BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nữ thủ tướng Thái Lan vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Cập nhật ngày: 29/11/2013 - 05:21

Nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào hôm 28.11...

Giành được 297 phiếu ủng hộ trong tổng số 492 phiếu ở Hạ viện, nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (ảnh) đã dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào hôm 28.11, sau cuộc tranh luận “nảy lửa” kéo dài 3 ngày, liên quan đến chương trình quản lý nước và chính sách trợ giá gạo của chính phủ.

Nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại thủ đô Bangkok hôm 28.11. Ảnh: Reuters

Với việc đảng Pheu Thai do bà Yingluck lãnh đạo chiếm đa số ghế tại quốc hội (299 ghế) thì kết quả trên là điều không khó dự báo. Dù vậy, đây cũng là thách thức lớn nhất mà chính phủ của bà Yingluck gặp phải kể từ sau khi bạo lực nổ ra tại Thái Lan năm 2010.

Theo tờ the Nation, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được Quốc hội Thái Lan tiến hành vào lúc 9 giờ 56 phút sáng 28.11 (theo giờ địa phương) theo đề xuất của đảng Dân chủ đối lập.

Lãnh đạo đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cáo buộc Chính phủ Thái Lan đương nhiệm của bà Yingluck đã có tham nhũng, bất hợp lệ trong quá trình thực hiện chính sách trợ giá gạo cho nông dân. Ông cho rằng, việc Thái Lan mất ngôi vị xuất khẩu gạo số 1 thế giới là do chính sách trợ giá nông dân của chính phủ khiến giá gạo của Thái Lan cao hơn giá thị trường.

Đáp lại, bà Yingluck quả quyết chính sách này đã đem lại lợi ích cho nông dân nghèo.

Ngoài ra, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cũng cáo buộc rằng, rất nhiều chính sách của chính phủ đương nhiệm hiện đang tạo thuận lợi cho việc tham nhũng, như chương trình thu mua tạm trữ gạo của chính phủ hiện nay. Cựu Thủ tướng nhấn mạnh rằng, nạn tham nhũng đã tăng gấp đôi kể từ khi chính phủ của bà Yingluck lên nắm quyền hồi tháng 7.2011 đến nay.

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra trong bối cảnh những người biểu tình tiếp tục chiếm trụ sở của các cơ quan công quyền tại thủ đô Bangkok. Một số tuyến đường ở Bangkok đã phải đóng cửa vì quá nhiều người biểu tình cắm trại và tràn qua các con phố.

Những người biểu tình cho rằng, chính phủ của bà Yingluck đang bị kiểm soát bởi anh bà là Thủ tướng bị trục xuất Thaksin Shinawatra.

Hàng trăm binh sĩ Thái Lan được triển khai bên ngoài toà nhà Quốc hội để bảo vệ an ninh.

Thủ tướng Yingluck đã kêu gọi người biểu tình trở lại đối thoại để giải quyết các vấn đề chứ không nên chiếm các trụ sở cơ quan nhà nước bởi hành động này của những người biểu tình chỉ làm tổn hại đất nước.

Tuy nhiên, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban hôm 28.11 cũng đã lên tiếng bác bỏ đề nghị đối thoại của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Ông Suthep lặp lại mục tiêu của các cuộc biểu tình là loại ra ngoài mãi mãi những hạt giống trong chế độ Thaksin và thành lập một hội đồng điều hành đất nước của nhân dân.

Ông khẳng định không nhận bất cứ vị trí chính trị nào và thậm chí cả ghế thủ tướng nếu phong trào hiện nay của ông đạt kết quả. Ông còn tuyên bố sẵn sàng chết trên chiến trường nếu thất bại.

Hiện ông Suthep đang bị Toà án Hình sự Thái Lan phát lệnh bắt giữ với các cáo buộc sát hại người biểu tình thuộc phe Áo Đỏ hồi năm 2010.

Thủ tướng Yingluck và đảng Pheu Thai cầm quyền nhận được sự ủng hộ của người dân nghèo ở các vùng nông thôn Thái Lan, được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ về giá gạo của chính phủ. Tuy nhiên họ lại không nhận được sự ủng hộ từ các cử tri ở thành thị và tầng lớp trung lưu trong nước. Những người này đã nổi giận và đổ ra đường biểu tình khi chính phủ tìm cách thông qua đạo luật ân xá để dọn đường cho ông Thaksin trở về nước.

Ông Thaksin đã phải sống lưu vong ở nước ngoài sau khi bị quân đội Thái Lan lật đổ trong một cuộc đảo chính hồi năm 2006 và sau đó bị tuyên án 2 năm tù vì cáo buộc tham nhũng.

THUÝ TRINH

Theo PressTV