Ông Tô Bửu Giám kể về quá trình xây dựng Căn cứ Núi Ðất.
Nhớ thời “thịt cọp”, rau tàu bay
Ít ai biết rằng, ông Tô Bửu Giám là một trong những người có đóng góp rất lớn trong việc trùng tu, tôn tạo Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Năm nay 93 tuổi (hiện sống ở phường 12, quận 10, TP. Hồ Chí Minh), nhưng khi hay tin cán bộ, nhân viên Khu di tích tìm thấy Căn cứ Núi Ðất, ông bày tỏ nguyện vọng tha thiết được trở lại nơi này.
Ðể vào được Căn cứ Núi Ðất, tờ mờ sáng, ông cùng một số cán bộ, chiến sĩ từng phục vụ, công tác tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ đã thức dậy, khẩn trương vào rừng. Biết ông tuổi cao, sức yếu, đi đứng khó khăn nên lãnh đạo Ban quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam tỉnh Tây Ninh bàn bạc và thống nhất dùng võng và xe lăn để đưa ông vào Núi Ðất.
Ðất rừng mùa này khô ráo. Anh em đẩy xe lăn, để vị lão thành cách mạng có thể ngắm những bông hoa dại khoe sắc bên lối mòn. Những nếp nhăn trên mặt như giãn ra, ông nở nụ cười tươi rói. Trên đường xuyên rừng, những người từng sống và chiến đấu ở Trung ương Cục miền Nam hồi tưởng nhiều mẩu chuyện vui, đầy thú vị về một thời kháng chiến gian lao.
Một cán bộ lão thành kể, những ngày ở rừng, ai ai cũng phải thuộc nằm lòng quy định: “Ði không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, gà cũng phải đội kim cô”. Tôi không hiểu, hỏi lại “gà đội kim cô là sao?”. Ông giải thích, ở rừng cũng phải nuôi gà để cải thiện bữa ăn, nhưng gà trống thường hay gáy. Dù xung quanh cũng có nhiều gà rừng, nhưng bọn biệt kích Mỹ - nguỵ phân biệt được tiếng gà rừng với tiếng gà nhà.
Nếu để bọn chúng biết được có tiếng gà nhà trong rừng, chúng sẽ nghi ngờ có tổ chức cách mạng hoạt động, gọi pháo bắn phá. Ðể không bị lộ, anh em cán bộ - chiến sĩ dùng cây kim tây ghim chặt hai cái tích dưới cổ chú gà trống lại, làm nó không thể nào rướn cổ lên để gáy được.
Một vị lão thành khác đọc mấy câu thơ: “Sống cực khổ gian lao, chịu lam sơn chướng khí/ Ăn cháo măng le, ăn “thịt cọp”, rau tàu bay/ Ở cùng rắn rít, ve mò, hùm beo vượn khỉ”. Tôi lại tò mò hỏi: “Ðược ăn “thịt cọp” là quá ngon rồi, còn gì bằng nữa chú?”.
Ông cười ha hả: “Nói cho sang thôi, nó là muối hột đâm với ớt. Vì khi để muối vào cối đâm nghe tiếng kêu cộp cộp nên gọi là thịt cọp”. Ông nói thêm, còn chuyện rắn rít, ve mò, hùm beo vượn khỉ là cả một câu chuyện dài, kể hàng tháng trời không hết. Ông vẫn không thể nào quên được cảm giác “hãi hùng” khi bị ve mò cắn.
Theo lời ông kể, đó là một loại côn trùng nhỏ như ve chó, thường chui vào những vùng kín trên cơ thể để trú ngụ, gây ngứa ngáy, rất khó chịu. Vết cắn của chúng rất độc. Bị cắn, tìm gỡ chúng ra đã khó, đôi khi sót lại đôi càng ghim sâu vào da thịt làm vết thương sưng tấy lên, rất khó lành. Còn chuyện bị bệnh lang ben, “hắc lào” thì khỏi nói. Ai ở rừng đều dính mấy loại bệnh này, kể cả chị em phụ nữ.
“Pắc Pó” của Tây Ninh
Những câu chuyện về một thời gian lao, anh dũng chưa hết, đoàn đã vượt qua quãng đường dài 4,5km đến Căn cứ Núi Ðất. Nhìn gò đất cao khoảng 4m, hai cửa hầm đã sụp lún và đường giao thông hào xung quanh, các thành viên trong đoàn nhận ra đây chính là công trình hơn 50 năm trước, nhiều cán bộ - chiến sĩ đã ngày đêm đổ mồ hôi, xương máu xây dựng.
Các thành viên trong đoàn bày nhang đèn, hoa quả ra phần đất trống sát chân Núi Ðất, thắp hương tưởng nhớ những đồng đội đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông Tô Bửu Giám chia sẻ: tháng Giêng năm 1965, Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh, lúc đó là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, chỉ đạo xây dựng hầm kiên cố Núi Ðất này để tránh bom rải thảm của máy bay B52. Xung quanh Núi Ðất có hệ thống giao thông hào dẫn sâu vào rừng. Sau khi xây dựng xong, Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh có xuống căn hầm họp một lần.
Vì bom B52 không rải đến đây nên sau khi kết thúc chiến tranh, công trình vẫn còn nguyên vẹn. Cạnh Núi Ðất về hướng Ðông, còn xây dựng một căn nhà sàn cho Ðại tướng, phía dưới cũng có một căn hầm, xuống mười mấy bậc thang. “Tôi còn nhớ rõ, sau khi Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh không còn ở trong căn nhà sàn này nữa, mùa mưa, nước tràn vào ngập đầy căn hầm như cái giếng nước” - ông Giám kể.
Ông Giám (ngồi xe lăn) và một số thành viên trong đoàn chụp ảnh lưu niệm dưới chân Căn cứ Núi Ðất.
Ông Giám cho biết thêm, bao năm qua, ông và những người từng hoạt động ở đây rất trăn trở, làm sao tìm lại được Căn cứ Núi Ðất, nhưng mãi đến gần cuối năm 2017, sau 53 năm xây dựng mới tìm được. Bởi vì ông và mọi người xem suối Tiên Cô (một con suối trong Trung ương Cục miền Nam- NV) và Căn cứ Núi Ðất này giống như “Pắc Pó của Tây Ninh”.
Pắc Pó chỉ đạo cách mạng cả nước, còn nơi này chỉ đạo cách mạng miền Nam. Ông Giám ngẫu hứng đọc mấy câu thơ do ông sáng tác: “Ðây suối Tiên Cô kia Núi Ðất/ Chính đây Pắc Pó của Tây Ninh…”. Ông nói tiếp: “Tôi thường nói với anh em, chưa tìm được Núi Ðất, tôi chưa yên tâm nhắm mắt. Ðây là lần đầu tiên và cũng có thể là lần cuối cùng tôi về thăm lại nơi đây.
Ðối với tôi, Núi Ðất rất thiêng liêng. Khi biết được tin đã tìm được, chúng tôi báo cáo ngay cho Trung ương, đặc biệt là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng- con trai của cố Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh”. Ông Giám chỉ tiếc một điều là chưa tìm được nơi trước đây cất căn nhà sàn của cố Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Một số cán bộ cách mạng lão thành cùng đi trong đoàn bày tỏ ý muốn bảo tồn di tích Căn cứ Núi Ðất bằng cách xây tường gạch xung quanh, không cho đất chài xuống nữa, đồng thời cất một mái che bên trên để Núi Ðất không bị bị xói mòn, sụp lở. Mặt khác, xây cất kế bên di tích này một mô hình giống như Căn cứ Núi Ðất, nhưng sử dụng vật liệu bằng xi măng, cốt sắt cho chắc chắn, tương tự như những công trình đã từng phục dựng ở Căn cứ Trung ương Cục, để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử của du khách.
Dự kiến con đường vào Căn cứ Núi Ðất cũng sẽ mở rộng thêm, tráng bê tông xi măng và dùng xe ô tô điện để đưa khách tham quan đến đây. Ông Giám cũng tán thành theo phương án này. Ông bảo: “Ðừng phá bỏ cảnh quan này. Hãy giữ nguyên như thế và báo cho Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hay, để ông biết, về thăm”.
Trao đổi với chúng tôi về ý tưởng trùng tu, bảo vệ Căn cứ Núi Ðất, ông Phạm An Chiến- Phó Giám đốc Ban quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam tỉnh Tây Ninh cho biết, dự kiến sẽ xin chủ trương cho khôi phục lại Căn cứ Núi Ðất này. Hiện nay khó ở chỗ, vị trí của Căn cứ Núi Ðất nằm ngoài khu quy hoạch chung của Căn cứ Trung ương Cục. Vì vậy, phải chờ kết luận cuối cùng rồi mới tính tiếp là có trùng tu, khôi phục lại Căn cứ Núi Ðất hay không!.
ÐẠI DƯƠNG