BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nữ đảng viên làm kinh tế giỏi

Cập nhật ngày: 27/03/2010 - 12:28

Mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) đã có từ rất lâu và được nhiều người áp dụng, tuỳ theo điều kiện của mình.  Có người thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, có người làm được một thời gian thì bị thua lỗ, không làm nữa. Ở khu phố 1, thị trấn Dương Minh Châu, có một người đã áp dụng thành công mô hình này. Đó là chị Phạm Thị Loan.

Năm 1997, gia đình chị Loan từ miền Bắc vào Tây Ninh lập nghiệp. Lúc mới vào, cuộc sống hết sức khó khăn, vất vả vì chưa quen khí hậu, cách sống, cách làm ăn, vợ chồng chị Loan đã làm rất nhiều nghề như trồng mì, chăn bò, cạo mủ cao su… để kiếm sống và nuôi hai con ăn học.

Với 1ha đất có được, chị Loan áp dụng mô hình VAC khép kín. Bản tính chịu thương, chịu khó, chị Loan sớm bắt tay vào chăn nuôi. Lúc đầu, chỉ khoảng 2-3 con heo nái. Nhờ chăm sóc tốt, thường xuyên tiêm phòng, cho heo ăn đúng giờ, chuồng trại lúc nào cũng sạch sẽ, nên đàn heo của chị Loan lớn rất nhanh. Cứ khoảng 4 tháng chị lại cho xuất chuồng. Hiện nay, chị đã có hẳn một trại heo với 4 con heo nái, 50 con heo thịt, hằng năm cho thu nhập từ 50-60 triệu đồng.

Chị Loan tự tiêm phòng cho heo.

Chị Loan cho biết: Nuôi heo không phải dễ, nguy cơ dịch bệnh luôn rình rập nên phải luôn tiêm phòng cho heo. Tuy nuôi heo với số lượng lớn nhưng chuồng trại của chị luôn sạch sẽ, không nghe thấy mùi hôi. Trại được xây dựng ở xa khu dân cư, heo được tắm rửa thường xuyên, nước thải và phân heo được thải ra ba cái ao phía sau, đây là nguồn thức ăn quan trọng cho đàn cá. Chị Loan cho biết, nuôi cá như vậy không phải tốn tiền mua thức ăn, cá lại mau lớn. Một năm, chỉ cần bỏ ra 3 triệu đồng mua cá giống, không phải chăm sóc, cho ăn mà thu hoạch cũng được hơn 10 triệu đồng.

Ngoài diện tích đất dành nuôi heo, nuôi cá, phần đất trống còn lại chị Loan trồng tre mạnh tông, lấy măng. Đây là loại măng được nhiều người ưa chuộng, giá thành cao. Sở dĩ chị quyết định trồng tre mà không trồng các loại cây khác vì theo chị, cây tre không bị sâu bệnh, không phải xịt thuốc làm ảnh hưởng đến heo và đàn cá nuôi dưới ao. Trồng tre lại ít tốn công chăm sóc. Nếu cho thu hoạch măng trái mùa thì giá thành rất cao. Với hơn 500 gốc tre, hằng năm gia đình chị Loan cũng kiếm được số tiền trên 10 triệu đồng. 

Với mô hình VAC khép kín kể trên, gia đình chị Loan đã có thu nhập ổn định, xây dựng cơ ngơi khang trang. Cô con gái đầu của chị Loan đã có gia đình riêng và đang công tác tại huyện DMC, còn cậu con trai út đang học ở Hà Nội.

Anh Vũ Công Đoàn, chồng của chị Loan nói về vợ mình: “Tôi bận đi làm ngoài chợ suốt (hiện anh là Trưởng ban quản lý chợ DMC) nên mọi việc trong nhà một tay bà ấy đảm nhiệm hết”.

Không những chăm chỉ, siêng năng việc nhà mà trong công tác xã hội, chị Loan cũng rất tích cực. Là một đảng viên, chị thường xuyên tham gia sinh hoạt chi bộ đầy đủ. Chị lại có mối quan hệ tốt với hàng xóm. Chị xứng đáng là tấm gương điển hình về đảng viên làm kinh tế giỏi ở địa phương.

TỐ TUẤN