Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Từng nghĩ sẽ bỏ cuộc vì tập luyện khắc nghiệt, có lúc phải ép cân giảm 11 kg trong hai tháng, nhưng ước mơ vươn ra giải đấu châu lục thôi thúc Ly kiên trì.
Một buổi sáng tháng 10, Bùi Yến Ly cặm cụi xếp lại hơn 30 tấm huy chương và những kỷ vật thi đấu. Cô gái 25 tuổi nâng niu từng thứ, nói đây là tài sản quý giá sau 10 năm theo đuổi Muay Thái.
Cầm tấm huy chương vàng thế giới tháng 7/2019, Ly kể đây là huy chương mà cô chật vật lắm mới có được. Đối thủ của cô là vận động viên người Nga cao to, còn Ly thì vừa bị vắt kiệt sức trong ba trận trước không kịp nghỉ ngơi. Ly và ban huấn luyện phải đổi chiến thuật, vừa đánh vừa di chuyển và phòng thủ để thắng tuyệt đối ba trận. Năm đó, Ly cũng giành được giải vận động viên xuất sắc nhất tại Giải Vô địch Muay Thái Thế giới của IFMA (Liên đoàn Muay Thái không chuyên thế giới).
"Mười năm ăn đấm, cuối cùng cũng đã được thế giới công nhận rồi", Ly cười, nói đùa.
Bùi Yến Ly, 25 tuổi, vận động viên Muay Thái Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vốn đam mê võ thuật từ nhỏ, nhưng việc trở thành võ sĩ Muay Thái lại đến với cô một cách tình cờ. Mười năm trước, Yến Ly tham gia giải thi đấu nhỏ ở tỉnh Bắc Giang và vô tình lọt vào "mắt xanh của các huấn luyện viên đội Muay Thái Hà Nội. Họ nói cô là "viên ngọc thô" bởi sẵn khung người rộng, lực đấm mạnh, thể lực phù hợp với bộ môn khắc nghiệt này.
Muay Thái lúc đó không được nhiều người ưa thích, nói đây là bộ môn tàn khốc, gần như là "đánh nhau cho đến lúc đối thủ gục trên sàn". Bố mẹ Ly cũng không ngoại lệ nhưng thấy con đam mê nên đành chiều ý.
Những ngày đầu "nhập môn", Ly chật vật làm quen với cường độ tập mới. Cô dễ bị ngất và chảy máu cam, thậm chí rách miệng, rách lợi, tay chân thường xuyên bị tím, thâm. Hầu như ngày nào, Ly cũng hứng cả chục cú đòn vào giữa mặt nhưng càng tập càng mê, cô nén đau chấp nhận.
"Nếu bị đối thủ đánh hai, ba cái thì tôi có thua cũng quyết đánh lại một cái mới chịu", Ly nói.
Ngoài ra, Ly phải học lại từ đầu cách di chuyển, đấm đá đúng kỹ thuật. Để có đòn chân mạnh, cô phải tập đá lốp xe ô tô tải. Trung bình mỗi buổi tập đá vào chúng khoảng 500 lần, có nhiều động tác đấm thẳng phải học trong nhiều tháng. "Đấm đi đấm lại đến lúc nhắm mắt đấm cũng đúng thì mới đạt", Ly chia sẻ.
Nữ võ sĩ đã phải trải qua những ngày nhịn ăn, nhịn uống, trùm áo mưa chạy bộ để ép cân. Trong đó, giải thế giới năm 2019, Ly ép cân để giảm từ 62kg xuống còn 51 kg trong hai tháng khiến thể lực có phần giảm sút.
Ly phải tập nhiều bài bổ trợ để tăng sức mạnh cánh tay và chân. Cô thường tập với bao cát, tạ để tăng khả năng ra những đòn mạnh hoặc tập hít đất và xà đơn để săn chắc cơ bụng. Ly cũng chăm chút cho cơ thể, mua đồ dùng tốt để bảo vệ bản thân không bị chấn thương.
Muay Thái sử dụng tay, nắm đấm như boxing, chân như karate và các đòn xoay, khóa như Judo, Aikido... Do đó, Muay Thái khiến cơ thể người tập phải hoạt động đồng bộ, toàn diện với cường độ cao. Mỗi buổi tập Muay có thể đốt hơn 1.000 kcal, mang lại sự cân đối, dẻo dai và thể lực cao cho vận động viên.
Tập muay Thái còn siết cơ bắp, giúp cơ thể chắc khỏe nên ngoại hình Ly "đô con" hơn nhiều người. Cô gái cao 1,7 m nặng 58 kg với mái tóc cắt ngắn thường bị nhận nhầm là con trai khi ra ngoài.
"Mình không để tâm quá nhiều, quan trọng là nó phục vụ tốt cho công việc của mình. Để tóc dài đi thi đấu vướng lắm", Ly cười nói.
Yến Ly (áo xanh) thi đấu tại giải Muay Thái toàn quốc, ngày 13/10. Cô giành huy chương vàng và giữ vững thành tích 10 năm liên tiếp vô địch giải toàn quốc. Ảnh: Ngọc Tú
Tháng 11/2010, Ly tham gia giải thi đấu toàn quốc hạng 48 kg và giành tấm huy chương vàng đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Một năm sau, cô dự giải thế giới và tiếp tục giành thắng lợi chung cuộc. Kể từ đó là chuỗi giải đấu bất bại ở cả Việt Nam và thế giới của nữ võ sĩ. Cái tên "Bùi Yến Ly" được biết đến nhiều hơn trên các giải đấu trong và ngoài nước. Nhiều người còn gọi cô là "độc cô cầu bại" của làng Muay Việt.
Bí quyết của Ly là luôn nghiên cứu các đối thủ để tìm ra những chiến thuật hợp lý nhất. Mỗi đối thủ lại phải áp dụng một chiến thuật khác nhau. Đặc biệt, ở giải quốc tế, đối thủ đều có thể lực tốt nên phải phòng thủ và di chuyển chứ không thể đối đầu. Cô chủ động tìm thông tin hoặc xem lại bài thi của đối thủ để rút ra bài học cho mình. Ngoài ra, khi lên sàn đấu là phải quyết liệt, tôn trọng đối thủ và không khoan nhượng.
"Thực sự thì tôi thấy việc nhịn ăn, nhịn uống để ép cân khó hơn nhiều so với việc thượng đài thi đấu. Tập luyện rất đói, phải ăn mới có sức nhưng nếu ăn nhiều thì sẽ bị tăng cân vì trước mỗi trận đấu, các võ sĩ đều phải lên bàn cân. Chỉ cần vượt quá trọng lượng cho phép, võ sĩ đó nghiễm nhiên bị loại", Ly chia sẻ.
Nhiều người khuyên Ly dừng lại để xây dựng tổ ấm nhỏ cho mình, cô vẫn liên tục lên kế hoạch để tham gia các giải đấu mới với hạng cân cao hơn. "Có thêm một tấm huy chương, niềm đam mê này lại nhân lên gấp bội", cô gái chia sẻ.
Hiện tại, Ly đang tập trung cho Sea Games 2021. Cô từng giành hai huy chương vàng Seag Gmes ở Myanmar và Philippines song giải đấu năm tới sẽ đặc biệt hơn khi tổ chức ở Việt Nam.
"Ước mong của tôi là giơ cao tấm huy chương vàng, hát Quốc ca Việt Nam và nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay trên chính quê hương của mình", Ly nói
Nguồn VNE