Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nước phăng phăng từ khe núi ập về, cuốn phăng cả đá to, cây cổ thụ ở Yên Bái, Hoà Bình. Nước vật ngã cả ta-luy vách đá bờ đường, đổ sập xuống nhà dân hay đường xe lửa. Nước mênh mông tràn ngập những cánh đồng, ao cá, dòng sông ở Thanh Hoá, Ninh Bình.
Trời ạ, nước ở đâu ra mà lắm thế! Trên màn hình ti vi những ngày giữa tháng 10.2017, toàn cảnh mênh mông nước lũ. Nước phăng phăng từ khe núi ập về, cuốn phăng cả đá to, cây cổ thụ ở Yên Bái, Hoà Bình. Nước vật ngã cả ta-luy vách đá bờ đường, đổ sập xuống nhà dân hay đường xe lửa. Nước mênh mông tràn ngập những cánh đồng, ao cá, dòng sông ở Thanh Hoá, Ninh Bình.
Ðê vỡ ở Thọ Xuân, huyện phải lao cả máy xúc xuống chặn dòng tức khắc. Nghệ An, Hà Tĩnh vừa dọn lũ đợt trước chưa xong, nay lũ mới lại về xoá sạch biết bao công sức. Ngay Hà Nội cũng có nguy cơ vỡ đê ở sông Hồng đoạn qua huyện Chương Mỹ. Nhiều con đường đã bị chia cắt hoặc thành suối thành sông. Hàng chục ngàn nhà dân bị cuốn trôi và ngập. Hàng trăm thôn xóm đã bị cô lập hoàn toàn giữa nước mênh mông. Hàng chục người đã chết hoặc bị trôi mất tích. Một nhà báo và vài cán bộ công vụ cũng đã hy sinh trong lũ dữ. Còn biết bao cảnh tàn khốc và đau thương trên khắp các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Bắc miền Trung. Thiệt hại là vô chừng, chưa thể tính. Chỉ biết là biết bao cơ nghiệp của người dân và Nhà nước đã tiêu tan.
Giữa đống lộn xộn ngổn ngang do lũ, hiện lên vài hình ảnh thật đau lòng. Những ngôi nhà chỉ còn là mảnh vụn dưới đất, đá ngổn ngang. Một con trâu chết trồi lên sạm màu như đá tảng. Hàng trăm con heo cỡ bự lập lờ nổi trong làn nước đỏ. Chết chóc. Và sau đó là môi trường bị ô nhiễm nặng nề cần khắc phục. Tàu, thuyền chở bộ đội, công an đi cứu người ngay giữa những nơi trước là đường sá hay đồng bãi. Phóng viên tiếp cận hỏi chuyện người dân ngay sau thảm hoạ. Một bà cao tuổi chỉ còn có thể thốt lên: lũ ác quá!
Vâng, lũ lụt đợt này chỉ có thể gọi tên là “Ác Quá”. Trong khi đó ở miền Tây, nước lũ đã tràn về mênh mông nhưng ít phù sa và ít cá. Nhiều nơi sạt lở bờ sông. TP.Hồ Chí Minh đã phải dùng máy siêu bơm hàng ngàn mét khối một giờ chống chọi với triều cường và mưa. Tại Tây Ninh cũng mưa gió sập sùi cả ngày với nhiều trận mưa to. Sáng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10, nước rạch Tây Ninh đã ngập đến hết phần móng bờ kè. Con đường xuống bờ rạch theo lối hẻm quán Ðồng Quê, đường 30.4 có lúc đã ngập nửa bánh xe. Lại nhớ tháng 10 năm ngoái, nước còn ngập to hơn nữa. Người dân ven sông bảo, đã 16 năm mới có lũ cao như thế. Thì năm nay, chẳng biết sẽ ra sao? Nhưng chỉ thế này thôi, đã miên man lắm trên các dòng sông Sài Gòn, Vàm Cỏ.
Dân gian có câu “thuỷ hoả đạo tặc” cơ mà! Nghĩa rằng nước đứng đầu bảng cái tội gây ra thiên tai. Không có gì mềm mại, dịu dàng, hiền hoà như nước nhưng cũng chẳng có thế lực nào đáng sợ, hung dữ như nước. Những doanh nhân có tiếng ở Tây Ninh quê ở những vùng thảm hoạ thiên tai miền Bắc chắc lúc này đang đau đáu với quê hương. Dĩ nhiên, các đoàn thể, tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, chùa núi Bà hay chùa Cẩm Phong đang có kế hoạch cứu trợ khẩn cấp những miền quê bị thiệt hại nặng nề sau khi lũ rút. Ðây chính là lúc cần nhất sự sẻ chia theo truyền thống dân tộc- những “Lá lành đùm lá rách” hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”.
Tôi lại nhớ, chỉ vào tuần trước, Ni trưởng Viện chủ hệ thống các chùa núi Bà- cô Năm Nghĩa, dù tuổi đã 95 vẫn lụi cụi bên chiếc xe chở hàng cứu trợ ra miền Trung sau bão số 10. Cũng nhớ nhiều doanh nhân Tây Ninh luôn có mặt, góp phần mình trong các đợt giúp đỡ đồng bào nghèo khó. Nhiều người trong số họ là phụ nữ như các chị ở CLB Phụ nữ từ thiện, như các bà, các chị Tư Lan, Ðịnh Khuê, Võ Thị Lấn (Tâm Lan)… và nhiều người khác nữa. Họ đã như dòng nước mát lành, cho những phận lục bình nổi trôi nương tựa. Họ cũng góp phần cho dòng sông quê hương tươi mát, hiền hoà. Ngày thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam tới rồi. Xin kính chúc các bà, các chị cũng luôn sáng trong, dịu dàng và mạnh mẽ như dòng nước những ngày không lũ.
NGUYỄN