Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nước lá vối tốt cho sức khỏe, nhưng uống nhiều có hại ra sao?
Thứ sáu: 10:05 ngày 16/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nước lá vối tốt cho sức khỏe, lợi tiêu hóa, phòng chữa nhiều bệnh, có thể uống hằng ngày nhưng chỉ nên dùng một ấm như ấm trà/ngày để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng bài tiết của thận, hệ tiêu hóa...

Lá vối có tác dụng giải khát và chữa bệnh - Ảnh minh họa

Nụ vối, lá vối khô đều rất tốt

Hiện nay nhiều người thích dùng lá vối tươi làm trà uống hằng ngày nhưng nhiều người lại cho là độc... Trao đổi về vấn đề này, ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết có thể thu hái lá dùng tươi nhưng cũng có thể ủ cho lên men trước khi dùng.

Thông thường người ta vẫn dùng lá và nụ tươi phơi khô làm thuốc.

Thành phần hóa học trong lá vối chứa ít tanin, những vết alcaloid (thuộc nhóm indolic) gần gũi với cafein và một lượng tinh dầu (4%) bay hơi, thơm. Các bộ phận khác nhau của cây còn chứa các sterol, các chất béo, tanin catechic và gallic. Lá và nụ chứa acid triterpenic.

Về tác dụng dược lý: Lá vối chứa một số chất kháng sinh có khả năng diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Streptococcus, Staphylococcus, vi khuẩn bạch hầu, phế cầu, Salmonella, Bacillus subtilis.

Chính vậy mà lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi như một loại thuốc sát khuẩn dùng trị liệu các bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt hoặc lấy lá vối tươi nấu lấy nước đặc để gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.

Nụ vối chứa một hàm lượng polyphenol cao (tương đương 128mg catechin/gam trọng lượng khô) và hoạt chất ức chế men alpha-glucosidase nên có thể hỗ trợ phòng và điều trị chứng tiểu đường.

Theo lương y Bùi Hồng Minh - chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình, Hà Nội, trong y học cổ truyền, lá vối vị đắng, chát, tính mát, kích thích tiêu hóa, tán thũng, chỉ huyết, sinh cơ. Lá vối nấu nước để uống vừa thơm, vừa tiêu thực, có công dụng giúp tiêu hóa thức ăn, nhất là thức ăn có nhiều dầu mỡ, giảm béo, lợi tiểu tiêu độc.

Trong lá vối có saponin, ancaloit, acid triterpenic và rất ít tanin. Dùng thường xuyên lá vối có tác dụng hỗ trợ tiêu tích, kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, bảo vệ niêm mạc ruột, hỗ trợ giảm mỡ máu, chống oxy hóa.

Theo lương y Minh, lá vối tươi còn nhựa sẽ không tốt cho một số người, dùng lá vối khô an toàn hơn cho tiêu hóa. Muốn lá vối ngon, theo kinh nghiệm dân gian sau khi thu hoạch phải rửa sạch nhựa, phủ rơm rạ ủ trong các thùng kín, thúng hoặc bồ, rồi phơi khô, bảo quản dùng dần.

Trà nụ vối sử dụng đúng tốt cho sức khỏe - Ảnh minh họa

Bài thuốc đông y trị bệnh từ vối

ThS Hoàng Khánh Toàn cho biết trong đông y, có nhiều bài thuốc dùng lá vối khô, nụ vối và quả vối (mạn kinh tử) để hỗ trợ phòng và chữa bệnh:

- Giảm mỡ máu: Nước lá vối sắc đặc có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, giảm huyết áp do gan nóng, tiêu đờm bình suyễn.

Dùng lá nấu nước uống hằng ngày để tiêu thực, làm giảm mỡ trong máu, về mùa hè (theo nghiên cứu của Viện Đông y Trung ương 1968). Dùng khô ngày uống 20g, lá tươi ngày dùng 40g.

- Đau đầu, mắt mờ: Mạn kinh tử (hạt vối) 10g, cúc hoa 8g, tế tân 3g, xuyên khung 6g, cam thảo 4g, bạch chỉ 6g, sắc với 600ml nước lấy 200ml chia 3 lần uống trong ngày, uống trước khi ăn. Uống liên tục 20 ngày.

- Gan nhiễm mỡ: Mạn kinh tử 20g, hạ khô thảo 20g, hà diệp (lá sen phơi khô) 20g, ô mai 5 quả đun nước uống hằng ngày...

- Hỗ trợ điều trị gout: Lá và nụ cây vối có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa thức ăn nhiều dầu mỡ, lợi tiểu, thải độc giúp tăng đào thải acid uric. Từ đó hỗ trợ giảm nguy cơ hình thành bệnh gout.

- Mụn nhọt, lở loét: Lá sắc đậm đặc có tác dụng như thuốc kháng sinh, sát trùng để rửa mụn nhọt, lở loét, ghẻ.

Ngoài ra, ở Ấn Độ và Trung Quốc đều dùng các bộ phận của cây vối trong hỗ trợ trị cảm mạo, đau đầu phát sốt, lỵ trực khuẩn, viêm gan, bệnh mẩn ngứa, viêm tuyến sữa, ngứa ngáy ngoài da, bệnh nấm ở chân, vết thương...

Chớ nên dùng nhiều

Các chuyên gia cho biết duy trì thường xuyên một lượng nước vối phù hợp sẽ giúp hỗ trợ hạ mỡ máu, bảo vệ tế bào B tuyến tụy, hỗ trợ tim mạch...

Lá vối có thể uống hằng ngày nhưng mỗi ngày chỉ nên sử khoảng một ấm trà để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng bài tiết của thận. Đặc biệt, khi uống nước vối cần lưu ý:

- Ảnh hưởng trên hệ tiêu hóa: Lá vối có tác dụng vô cùng tốt trên hệ tiêu hóa. Lá vối có vị đắng nhẹ giúp kích thích tiêu hóa tốt, ăn ngon miệng. Ngoài ra, thành phần tanin trong lá vối có vai trò bảo vệ niêm mạc đường ruột, tinh dầu lá vối có tính kháng khuẩn cao kháng lại vi khuẩn gây bệnh đường ruột.

Tuy nhiên uống quá nhiều nước lá vối không tốt cho hệ tiêu hóa, đặc biệt khi uống nước lá vối ngay sau bữa ăn. Với công dụng cải thiện tiêu hóa, lá vối sẽ làm tăng nhu động ruột. Thức ăn ở ruột non chưa kịp hấp thu đã bị đẩy xuống ruột già và thải trừ ra ngoài. Vì vậy rất dễ gây hiện tượng đi ngoài phân sống, tiêu chảy...

- Tiêu diệt vi khuẩn có lợi: Do tính kháng khuẩn cao nên uống nhiều nước lá vối cũng sẽ tiêu diệt một lượng vi khuẩn có lợi trong cơ thể. Điều này làm cơ thể thiếu sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc các bệnh khác.

Vì thế, nên uống nước lá vối khô đồng thời kết hợp bổ sung men hỗ trợ tiêu hóa để giảm tính kháng khuẩn trong lá vối, tránh tiêu diệt vi khuẩn có lợi cho đường ruột.

- Do tính kháng viêm, kháng khuẩn mạnh nên cần dùng ở mức độ hạn chế nhằm tránh gây hại các vi khuẩn có lợi trong cơ thể.

- Đối với những người quá gầy, tình trạng sức khỏe quá yếu ớt, bị suy nhược thì không nên sử dụng cây vối.

- Nên nấu loãng nước vối, không nên sử dụng nước quá đặc vì sẽ gây kích thích tiêu hóa, tăng nhu động ruột, tiêu chảy, mệt mỏi…

- Trước khi sử dụng cây vối trong bất kỳ trường hợp nào, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

- Không nên sử dụng nước lá vối để qua đêm, không uống khi bụng đang đói hoặc ngay sau khi ăn.

- Thận trọng khi sử dụng cây vối cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú, trẻ nhỏ hoặc người mắc các bệnh lý nền.

- Người bệnh cần kết hợp chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp, không dùng cây vối để thay thế hoàn toàn cho các phương pháp điều trị theo chỉ định bác sĩ chuyên khoa.

- Nếu thấy trong thời gian sử dụng cơ thể có triệu chứng bất thường hoặc bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần phải ngưng dùng, nếu cần thiết phải đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

Uống nước vối đặc khi đói có thể gây cồn cào, mệt mỏi, thèm ăn, chóng mặt (dân gian gọi là say) do các hoạt chất trong lá vối có tác dụng kích thích nhu động ruột, thúc đẩy tiêu hóa, chống đầy bụng. Do vậy, nên uống rải rác trong ngày.

Theo TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục