Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Núi Bà Ðen-Một thời oanh liệt
Thứ hai: 05:47 ngày 23/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðã 43 năm đất nước không còn bom đạn chiến tranh. Núi Bà Ðen hôm nay đã phủ màu xanh cỏ cây và ngày càng đẹp hơn với những công trình tâm linh, du lịch, mỗi năm đón hàng triệu khách hành hương, và sắp tới đây sẽ được đầu tư để trở thành điểm du lịch trọng điểm, tương xứng với tiềm năng của núi. Nhưng dù phát triển thế nào, núi Bà vẫn sẽ mãi được ghi nhớ như là bản anh hùng ca một thời chống Mỹ.

Quân giải phóng gùi củi, gạo, lương thực về căn cứ trên vách núi.

Hiện nay, dấu vết một thời khói lửa vẫn còn đó. Nếu tìm đến bên vách núi, người ta vẫn thấy nhiều tảng đá in hằn những vết thương dọc ngang do bom cày đạn xới của những trận đánh ác liệt trên “chiếc nón lá úp giữa đồng bằng” giữa bộ đội ta và Mỹ-nguỵ.

Có vết đường kính rộng khoảng 50cm, ghim sâu vào từng tảng đá lớn nhỏ, có khi một tảng đá hứng chịu hai vết đạn. Ða số tảng đá khác, nhất là những tảng đá to, nằm gần hang động, hay trên đỉnh núi Bà thì vết đạn to nhỏ, nông sâu nhiều vô kể.

Theo năm tháng, những cây rừng bị bom đạn cày xới, nay đã đâm chồi, vươn cao. Nhiều loài hoa dại cũng chen nhau khoe sắc. Duy chỉ có những vết thương trên đá là vẫn còn nguyên vẹn.

Những thế hệ trẻ như chúng tôi chưa từng chứng kiến cảnh bom đạn chiến tranh nên thật khó hình dung lúc đạn bắn vào vách đá khủng khiếp như thế nào, tôi (người viết) nghĩ, bom đạn phải có sức công phá rất mạnh mới để lại những vết khoét nham nhở trên vách đá khổng lồ như thế.

Từ vết thương của đá, từ lời kể của những người trực tiếp cầm súng chiến đấu trên núi Bà Ðen trong thời kháng chiến chống Mỹ và từ bộ Lịch sử Ðảng bộ huyện Hoà Thành, trước mắt chúng tôi, những trận đấu đầy máu lửa như trở về thật sống động.

Lịch sử Ðảng bộ huyện Hoà Thành ghi rõ: thực hiện kế hoạch bình định có trọng điểm, đầu năm 1964, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, địch sử dụng tối đa các phương tiện chiến tranh hiện đại đánh phá, gom dân, khoanh dân lập ấp chiến lược (…).

Ba trung đoàn bộ binh với hàng chục xe bọc thép, hàng chục lần máy bay lên thẳng, máy bay phản lực đánh vào núi Bà, phía Tây xã Ninh Thạnh, Bắc Suối Ðá, Bàu Cỏ, Khedol, chiếm đỉnh núi, lập trạm quan sát.

Chiếm được đỉnh núi, địch liên tục tổ chức nhiều cuộc hành quân cấp tiểu đoàn, trung đoàn, đánh ra xung quanh núi cùng với bom pháo ngày đêm đổ xuống. Ðến giữa quý I năm 1964, địch chốt lính ở chùa Bà, đóng đồn cấp đại đội phía Nam chân núi, gom hết tăng ni, phật tử đưa về thị xã Tây Ninh.

Tháng 10.1965, địch dùng máy bay B52 oanh tạc rừng Suối Núc- nơi cơ quan Huyện uỷ Hoà Thành trú đóng, làm 3 đồng chí hy sinh. Những ngày sau, địch tập trung mở nhiều cuộc hành quân đánh phá có tính chất huỷ diệt vào vùng giải phóng.

Ðịch thường xuyên ném bom, bắn phá vào núi Bà. Mỗi ngày, đêm, chúng trút hàng ngàn quả đạn, pháo vào núi để hù doạ, tác động tin thần nhân dân, làm cho lực lượng vũ trang của ta không thể bám vùng ven, vùng tranh chấp. Ðồng thời, chúng dùng lực lượng tại chỗ càn quét liên tục để thực hiện kế hoạch bình định, cố triệt hạ hoặc đẩy ta ra khỏi vùng tranh chấp.

Là vị trí quân sự quan trọng, nên núi Bà được đế quốc Mỹ phòng ngự kiên cố. Ở ba mặt Tây, Nam, Bắc của núi, chúng đặt 3 cụm chốt, tạo thành hình tam giác. Mỗi chốt có 3 lô cốt, mỗi lô cốt bố trí 2 súng đại liên và 1 khẩu 21,7 ly.

Bên ngoài, chúng thả 3 vòng kẽm gai bung và rào 5 lượt rào kẽm gai. Xung quanh hàng rào được đặt mìn, trái sáng dày đặc, bên trong có 20 con chó berger ngày đêm sục sạo. Ngoài ra, còn có 1 đại đội kỹ thuật và 2 đội bảo an đóng quân.

Ông Phan Thanh Hùng (Phan Thành Quên), 72 tuổi, hiện ngụ ấp Long Yên, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành- một trong những người trực tiếp cầm súng chiến đấu ở núi Bà Ðen, kể lại: “Giai đoạn này, trên núi Bà thường diễn ra nhiều trận đánh giằng co, ác liệt giữa quân cách mạng và quân địch”.

Trong đợt tổng tiến công và nổi dậy 1968, quân ta chia thành 3 phân đội, tấn công vào 3 lô cốt của địch. 3 chiến sĩ đặc công cảm tử của ta đột nhập, đánh bộc phá làm sập khu trung tâm. Sau đó, lực lượng của ta liên tục nã B40, B41 vào từng lô cốt.

Với những cú đánh bất ngờ này, ta đã làm cho địch rệu rã tinh thần, vì chúng cho rằng đây là một cứ điểm bất khả xâm phạm. Sau đó, ta diệt toàn bộ cứ điểm núi Bà, tiêu diệt gần 400 tên địch, trong đó có hơn 100 lính Mỹ và bắt sống chuyên viên truyền tin của Mỹ.

Sau ba đợt tấn công năm 1968, ta đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Tuy nhiên, địch phản kích, bung ra đánh phá với nhiều thủ đoạn.

Ðể bảo toàn lực lượng, Huyện uỷ Toà Thánh (tiền thân của huyện Hoà Thành hiện nay) chủ trương chỉ để lại một bộ phận lực lượng vũ trang bám trụ đánh địch, Văn phòng và một số cơ quan tạm thời chuyển qua rừng Nhum (huyện Bến Cầu). 

Năm 1969, đơn vị Ðặc công 429 của Bộ Chỉ huy Miền phối hợp với lực lượng vũ trang huyện Toà Thánh nhận nhiệm vụ đánh chiếm núi Bà một lần nữa. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức quyết liệt. Ta diệt được 220 tên địch và bắt sống 1 tù binh Mỹ.

Ðến trung tuần tháng 11.1970, ta quyết định lần lượt rút các cơ quan tỉnh, huyện về Suối Núc- một căn cứ khác của Huyện uỷ Toà Thánh, còn một bộ phận ở lại bám giữ núi Bà.

Trước kẻ địch đông hơn gấp nhiều lần, lực lượng bám núi vẫn kiên trì chống trả. Do bị địch phong toả gắt gao trong thời gian dài, lương thực không tiếp tế được, có lúc, các cán bộ, chiến sĩ ở núi phải ăn tạm cây chuối, củ nhớt, dơi và thằn lằn núi để đủ sức chiến đấu.

Vào mùa khô, nước sinh hoạt cũng thiếu, quân ta tiết kiệm tối đa, không vo gạo, không tắm giặt mà chỉ để uống từng chút thấm giọng. Dù chiến đấu trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, nhưng các những chiến sĩ vẫn chấp hành nghiêm chỉnh lệnh bảo vệ toàn căn cứ do Huyện uỷ giao phó.

Lực lượng bảo vệ núi đã nương tựa vào địa hình hiểm trở, hang động quanh co trên núi tổ chức đánh địch. Ban ngày đánh địch, ban đêm tập trung ở động Cây Da- một trong những căn cứ Huyện uỷ- để kiểm điểm và vạch phương án chiến đấu cho ngày hôm sau. Các chiến sĩ còn đăng ký thi đua diệt địch lập công.

Dù rất gian nan, nhưng lực lượng bảo vệ núi càng đánh càng mạnh và chuyển dần sang thế chủ động tấn công quân địch. Hằng ngày, cứ khoảng 3-4 giờ sáng, các tổ chiến đấu chia nhau bám sát nơi địch đóng quân, dùng pháo và súng B40 bắn phá làm chúng hoang mang lo sợ.

