tên tuổi của chiến trường Tây Ninh đang còn vang dội với những chiến thắng Gian - xơn - xi - ti đầu năm 1967, với mùa xuân rực lửa tiến công năm Mậu Thân 1968 v.v…

Cũng phải tới 40 năm sau, tác giả mới gặp lại cô gái có nụ cười sáng tươi trong ảnh của mình. Chị là Giáp Thị Thanh Tiến, con gái Bến Tre, quê xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày.

Người thì tìm được, nhưng cảnh cũ đã không còn nữa. Vì phần lớn suối Bà Chiêm nay đã ở trong lòng hồ Dầu Tiếng Tây Ninh với 27.000 ha. Nhưng ta có thể tìm bóng hình của con suối đầy le mọc năm xưa bằng cách từ ga trên cáp treo núi Bà đi ra, đừng vội xuống bậc cấp cầu thang, hãy nhìn ra chân trời trước mặt. Vùng sáng ngời loang loáng ánh bạc ở xa kia từng có suối Bà Chiêm, từng có những người dấn thân, để lại những khoảnh khắc tuyệt vời không chỉ cho lịch sử và nghệ thuật. Không biết Bảo tàng tỉnh Tây Ninh đã có bức ảnh này chưa?

NGUYỄN QUANG VĂN