Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Theo gương Bác
Nữ trưởng ấp vì dân
Thứ tư: 15:20 ngày 29/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáu năm qua, người dân ấp Trại Bí luôn thấy chị Nguyễn Thuý Nghiêm- nữ trưởng ấp đầu tiên, cũng là duy nhất ở xã Tân Phong, huyện Tân Biên tất bật “lo chuyện hàng tổng”, từ quản lý ấp đến công tác Hội Phụ nữ, Mặt trận, dân số…

Chị Nghiêm giám sát việc thi công đường ở ấp.

Từ sáng sớm, chị Nghiêm đã ra khỏi nhà để khảo sát và hướng dẫn đơn vị thi công san ủi, sửa chữa lại các tuyến đường trong ấp. Trên con đường sình lầy vì mưa của tổ 15, chị Nghiêm, dáng thấp nhỏ nhưng nhanh nhẹn ra hiệu cho chiếc xe làm đường khai thông nước.

“Hơn tuần lễ nay, ngày nào tôi cũng đi từ sáng sớm, tối mịt mới về tới nhà. Công trình họ nhận khoán, nên làm luôn ngày chủ nhật, mình cũng phải theo. Làm ở ấp, không có khái niệm ngày nghỉ, giờ nghỉ, cứ có việc là phải chạy lo. Ði riết giờ da dẻ đen thui luôn rồi!”- chị Nghiêm nói.

Chuyện chị làm trưởng ấp cũng hết sức tình cờ. Hồi trước, vợ chồng chị ở Hoà Thành, sau này mới lên Tân Phong lập nghiệp. Lúc đó, gia đình chị hầu như không qua lại với bà con lối xóm vì “cắm đầu” lo cơm áo gạo tiền. Nhà có 2 mẫu ruộng nhưng do không có kinh nghiệm làm nông, vợ chồng chị liên tục thất bại, đã không đủ nuôi gia đình mà còn đổ nợ.

Năm 2003, chị quyết định đi xuất khẩu lao động ở đảo Ðài Loan. Sau 7 năm vất vả ở xứ người, chị về nước, cất được ngôi nhà nhờ số tiền dành dụm. Không bao lâu, chồng chị qua đời vì bệnh tật. Lúc này, con chị cũng đã lớn, đứa xuất khẩu lao động sang Nhật, đứa ở nhà mở tiệm làm tủ nhôm.

Chị quanh quẩn với việc đồng áng, 2 mẫu đất được chị đầu tư trồng mì, cao su nên cũng không phải chăm sóc, theo dõi hằng ngày. Chị bắt đầu tham gia Chi hội Phụ nữ ấp. Vốn nhanh nhẹn, hoạt bát, chị Nghiêm được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Sân Bay từ năm 2011. Ðến khi ấp Trại Bí được tách ra từ ấp Sân Bay vào năm 2012, chị được người dân bầu làm Trưởng ấp kiêm luôn Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ (đến năm 2016).

 “Làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ chỉ phụ trách công việc liên quan đến chị em, nhưng khi làm trưởng ấp, mình phải nắm bắt tất cả mọi thứ, trong đó quan trọng nhất là phải biết từng người, từng nhà, hoàn cảnh ra sao. Do đó, khi mới được bầu làm trưởng ấp, tôi đi khảo sát từng nhà, đi tới đâu tôi vẽ bản đồ tới đó để nắm rõ địa bàn mà mình phụ trách”- chị Nghiêm chia sẻ.

Không chỉ vậy, chị còn kiêm cả vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp một thời gian trước khi tìm được người thay thế. Ấp mới, công việc mới lại đảm đương nhiều vị trí, nhưng với vai trò nào, chị Nghiêm cũng làm tốt phần việc của mình.

Công việc của chị đi nhiều hơn ở nhà, khi thì khảo sát hộ nghèo, khi thì vận động bà con tham gia công tác dân vận, lúc lại đi hoà giải… nhưng vất vả nhất vẫn là theo các công trình làm đường. Cứ một năm, sau khi khảo sát các tuyến đường hư hỏng trong ấp, chị đi vận động bà con góp tiền để nâng cấp, sửa đường để việc đi lại được dễ dàng.

Năm 2018 này, chị vận động làm tất cả 6 con đường của 6 tổ. Chi phí mỗi con đường trung bình khoảng 15 triệu đồng. Sau khi họp lấy ý kiến bà con, chị Nghiêm phải đến từng nhà để thu tiền. Có những nhà không đủ khả năng đóng tiền 1 lần, chị chịu khó đi lại nhiều lần để mọi người không phải lo.

“Tiền không có nhiều nên tôi phải đi theo sát với công thợ, để xem có những công đoạn nào có thể làm thủ công thì vận động bà con ra làm, hoặc nhờ phía thi công làm kỹ hơn. Có lúc tôi còn vận động đơn vị thi công hỗ trợ vài xe đất để bớt tiền, chứ tiền thuê máy móc cũng đã hết bộn rồi”- chị Nghiêm nói thêm.

Ði từ lúc bình minh, trưa trờ chị mới tạt về nhà cơm nước. Có hôm còn được nghỉ ngơi, nhưng nhiều bữa, về đến nhà chưa kịp ăn chị đã phải giải quyết đơn thư của người dân trong ấp; xong lại ra với công trình.

Dù vậy với chị, những vất vả đó không là gì, chỉ ngại nhất những khi người dân không đồng thuận. Chị kể, có trường hợp, sau khi chị vận động được người nhà hiến đất để mở rộng đường, chưa kịp làm thì người con ở xa về không ưng thuận.

Vậy là chị phải dừng thi công, đến vận động nhiều ngày liền họ mới chịu để công trình được tiếp tục. Cũng có những hộ, dù có điều kiện kinh tế, vẫn trì hoãn đóng tiền khiến chị phải vất vả đi lại nhiều lần. “Nhiều hôm về đến nhà, giọng bị khàn luôn, vì phải vận động, giảng hoà, rồi thuyết phục. Ðược cái, mình là nữ, chịu khó kiên nhẫn nên mọi chuyện đều êm xuôi”- chị cười nói.

Ða đoan là vậy, nhưng chừng như với chị vẫn chưa đủ, 4 năm nay, chị Nghiêm còn phụ trách công việc của nhân viên y tế thôn bản, làm cộng tác viên dân số ở ấp. Rồi trong các hoạt động từ thiện ở địa phương, chị luôn đứng ra vận động quà cho hộ nghèo vào các dịp lễ tết. Các loại quỹ khác như Quỹ Vì người nghèo, Quỹ an ninh quốc phòng, ủng hộ đồng bào lũ lụt hay Quỹ Khuyến học… chị Nghiêm luôn vận động đủ và vượt so với chỉ tiêu.

Những nỗ lực đó của chị Nghiêm đã góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng Tân Phong trở thành xã nông thôn mới. Với chị, mong mỏi duy nhất là mang lại cuộc sống tốt hơn cho bà con của mình.

N.D

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh