Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nụ cười trở lại
Chủ nhật: 23:16 ngày 13/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chú Út tôi vuốt vuốt khuôn mặt cho thảnh thảnh khi vào chuyện:

- Ui… tao mong cho mọi việc thuận buồm xuôi gió, đâu ra đó cho rồi, chứ đàn bà bốn mươi mà cứ một mình dậy sớm mang vác cồng kềnh rồi sập tối lại một mình chạy xe mấy chục cây số chở đồ nặng nề về nhà là rớt nước mắt. Tao nhiều khi cũng giận mình, làm cha mà không giúp gì cho con được…

- Dạ, đôi khi muộn duyên nhưng chắc chắn chú ạ!

Tôi, bằng linh cảm đàn bà đã bắt nhịp câu chuyện. Bởi nhân vật mang vác cồng kềnh, thức khuya dậy sớm đi mấy chục cây số ấy chính là em họ tôi - người mẹ đơn thân từ thuở đôi mươi, nay 40 rồi mà vẫn một mình một bóng làm đủ thứ công việc để nuôi hai con gái ăn học.

- Ừ, thằng đó hơn con Thuý hai tuổi, quen lâu lắm rồi, nhưng hồi thím mày còn sống cứ ngăn cản, nói một lần đã khổ, phải lựa chọn cho kỹ, để khổ nữa thì tàn đời. Mà tao thấy rồi, thời buổi này, có khi sổ mũi mất mùi một hai bữa là chỉ còn cái hũ không đầy hai ký, ngăn cản tụi nó làm gì?

- Dạ… nhưng anh chàng đó làm công việc gì, gia cảnh ra sao ạ?

- Nó ở miệt Mỏ Công, vợ chết do tai nạn giao thông, đứa con gái bảy tuổi gửi cho dì của bé nuôi. Thằng này trước kia làm tài xế, từ ngày vợ chết nó bỏ nghề, lãnh vườn sầu riêng của người ta để chăm sóc. Nghe nói cuộc sống cũng được vì ở vườn chủ cất cho cái nhà, nuôi thêm bầy gà, con bò xem như yên ổn.

- Quan trọng là anh chàng có biết Thuý đã có hai cô con gái sắp vào đại học không? Rồi lấy nhau, Thuý có nuôi con mình được không?

- Ừ, chú cũng lo như bây, nhưng thằng này nói cũng ngoài bốn mươi, coi mòi không cần Thuý sinh đẻ gì nữa, chỉ cần danh chánh ngôn thuận mà lo cho nhau. Hằng ngày Thuý chạy chợ thì cứ lấy tiền mà nuôi con, còn nó sẽ nuôi vợ nó. Mấy hôm trong tết, con Thuý lấy hàng nhiều, đi bán từ sáng tới khuya đều thằng này chở phụ, bán phụ, dọn phụ, coi kiểu cũng biết lo lắm. Vậy nên tao tính tuần sau làm cái lễ tuyên hôn cho tụi nó.

Tôi im lặng dõi theo làn khói ưu tư trên mắt chú. Thuý em tôi có một cuộc đời rất ư không giống đa số đàn bà trên thế gian này.

Ấy là khi Thuý vào tuổi lấy chồng thì mẹ em bảo: “Đời này lấy chồng khổ lắm con ạ. Phụ nữ xưa chỉ cần biết quán xuyến nhà cửa và sinh con là được. Còn đời nay vừa phải biết đi làm kiếm tiền, chăm sóc nhà cửa con cái, vừa phải làm vừa ý mẹ chồng. Nên má thấy chỉ cần kiếm đứa con là đủ”.

Lời cảm thán vu vơ đầy kinh nghiệm qua nửa đời làm dâu cực nhọc của thím “trúng giờ linh” nên vận vào đời Thuý.

Phải thừa nhận một điều nhan sắc Thuý “dưới năm nút” nên bao lâu nay em cứ lùi lũi đi về sau những buổi tan ca của một xí nghiệp giày. Thức khuya, dậy sớm làm da mặt sần sùi chứ không mịn màng như cô gái đôi mươi, thêm chiếc mũi luôn bị chứng viêm vì mùi da, mùi thuốc tẩy ám quanh năm suốt tháng. Vậy nên, khi người ta “làm mai” một chàng trai cách nhà năm mươi cây số, có cửa hàng vật liệu xây dựng làm kế sinh nhai thì gia đình bảo Thuý ưng ngay để “đổi đời”.

Cuộc “đổi đời” đầu tiên của Thuý là cửa hàng vật liệu xây dựng đã đổi từ tên cũ sang tên của hai vợ chồng: Sang Thuý. Việc đổi đời thứ hai là Thuý nghỉ việc, ở nhà phụ chồng kinh doanh bằng việc của… một bốc vác. Tướng con gái nhưng khoẻ mạnh lắm, bao xi măng năm mươi ký Thuý vác đi phà phà, gạch xếp lên xe vun vút như thể chấp hai công nhân nam.

Rồi Thuý cấn bầu, chồng xót vợ bảo chỉ ngồi bàn giấy ghi hoá đơn tính tiền cho khách, nhân viên bốc vác anh sẽ thuê. Nhưng mẹ chồng không chịu, nói ngày xưa bà đi cày đi cấy đến nỗi đẻ rớt ngoài đồng chứ nghỉ ngơi gì khi mới cấn thai. “Đời giờ sung sướng quá sinh tệ, mướn công nhân mấy triệu bạc một tháng, có con Thuý đó, tội gì không làm. Con Thuý cứ làm như trước giờ, tội nợ gì tao chịu hết”. Mẹ chồng bảo vậy.

Chồng thương vợ nhưng quá nhu nhược nên đành để bà bầu khuân vác và kết quả là Thuý hư thai.

Kỳ lạ, sau đó thì cửa hàng vật liệu xây dựng mất khách hẳn, những khách cũ cũng không lấy vật liệu của Sang Thuý nữa. Khách mới thì không ai tới, vậy là thu không bù chi, mẹ chồng càng có cớ mắng mỏ rằng Thuý “không hợp tuổi” nên ăn tàn phá hại, chứ cửa hàng nhà bà gần chục năm nay có thế đâu?

Tiền vay để mở cửa hàng không có khả năng trả khi chả có khách mua hàng. Anh chồng qua những lời xuyên tạc của mẹ đã lạnh nhạt vợ, rồi anh đi hợp tác lao động mà không bàn bạc gì với Thuý. Đến khi anh soạn giấy tờ hồ sơ thì Thuý mới biết. Hỏi chồng tại sao phải ra đi, thì mẹ chồng nói “Đi để có tương lai” chứ sống với Thuý chỉ có nước cạp đất. Thời điểm 2003-2005 ấy, một suất đi nước ngoài cũng phải nộp mấy chục triệu “dằn chân”. Thuý năn nỉ mẹ chồng, số tiền phải nộp để đi hợp tác đó, đủ sắm một xe đồ nhựa gia dụng cho vợ chồng cùng đi bán.

Cửa hàng vật liệu xây dựng của gia đình đã cho người khác thuê mặt bằng rồi, thì làm một chiếc xe honda lôi, chuyên bán đồ nhựa gia dụng nay chợ này, mai chợ kia là hợp lý nhất. Vợ chồng có nhau, chia sẻ ngọt bùi. Nhưng mẹ chồng không chịu, bà cho rằng cách làm “cò con” đó không bao giờ khá được, thà đi nước ngoài, chịu cực năm năm mà ôm vài trăm triệu về.

Có lẽ vì chồng không yêu Thuý nhiều nên chấp nhận ra đi, chứ như người ta có tình cảm sâu nặng thì dù năm sông bảy núi cũng tìm đến bên nhau, ai lại có nhau rồi lại chia xa như vậy.

- Anh Sang đi rồi thì con làm sao ạ? - Thuý hỏi.

- Thì con đi làm công nhân nuôi mẹ, ở nhà đây với mẹ, lương chồng con gửi về mẹ cất để xây nhà, làm vốn mần ăn sau này.

Mẹ chồng đáp gọn hơ.

Thuý thấy tình chồng nhạt nhẽo quá, lại còn phải nuôi mẹ chồng thì thật là… có gì đó sai sai nên em quyết định: “Không ạ, nếu anh Sang đi lao động nước ngoài, thì con cũng về nhà cha mẹ ruột của con. Khi nào anh về thì con về lại nhà này”.

Gây gổ mắng mỏ một trận, mẹ chồng cho rằng Thuý không ngoan, rất “vô đầu vô vị” nên yêu cầu Thuý trả lại hết vàng cưới rồi “muốn đi đâu thì đi”. Thuý mang vàng ra trả mẹ chồng thì mới té ngửa chỉ là vàng giả. Còn vàng thật? Chồng gãi đầu gãi tai, lấm lét nhìn mẹ anh ta.

Không còn gì nắm níu, ngày chồng lên máy bay đi lao động cũng là bữa Thuý gom quần áo về nhà cha mẹ ruột.

Để rồi mười ngày sau, Thuý phát hiện mình đã có bầu!

Điện thoại chồng lúc nào cũng ngoài vùng phủ sóng, mẹ chồng thì luôn gác máy. Vậy là xem như Thuý có một đứa con mà không cần chồng rồi.

Nhưng ông trời lại trêu ngươi lần nữa, khi siêu âm ra lại là song thai.

Ngôi nhà nhỏ như quay cuồng bởi chuyện lớn như vậy. Cuộc sống phải bắt đầu lại, chưa biết xin việc gì để hợp sức khoẻ và nuôi cái bầu, vậy mà còn song thai thì thật là cười ra nước mắt.

Nhưng chú Út tôi an ủi con gái rằng, con cái là báu vật của trời ban, cứ bình an mà sống, trời sanh voi rồi cũng sanh cỏ thôi mà.

Ừ thì trời sẽ sanh cỏ, nhưng cũng phải có đất thì cỏ mới mọc được chứ! Không công ty xí nghiệp nào nhận bà bầu vào làm việc vì chế độ thai sản rất mất quyền lợi cho họ. Sẵn biết may, Thuý đi lãnh quần áo gia công về làm độ nhật. May thay, Hội Phụ nữ xã biết hoàn cảnh nên cho Thuý vay vốn đủ mua dàn máy may, máy vắt sổ ổn định cuộc sống.

Cuộc sống ổn định rồi, nhưng nỗi lòng thì sao? Đợi chờ không còn là hạnh phúc nữa, mà đã là vô vọng khi tin chồng bặt như bóng chim. Tận cùng nỗi lòng Thuý vẫn mong tin tức của chồng, một câu thăm hỏi để anh biết anh sắp có hai đứa con, rồi có thể anh sẽ cho cái bụng bầu kia mớ sữa hoặc chút tiền cho mẹ bồi dưỡng sức khoẻ mà nuôi con mập mạp. Nhưng đó chỉ là ước mơ của Thuý, còn sự thật xem như em đơn thân và sắp sinh rồi.

Ai có nuôi con mọn, lại là con song sinh thì sẽ biết cảnh cực nhọc thế nào. Huống chi Thuý phải vừa làm, vừa nuôi con nên thân thể gầy rạc xác ve trông rất thảm hại. Mấy khi nấu vài món ngon, tôi vẫn cất công hai mươi cây số đem cho em bữa thì cá kho, cánh gà hấp rượu, có khi lại là món sườn ram… để em ăn ngon miệng mà có sức khoẻ nuôi con. Nhưng sự cho tặng của họ hàng chỉ là thảng hoặc, làm sao dám ngồi đó chờ người ta đem cho hoài? Thế là người mẹ trẻ tuổi ngoài đôi mươi ấy phải gồng vai lên mà gánh đời mình đời con trong cơm rau cá vụn.

Năm thứ ba sau khi chồng đi hợp tác lao động, không phải là xe loan võng điều đến đón mẹ con Thuý về cho gia đình sum họp mà là những người thanh niên xa lạ đến tìm, bảo Thuý phải trả cho họ 20 triệu, nếu không hãy chờ nhận xác chồng mà chôn!

Thuý cùng quẫn, chỉ vào hai đứa trẻ đang loanh quanh la hét chạy nhảy trong nhà, bảo họ hãy giết luôn chúng cho cha con đoàn tụ. “Chứ tui còn chưa biết làm gì để nuôi chúng lớn đây nè”.

Cuộc đòi nợ kết thúc có lẽ vì họ nhìn gia cảnh còn nghèo hơn của Thuý nên biết chả có gì để “siết”.

Trên khai sinh, hai đứa con mang họ mẹ, vì Thuý và chồng còn chưa kịp đăng ký kết hôn.

Rồi rau cháo nuôi nhau mà hai bé cũng lớn lên, đi mẫu giáo rồi cấp 1, cấp 2… Thím tôi cứ nhìn hai bé gái giống cha như tạc mà thở dài lẩm bẩm “Chả biết khi nào tụi nó biết mặt cha”.

Mà “biết mặt cha” để làm gì thím cũng không biết nữa. Trên đời này có bao nhiêu đứa trẻ vắng cha mà vẫn sống và trưởng thành đó thôi. Chỉ cần người mẹ nuôi dạy tốt, đứa con chịu ngoan ngoãn nghe lời thì đôi khi có cha cũng không phải là điều cần thiết.

Thím ừ hử nhưng giọt buồn vẫn lăn qua khoé mắt của đôi bàn tay già nua ngày ngày cắt chỉ, xếp quần áo vào bọc phụ con gái hoàn thành công việc.

Rồi con gái của Thuý cũng lớn, công việc may gia công không còn đắt hàng như xưa nên Thuý xoay qua chở bán găng tay, khẩu trang, nội y… Những thứ tủn mủn nhưng không thể thiếu của phụ nữ ấy coi vậy mà đắt hàng. Thím tôi bệnh rồi mất. Những năm tháng nằm bệnh phải uống sữa, mặc tã cũng nhờ những đồng tiền chắt chiu của con gái mà ra. Nhưng hễ ló mòi chàng trai nào muốn gánh vác cuộc đời Thuý là thím giãy nãy đòi sống đòi chết để ngăn cản.

Mười bảy năm đơn thân, ít ỏi gì đâu, bao chua cay đắng xót đều trải qua mà chưa có một ngày hạnh phúc. Bởi em cứ làm việc, làm việc mua tần bán sở những nong nia thúng mủng để mong đủ áo cơm cho hai con gái cùng cha mẹ già.

Những đêm đơn côi đàn bà không ai hiểu, cứ tặc lưỡi rằng rồi cũng sẽ qua. “Nhưng em buồn lắm chị ơi, em ước có người hỏi em rằng hôm nay bán buôn có đắt hàng không? Rồi dắt giùm em chiếc xe cồng kềnh này, rồi múc cho em ly nước. Chỉ vậy thôi nhưng mười mấy năm nay không có được”.

Thuý tâm sự mà nước mắt ầng ậc.

* * *

Chú rể chạy tới chạy lui kéo lại cái bàn, thêm đôi đũa, lấy cái ly, vài bịch khăn giấy cho bàn tiệc tươm tất hơn. Đám cưới không có rước dâu, cũng không có đàng trai bưng mâm đỏ lễ mễ đến, vì gia cảnh đơn chiếc của chú rể. Tất cả đều tổ chức ở nhà cô dâu, chàng rể tới từ hôm qua để phụ dọn dẹp nhà cửa, cùng xếp dọn mâm bàn, rồi tí nữa khách tới. Hai cô con gái tuổi 18 của Thuý tíu tít dọn dẹp, đôi môi hồng xinh xắn gọi chú rể mới bằng “ba” rất ngọt ngào.

Bây giờ thì Thuý cười bằng cả đuôi mắt, chiếc áo dài em đang mặc là thuê ở tiệm, chú rể cũng chỉ vận sơ mi trắng cà vạt chứ không com lê đủ bộ như người ta. Bởi họ chỉ là cái lễ tuyên hôn cùng vài mâm cơm đãi hàng xóm là xong.

Chồng Thuý coi bộ hiền và thật dạ thương yêu mẹ con Thuý. Anh chàng hồ hởi với bà chị vợ là tôi:

- Chị coi, em không mất công bồng ẵm tã sữa mà vẫn có hai cô con gái đẹp như tiên thì còn muốn gì nữa? Bé Hiền muốn học Sư phạm mầm non, em duyệt liền. Bé Hậu muốn học ngành Du lịch em cũng duyệt luôn, tuy ngành đó cực hơn sư phạm. Nhưng con nó thích là nó sẽ học được chị ạ!

Ông cha dượng này rất hiểu đời, tôi cười mà mắt cay cay cho hạnh phúc muộn màng của cô em họ. Chú rể vẫn bộc trực:

 - Em không đem hai con về sống chung với vợ chồng em được, vì tụi nhỏ đã thành thiếu nữ rồi, có khi tiếng đời dị nghị cha dượng con vợ này kia. Cứ để nó ở đây với ông ngoại, hôm sớm đốt nhang cho bà ngoại. Thuý đi bán buôn đã có em phụ trợ, tiền lời cứ nuôi con, thiếu thì em cho thêm. Nói chung là kiểu “vợ ai nấy nuôi”, “con ai nấy lo” cho nó dân chủ á chị.

Chú Út tôi uống hơi nhiều, nên nói năng chuyện nọ xọ chuyện kia, kiểu vui quá của mấy ông già nên ai mời cứ uống mà quên rằng “đô” của mình đã yếu xìu.

Chú rể không còn cha, mẹ thì đơn thân mấy chục năm nên chẳng giàu có gì. Bà cho cô dâu chiếc nhẫn làm quà cưới, rằng “Đàn bà mình chỉ cần chồng biết thương yêu là hạnh phúc rồi con ạ. Mẹ tin con trai mẹ làm được”.

Cô dâu tuổi 40 luôn miệng cảm ơn mẹ chồng, cảm ơn hàng xóm, chị em tới chia vui. Nụ cười của em tôi hôm nay tươi hơn cả bó hoa cô dâu mà em đang cầm trên tay vậy.

Đ.P.T.T

Tin cùng chuyên mục