Ngoài ra, các chiến sĩ còn dùng súng trường, súng AK bắn tỉa, khiến địch không dám đi lấy nước và nấu cơm. Khi đoàn xe tiếp tế lương thực của địch vừa đến chân núi, quân ta dùng súng cối bắn xuống, phá huỷ 2 xe GMC và 1 xe Dodge, gây thương vong 10 tên địch. Lính dù của địch ở trên đỉnh núi đánh xuống cũng bị quân ta ngăn chặn nên không tiến xuống được.

Sáng ngày 20.11.1970, Mỹ tăng cường chi viện 3 máy bay trực thăng, bắn phá quanh các hang núi. Sau khi lượn một vòng bắn phá, có một chiếc trực thăng sà xuống thấp để trinh sát, tìm kiếm dấu vết của quân ta. Tận dụng cơ hội này, đồng chí Mười Thước đã dùng súng AK bắn hạ chiếc máy bay này.

Gần 2 tháng dùng pháo bầy, xe tăng, máy bay yểm trợ, địch không đánh bật được lực lượng của ta ra khỏi núi. Ðến đầu tháng 12.1970, do tổn thất nặng nề và phải yểm trợ những nơi khác, địch rút lui khỏi núi. Không chiếm được núi, địch dùng thủ đoạn thâm độc, tàn ác khác để chống phá. Chúng thả hơn 200 thùng chất độc hoá học xuống núi để huỷ diệt môi trường và phá huỷ nguồn nước ngầm trên núi.

Ngày 6.1.1975, Phước Long (nay là huyện của tỉnh Bình Phước) là tỉnh đầu tiên được giải phóng. Sự kiện này đã tác động mạnh đến tinh thần của nguỵ quyền và binh lính của địch ở Tây Ninh.

Ngày 7.1.1975, bằng trận tiến công quyết định, quân ta đã giải phóng núi Bà. Từ đó, quân ta khống chế hoàn toàn mọi hoạt động của địch ở thị xã Tây Ninh và các vùng lân cận. Quân địch hốt hoảng, vội thay đổi kế hoạch, từ bung ra, càn quét, lấn chiếm để bình định, phải co về phòng thủ, án ngữ và bình định tại chỗ.

Quân giải phóng vượt vách đá núi Bà, tiến công đánh vào cứ điểm.

Sau khi giải phóng đỉnh núi, Huyện uỷ Toà Thánh thành lập Ban quản lý khu vực núi. Suốt thời gian một tháng sau đó, quân địch thường xuyên đánh phá, lấn chiếm núi. Các lực lượng của huyện kết hợp với bộ đội chủ lực và du kích Miền chiến đấu vô cùng ác liệt để giữ núi.

Ðầu tháng 3.1975, địch tổ chức càn quét để tái chiếm núi Bà lần thứ ba. Chúng dùng 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 46, 49 thuộc Sư đoàn 25 phối hợp với Liên đoàn 81 biệt kích dù, với sự yểm trợ tối đa của phi pháo, đã mở cuộc hành quân tái chiếm núi. Ðịch chia thành hai mũi tiến công từ lộ 4 và lộ Bình Dương vào núi.

Hơn 10 ngày bị phản kích ác liệt, địch không thực hiện được kế hoạch tái chiếm. Cuối cùng, chúng đành phải chốt cụm lại ở khu vực sân Bia và mạch nước Hai Tùng để bao vây lực lượng bám trụ của ta ở núi.

Chúng dùng chiến thuật, vào ban đêm, từng toán nhỏ thọc sâu đánh phá hoặc thả biệt kích xuống các khu vực ta đang chiếm giữ để chỉ điểm cho phi pháo đánh phá. Ðến giữa tháng 3.1975, bị toàn chiến trường miền Nam căng kéo, quân địch mới từ bỏ ý định chiếm lại núi Bà.

Sau ngày miền Nam giải phóng, non sông liền một dải, núi Bà đã trở lại là ngọn núi hiền hoà, tươi mát và trở thành khu du lịch quốc gia. Trên đỉnh núi hiện nay vẫn còn sân bay dã chiến của Mỹ - nguỵ, di tích của một thời chiến tranh đẫm máu.

Mặc dù đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng những ai đặt chân lên ngọn núi thiêng liêng, hùng vĩ này đều không khỏi bùi ngùi trước những di tích lịch sử, vì chúng luôn nhắc nhở về một thời rực lửa chiến tranh.

Ðại Dương

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh