Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhà nước:
Nước đã đến chân
Thứ sáu: 06:52 ngày 09/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy Nhà nước, trong đó có các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ công, giảm thiểu sự lãng phí, chồng chéo đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Sở GD-ĐT đang xây dựng kế hoạch tổ chức lại mạng lưới các trường tiểu học và trung học cơ sở. Trong ảnh, thí sinh THCS tham dự kỳ thi Olympic tiếng Anh.

Sau khi Trung ương Đảng khoá XII ban hành Nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, ngày 24.1.2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 08/NQ-CP nhằm cụ thể hoá nghị quyết của Đảng. Có thể nói, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy Nhà nước, trong đó có các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ công, giảm thiểu sự lãng phí, chồng chéo đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

GIẢM 20% ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP VÀ GẦN 400.000 BIÊN CHẾ

Theo Nghị quyết 08 của Chính phủ, đến năm 2021, cả nước giảm tối thiểu bình quân 10% (bằng 5.792) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 205.369) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015.

Đến năm 2021, có 10% (bằng 5.792) đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015. Đến thời điểm đó, tức năm 2021, hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học); hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.213) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 184.832) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021. Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Tối thiểu 20% (bằng 10.426) đơn vị tự chủ tài chính, 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.

Đến năm 2030 chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, quản lý Nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% (bằng 166.349) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021-2025.

DSC_6834.JPG

Phòng khám đa khoa khu vực Bình Thạnh (bảng chỉ dẫn mang tên Trạm y tế xã Bình Thạnh) huyện Trảng Bàng.

TỔ CHỨC LẠI MẠNG LƯỚI GIÁO DỤC, Y TẾ

Chính phủ yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại toàn bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó, đối với lĩnh vực giáo dục mầm non, phổ thông, các tỉnh, thành phải rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể.

Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học, thu gọn các điểm trường, bảo đảm nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương, thực hiện từ năm 2018, hoàn thành trong quý IV năm 2019. Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, rà soát, sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả.

Sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh theo hướng về cơ bản chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập. Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện, hoàn thành trong quý IV năm 2019.

Đối với lĩnh vực y tế, điều chỉnh, sắp xếp lại các bệnh viện bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận thuận lợi về mặt địa lý; thực hiện thống nhất mô hình mỗi cấp huyện chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng (trừ các huyện có bệnh viện đạt hạng II trở lên), bao gồm y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác; trung tâm trực tiếp quản lý trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực (nếu có).

Rà soát, sắp xếp hợp lý các phòng khám đa khoa khu vực, nghiên cứu, sắp xếp lại các trạm y tế xã theo hướng nơi đã có cơ sở y tế trên địa bàn cấp xã thì có thể không thành lập trạm y tế xã, hoàn thành trong quý I năm 2020; hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh thành trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cùng cấp trên cơ sở sáp nhập các tổ chức, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ và hoạt động lồng ghép, hoàn thành trong năm 2020.

DSC_6869.JPG

Phòng khám đa khoa khu vực Tân Đông (huyện Tân Châu).

Trong lĩnh vực văn hoá, thể dục, thể thao, UBND tỉnh, thành phố cho rà soát, sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Sáp nhập các trung tâm có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành một đầu mối; sáp nhập các trung tâm văn hoá, trung tâm thể thao, nhà văn hoá... trên địa bàn cấp huyện thành một đầu mối; kiện toàn, củng cố thư viện công cộng cấp huyện, hoàn thành trong quý IV năm 2019.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; sắp xếp lại, giảm mạnh đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp. Hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông, khuyến ngư... cấp huyện thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện và chuyển một số chức năng, nhiệm vụ về quản lý Nhà nước ở các đơn vị này về phòng nông nghiệp (hoặc phòng kinh tế) cấp huyện.

Sáp nhập các cơ quan tương ứng ở cấp tỉnh, đưa chức năng quản lý Nhà nước của các cơ quan này về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Rà soát, sắp xếp lại, kiện toàn các ban quản lý rừng phòng hộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thực hiện từ năm 2018, hoàn thành trong quý IV năm 2019. Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường: chuyển các trung tâm phát triển quỹ đất về trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý, hoàn thành trong quý IV năm 2018.

NÊN GIẢI THỂ PHÒNG KHÁM ĐA KHOA KHU VỰC ?

Thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng, và mới đây nhất là của Chính phủ, các cấp, các ngành ở Tây Ninh đã và đang tiến hành những bước đi đầu tiên trong việc sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập. Sở Nội vụ đã có bước đi tiên phong khi cho sáp nhập, sắp xếp lại một số phòng và cơ quan trực thuộc Sở.

Trước khi sắp xếp lại, Sở Nội vụ có 6 phòng chuyên môn, 3 cơ quan trực thuộc Sở, 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc chi cục. Sau khi tổ chức lại, chỉ còn 5 phòng chuyên môn, 2 cơ quan và 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; giảm một phòng và một chi cục (Phòng Cải cách hành chính và Chi cục Văn thư - Lưu trữ). Sau khi giải thể, công tác cải cách hành chính sẽ được bố trí lại.

Động thái của Sở Nội vụ đã nhận được sự phản hồi tích cực của dư luận. Sau Sở Nội vụ, cách nay chỉ ít ngày, tại hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2017-2018, Sở Giáo dục - Đào tạo đã công bố chi tiết, lộ trình cụ thể về việc sáp nhập các trường phổ thông có quy mô nhỏ hoặc các trường có cự ly gần nhau.

Cụ thể, đối với các trường tiểu học có nhiều điểm lẻ, điểm phụ, sẽ sáp nhập điểm lẻ, điểm phụ về điểm chính để có điều kiện đầu tư trang bị và tổ chức dạy học tốt hơn. Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 104 điểm phụ thì đến năm học 2017-2018 chỉ còn 94 điểm. Ngành phấn đấu đến năm học 2019-2020, con số này sẽ giảm xuống còn 80.

Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án sáp nhập một số trường ở cấp trung học phổ thông (THPT). Theo tinh thần này, các trường THPT có khoảng cách địa lý gần nhau mà tuyển sinh đầu cấp khó khăn, không đạt chỉ tiêu, trường nào có số học sinh, số lớp ít sẽ phải sáp nhập vào trường có quy mô lớn hơn. Nếu mọi việc thuận lợi, vào năm 2020 sẽ bắt đầu thực hiện lộ trình sáp nhập.

Ngoài sáp nhập trường học, Sở cũng đang xây dựng kế hoạch tham mưu cấp có thẩm quyền tổ chức lại mạng lưới các trường tiểu học và trung học cơ sở theo hướng trường phổ thông cơ sở có nhiều cấp học, tức trong một trường có cả học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

Về y tế, việc sáp nhập các đơn vị và trung tâm trực thuộc Sở Y tế là điều phải làm. Chức năng chồng chéo, trùng lặp dẫn đến lãng phí cả nhân lực lẫn cơ sở vật chất. Ngành Y tế Tây Ninh còn một vấn đề khác cần quan tâm, đó là cân nhắc xem có nên duy trì sự tồn tại của Phòng khám đa khoa khu vực Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng) và Phòng khám đa khoa khu vực Tân Đông (huyện Tân Châu) hay không.

Thực tế chứng minh rằng, cả hai phòng khám đa khoa khu vực này hoạt động không hiệu quả. Chỉ cần dẫn chứng số lượt người đến khám tại Phòng khám đa khoa khu vực Bình Thạnh là có thể chứng minh phần nào cho nhận định nêu trên. Cụ thể, tổng số lượt người khám, chữa bệnh năm 2015 là 9.083 lượt, năm 2016 giảm xuống còn 8.043 lượt và 6 tháng đầu năm 2017 có 4.226 lượt (lưu ý, đây chỉ là con số trên các báo cáo).

Theo số liệu báo cáo của Phòng khám đa khoa khu vực Tân Đông, năm 2015 có 8 sản phụ đến sinh con, năm 2016, số lượng sản phụ đến sinh con chỉ còn 2 người và 6 tháng đầu năm 2017, không có ai đến sinh nữa. Cả hai phòng khám đa khoa khu vực nói trên được xây dựng khang trang, quy mô từ 16 - 20 phòng với trang thiết bị y tế tương đối đầy đủ. Nhưng cả hai đơn vị này có một điểm chung, đó là hoạt động không hiệu quả.

Ngoài nội vụ, giáo dục và y tế, các lĩnh vực khác như nông nghiệp, khoa học công nghệ cũng cần khẩn trương tổ chức lại vì sự cồng kềnh, nặng tính hình thức. Một điều đáng chú ý là, nghị quyết của Trung ương không đề cập đến chuyện nên hay không nên tiếp tục duy trì mô hình bưu điện văn hoá xã và trung tâm văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng. Các thiết chế văn hoá này cần bỏ càng sớm càng tốt.

Thậm chí, các đoàn văn công quốc doanh cũng không nên tồn tại, khi mỗi buổi biểu diễn, số người đến xem chỉ dăm ba chục. Cho đến nay, có nhiều thiết chế văn hoá, thậm chí cả cách thức tổ chức bộ máy Nhà nước vẫn mang đậm dấu ấn của thời bao cấp. Điều này không còn phù hợp và không nên tồn tại trong một xã hội hiện đại.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh