BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nước đá- có thấy mới sợ

Cập nhật ngày: 06/05/2009 - 06:19

Nắng nóng oi bức, trong người mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mệt mỏi, khát nước v.v… những lúc như thế, nhìn thấy ly nước đá mát lạnh, quyến rũ với những cục nước đá bốc hơi lạnh thì quả là hấp dẫn. Thế nhưng, nếu biết được quy trình sản xuất nước đá, cũng như “tận mục sở thị” cách họ sản xuất, mới thấy rằng trong những viên đá mát mẻ kia cũng tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Nước đá kèm bụi bẩn

“Trang phục tà lỏn” khi lấy nước đá thành phẩm

Theo đánh giá của cá nhân người viết, phần lớn các cơ sở, nhà máy sản xuất nước đá trên địa bàn tỉnh đều sử dụng máy móc, thiết bị lạc hậu, công nghệ sản xuất cũ... Trong đó, quy trình sản xuất nước đá chủ yếu qua các khâu sau: nước được lấy từ nguồn công ty cấp nước hoặc lấy thẳng từ giếng khoan qua hệ thống lọc, vào hồ lắng nước rồi cho vào các khuôn, qua hệ thống làm lạnh (sử dụng khí amoninac) để từ 12 đến 20 giờ chuyển nước thành đá cây và xuất xưởng. Trong quá trình sản xuất nước đá, thiết bị dễ bị ôxi hoá, rỉ sét nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hỏi các cơ sở sản xuất nước đá thì đều nhận được câu trả lời là không có hệ thống xử lý nước thải mà chủ yếu là thải trực tiếp ra ngoài môi trường. Vì vậy, việc gây ô nhiễm môi trường là điều khó tránh khỏi.

Hiện tại, nước đá là nguyên liệu không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Lâu nay chúng ta chỉ tập trung vào vấn đề thực phẩm kém chất lượng, mất vệ sinh nhưng không ai để ý đến nước đá. Có lẽ do quan niệm còn khá thoáng của người tiêu dùng nên nước đá không bị xếp vào hàng

Khu sản xuất tạm bợ, đóng rêu xanh, nhiều thiết bị rỉ sét cũng vẫn được sử dụng

“thực phẩm” nguy hiểm. Ít ai biết rằng, nước đá nhiễm bẩn cũng có thể là nguyên nhân gây nên các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt với các vi trùng gây bệnh lỵ, tả, thương hàn… Nhiều cơ sở sản xuất nước đá còn để cho khí amoniac rò rỉ ra bên ngoài, ảnh hưởng môi trường xung quanh. Hồ lắng nước ở các cơ sở sản xuất đa phần không lát gạch men theo quy định, mà chỉ trám xi măng thô, rong rêu bám đầy, không có nắp đậy kín. Nếu có thú vật rơi vào và chết trong hồ, chắc chắn những người làm ở đây cũng không thể hay biết vì hồ chứa nước sâu, che đậy thô sơ, lại nằm trong tối, không thể nhìn rõ trong hồ có gì.

Đa phần các cơ sở sản xuất nước đá có bề ngoài trông nhếch nhác và tạm bợ. Trần nhà lợp bằng tôn rỉ sét, mạng nhện giăng đầy. Có cơ sở còn nằm cạnh khu chăn nuôi heo và gà, che chắn sơ sài nên mỗi khi gió thổi là bụi từ trần nhà lẫn đất cát bên ngoài bốc lên, bám vào các khuôn làm đá. Bà T. chủ cơ sở sản xuất nước đá ở Thị xã còn bảo cơ sở của bà 6 tháng là súc rửa hồ lắng một lần, bảo đảm sạch trơn. Tuy nhiên, nhìn hồ lắng che chắn tạm bợ, xung quanh hồ là nước thải lẫn phân súc vật gây mất vệ sinh nghiêm trọng. Cũng như nhiều cơ sở sản xuất nước đá khác, cơ sở này không cho công nhân khám sức khoẻ định kỳ, không có bảo hộ lao động, không kiểm tra nguồn nguyên liệu nước lẫn thành phẩm theo định kỳ.

Chất lượng thả nổi

Trong những cơ sở sản xuất nước đá được kiểm tra vừa qua, rất ít cơ sở trình đầy đủ các giấy tờ cần thiết như giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy khám sức khoẻ của nhân viên, giấy chứng nhận kiểm tra nguồn nguyên liệu nước và thành phẩm theo định kỳ v.v… Có không ít cơ sở còn có vẻ không hiểu về các loại giấy tờ kể trên. Dường như họ chỉ cần biết đến giấy phép kinh doanh là đủ!

Theo quan sát, bên trong một vài cây nước đá chuẩn bị đưa ra thị trường còn có màu vàng đóng ở gần cuối khuôn đá. Nhiều cơ sở còn để mặc nhân viên ở trần, mặc độc cái quần đùi, “vô tư” mang đôi dép bẩn đầy nước đi… trên các miệng khay chế biến nước đá. Có nơi, nước đá được dán nhãn “tinh khiết”, nhưng công nhân cứ việc dùng chân đạp vào khuôn để lấy đá ra ngoài.

Vận chuyển nước đá trên những chiếc xe lôi cũ kỹ, không cần che đậy.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, không chỉ nhà sản xuất, mà ngay cả người tiêu dùng cũng không quan tâm đến chất lượng nước đá như thế nào. Đa phần đều cho rằng, trong môi trường lạnh bị đóng băng như nước đá thì làm gì có vi khuẩn nào sống sót. Tuy nhiên, phải biết rằng, góp phần vào việc làm nước đá bị nhiễm bẩn không chỉ có các nhà sản xuất, mà còn do quá trình vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Những chiếc xe lôi cũ kỹ, rỉ sét, bùn sình dính đầy thùng xe, nước đá được chở đi không cần che đậy và “vô tư” hứng bụi đường cũng đã làm cho chất lượng nước đá ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Yên Khuê