Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nửa đầu năm 2024, Tây Ninh tiết kiệm cho ngân sách hơn 420 tỷ đồng 

Cập nhật ngày: 19/08/2024 - 09:24

BTN - Tính chung, nửa đầu năm 2024, Tây Ninh tiết kiệm cho ngân sách 420.602,3 triệu đồng, gồm các nội dung chủ yếu như tiết kiệm trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán NSNN

“Căn cứ dự toán ngân sách được Trung ương giao năm 2024, UBND tỉnh xây dựng và phân bổ dự toán thu, chi ngân sách năm 2024 đúng Luật NSNN và Thông tư hướng dẫn số 51/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, bảo đảm đúng thời gian quy định.

Việc lập, phân bổ dự toán ngân sách bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Thực hiện công khai dự toán, quyết toán ngân sách, thẩm tra, thẩm định kinh phí theo đúng quy định, nâng cao ý thức tiết kiệm trong chi tiêu công quỹ, sử dụng điện, nước, điện thoại, xăng dầu công tác, nhằm có tiết kiệm để chi tăng thu nhập, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức”- báo cáo của UBND tỉnh về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng năm 2024 cho biết.

Cụ thể, tiết kiệm 166.448 triệu đồng trong việc lập, thẩm định phê duyệt, phân bổ dự toán NSNN (tiết kiệm dự toán chi thường xuyên theo chi đạo, điều hành của Chính phủ). Tiết kiệm trong sử dụng và thanh quyết toán NSNN 52.111,73 triệu đồng, trong đó, tiết kiệm chi quản lý hành chính 29.802,16 triệu đồng; tiết kiệm trong sửa chữa, mua sắm phương tiện đi lại 437 triệu đồng; tiết kiệm trong thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ 12.971,58 triệu đồng; tiết kiệm kinh phí giáo dục và đào tạo 8.901 triệu đồng; tiết kiệm các nội dung khác 7.198,73 triệu đồng…

Tính chung, nửa đầu năm 2024, Tây Ninh tiết kiệm cho ngân sách 420.602,3 triệu đồng, gồm các nội dung chủ yếu như tiết kiệm trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán NSNN; tiết kiệm qua sử dụng và quyết toán NSNN tiết kiệm qua sử dụng, quyết toán NSNN sai chế độ tiết kiệm các nội dung khác; tiết kiệm trong quản lý đầu tư xây dựng…

Liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tổng số cơ sở nhà đất là tài sản công đã xử lý sau khi sắp xếp như sau:

Số cơ sở nhà đất đã chuyển giao cho tổ chức khác của Nhà nước để tiếp tục quản lý, sử dụng trong năm 2023 là 8/108 cơ sở.

Số cơ sở nhà đất đã chuyển giao cho tổ chức khác của Nhà nước để tiếp tục quản lý, sử dụng từ ngày 1.1.2024 - 31.5.2024 là 4 trụ sở, trong đó, 4 cơ sở chuyển giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh.

Số cơ sở nhà đất đã điều chuyển cho tổ chức khác của Nhà nước để tiếp tục quản lý, sử dụng từ 1.1.2024 - 31.5.2024 gồm 4 trụ sở. Cụ thể, chuyển trụ sở nhà, đất của Trường tiểu học Hoà Đông - điểm Thanh niên (Trường tiểu học Hoà Đông A cũ) cho UBND xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên, theo Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 15.1.2024 của UBND tỉnh.

Điều chuyển trụ sở nhà, đất Trường tiểu học Thạnh Bình B (điểm Cao Su, Cây Cầy, Đồng Dài) cho UBND xã Thạnh Bình theo Quyết định số 102/QĐ-UBND ngày 15.12024 của UBND tỉnh.

Điều chuyển trụ sở làm việc (cũ) của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cho Ban Quản lý các khu di tích lịch sử Cách mạng miền Nam theo Quyết định số 222/QĐ-UBND ngày 29.1.2024 của UBND tỉnh.

Điều chuyển trụ sở nhà, đất Trường tiểu học An Đước cho UBND phường An Tịnh theo Quyết định số 280/QĐ-UBND ngày 5.2.2024 của UBND tỉnh.

Tổng số cơ sở nhà đất là tài sản công chưa xử lý sau khi sắp xếp hiện tại là 325 cơ sở.

Số cơ sở nhà đất thuộc diện xử lý sau khi sắp xếp nhưng chưa thực hiện xử lý do các đơn vị thực hiện, hồ sơ chưa đúng theo hướng dẫn. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền phối hợp, hướng dẫn các đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Riêng đối với 85 cơ sở nhà đất thuộc diện bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng giao đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên chưa triển khai thực hiện tổ chức bán đấu giá.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các cơ quan hành chính, toàn tỉnh có 290 đơn vị (cấp tỉnh 43 đơn vị, cấp huyện 153 đơn vị, cấp xã 94 đơn vị). Kết quả thực hiện cơ chế lự chủ, các đơn vị được giao kinh phí theo định mức phân bổ chi thường xuyên tại Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 9.1.2021 và Nghị quyết số 60/2023/NQ-HĐND ngày 8.12.2023 của HĐND tỉnh.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, toàn tỉnh có 516 đơn vị (cấp tỉnh 88 đơn vị, cấp huyện 428 đơn vị). Theo số liệu mới nhất, hiện chỉ có 4 đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (mức độ tự chủ nhóm 1); 32 đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2); 102 đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm 3); 378 đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 4).

“Các đơn vị sự nghiệp công lập đã chủ động sử dụng nguồn lực tài chính, lao động, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ được giao, chủ động phân bổ nguồn kinh phí theo nhu cầu chi thực tế, đảm bảo tiết kiệm để chi tăng thu nhập cho cán bộ, công chức và người lao động trên cơ sở định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo quy định hiện hành” - UBND tỉnh đánh giá.

Việt Đông